Phát triển hợp tác xã thông qua hợp tác

14:02' - 07/07/2018
BNEWS Việc các hợp tác xã phát triển đa dạng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hộị đã trở thành một khái niệm kinh tế phổ biến, góp phần cho tăng trưởng bền vững.

“Phát triển hợp tác xã thông qua hợp tác” là chủ đề lễ kỷ niệm ngày Hợp tác xã quốc tế năm 2018 (Coops Day) do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức ngày 7/7 nhằm ghi nhận và chúc mừng những đóng góp của phong trào hợp tác xã trong xu thế phát triển của thế giới.

Lễ kỷ niệm ngày Hợp tác xã quốc tế năm 2018. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Liên minh Hợp tác xã quốc tế là tổ chức đại diện cho phong trào hợp tác xã trên toàn thế giới với hơn 2,6 triệu hợp tác xã, gần 1,2 tỷ thành viên của hơn 100 nước và đảm bảo đời sống cho hơn một nửa dân số thế giới.

Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Cùng với đó, các hợp tác xã phát triển đa dạng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hộị, trở thành một khái niệm kinh tế phổ biến, góp phần cho tăng trưởng bền vững cũng như chia sẻ giá trị bởi sức mạnh bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và tạo động lực phát triển. Đặc biệt, phong trào Hợp tác xã thế giới là tổ chức quốc tế đầu tiên cam kết thực hiện 17 mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Tại Việt Nam, đến nay đã có hơn 20.000 hợp tác xã, trên 93.000 tổ hợp tác và gần 60 liên hiệp hợp tác xã, khoảng 13 triệu xã viên, tạo việc làm cho 30 triệu người. Từ đó, đóng góp tích cực vào việc đổi mới, tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp, từng bước trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế-xã hội.

Theo ông Hầu A Lềnh, với trách nhiệm là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã và đang làm tốt chức năng, nhiệm vụ là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hợp tác xã, tích cực hưởng ứng triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua cũng như các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Ông Hầu A Lềnh cũng đánh giá cao chủ đề “Phát triển hợp tác xã thông qua hợp tác” song hành với chủ đề “Tiêu dùng và sản xuất bền vững” của Liên Hợp quốc và tin tưởng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Điều này nhằm đưa kinh tế hợp tác phát triển bền vững và góp phần xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc.

Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam ILO (ILO Country Office for Viet Nam) bày tỏ, chủ đề năm nay, tiêu dùng và sản xuất hàng hóa và dịch vụ bền vững, thực sự rất đúng thời điểm, khi mà tất cả cộng đồng phát triển, bao gồm tổ chức ILO, đang cùng nỗ lực để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững đặt ra trong Chương trình 2030.

Cùng với phong trào Đổi Mới cách đây 30 năm, hợp tác xã bắt đầu tìm được chỗ đứng phù hợp hơn trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó, nhiều hình thái nền kinh tế và doanh nghiệp khác nhau được thừa nhận đúng đắn trong hệ thống kinh tế và xã hội của đất nước. Đáng lưu ý, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tạo khung khổ pháp lý cho sự phát triển lớn mạnh hơn của hợp tác xã cũng như cho sự đóng góp của hợp tác xã cho kinh tế và xã hội.

Theo ông Chang-Hee Le, các hợp tác xã hiện đại dựa trên những giá trị về tự lực, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, công bằng, bình đẳng và đoàn kết cũng như những giá trị đạo đức trung thực, cởi mở, trách nhiệm xã hội và quan tâm đến người khác.

Với nền tảng đó, hợp tác xã không chỉ đem lại những đóng góp giá trị cho sự phát triển về kinh tế và xã hội cho đất nước, mà còn giúp hàng triệu người dân cải thiện đời sống và phát triển kinh tế địa phương.

Đây cũng là lý do tại sao ngày nay, các doanh nghiệp đang tìm cách thức để cải thiện ảnh hưởng về môi trường và xã hội của họ xuyên suốt chuỗi cung ứng. Đó như là một công cụ để tạo thu nhập, tạo việc làm, nâng cao quá trình hợp thức hóa nền kinh tế phi chính thức và thúc đẩy các cơ hội việc làm tốt hơn trong các nền kinh tế nông thôn. Bởi, hợp tác xã của cả hai đầu chuỗi cung ứng đã và đang chung sức để làm co lại chuỗi giá trị, cải thiện nguồn gốc sản phẩm và áp dụng những thực tiễn thân thiện môi trường.

Ông Chang-Hee Le cho biết, hiện ILO đã có các dự án hỗ trợ đối tác trực tiếp tại địa bàn để tiến tới việc sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua hợp tác xã. Đặc biệt, ILO đã hỗ trợ việc xây dựng giáo trình cho phù hợp với Việt Nam bốn học phần đào tạo của chương trình My Coop về hợp tác xã nông nghiệp. Sau đó, chuyển các học phần này cho một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan (tổ chức Agriterra) để thông qua đó tổ chức các khóa đào tạo cho các hợp tác xã nông nghiệp trên toàn Việt Nam.

Ngoài ra, tổ chức ILO cũng đã hỗ trợ kỹ thuật cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện đánh giá về việc xác định lương tối thiểu vùng cho hợp tác xã năm 2017. Sáng kiến dự án về hợp tác xã trong thời đại số đang được bàn thảo và lên kế hoạch cùng với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để gia hạn dự án tiềm năng nói trên liên quan đến các học phần của chương trình My Coop.

Chia sẻ thêm về ý nghĩa của ngày Hợp tác xã quốc tế, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho hay, thông điệp ngày Hợp tác xã quốc tế lần thứ 96 của Liên minh Hợp tác xã Quốc tế và lần thứ 24 của Liên Hợp Quốc với chủ đề được lựa chọn là “Phát triển hợp tác xã bền vững thông qua hợp tác” khẳng định: Đến nay, không có phong trào kinh tế - xã hội và chính trị nào trên thế giới phát triển vững mạnh như phong trào hợp tác xã quốc tế.

Các con số được đề cập ở trên chưa phải là điều quan trọng nhất mà hơn hết đó là các hợp tác xã là địa chỉ tiêu thụ, sản xuất và sử dụng các nguồn lực của trái đất một cách thân thiện với môi trường và vì sự phát triển của con người và cộng đồng.

Đó chính là lý do tại sao hợp tác xã là đối tác chính trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Cụ thể, năm 2018 các hợp tác xã hướng tới thực hiện các mục tiêu số 6 về nước sạch và vệ sinh, mục tiêu số 7 về năng lượng sạch và chi phí hợp lý, mục tiêu số 11 về thành phố và cộng đồng bền vững, mục tiêu số 12 về tiêu dùng và sản xuất có chất lượng, mục tiêu số 15 về sự sống trên trái đất. Có thể nói, hợp tác xã bền vững là các hợp tác xã phát triển và tăng trưởng trong giới hạn hài hòa với môi trường, xã hội và kinh tế.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm, trong báo cáo gần đây của một Công ty Luật của Anh (PwC) cho thấy cứ 5 tổ chức thì có 2 tổ chức bỏ qua hoặc không tham gia vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Hợp tác xã đang đi đầu và có đóng góp to lớn vào việc thực hiện và tuyên truyền về các mục tiêu phát triển bền vững và đặt ra các mục tiêu cụ thể của mình.

Năm 2016, Liên minh Hợp tác xã quốc tế đã phát động chiến dịch hợp tác xã đến năm 2030 để thể hiện những cam kết của hợp tác xã đối với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và tôn vinh những đóng góp của hợp tác xã trong việc tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Mạnh Cường thông điệp về ngày hợp tác xã quốc tế 2018 đã khẳng định giá trị và bản chất nhân văn cũng như đóng góp to lớn của hợp tác xã vào việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Không những thế, đây còn là lời hiệu triệu gửi đến các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới hãy đồng hành cùng hợp tác xã, quan tâm và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển hợp tác xã vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Tại lễ kỷ niệm, ông Hầu A Lềnh và ông Nguyễn Ngọc Bảo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã trao bằng khen cho 3 tổ chức quốc tế đã đồng hành và tạo điều kiện cho khu vực hợp tác xã phát triển bền vững.

>>>Hiệu quả từ mô hình liên kết trong phát triển sản xuất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục