Hướng tới phát triển nền xuất khẩu nhanh và bền vững

18:14' - 24/04/2018
BNEWS Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2018 với chủ đề “Hướng tới phát triển nền xuất khẩu nhanh và bền vững” tập trung vào các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gắn với thương hiệu Việt.
Xuất khẩu thanh long sang Australia. Ảnh: TTXVN

Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2018 với chủ đề “Hướng tới phát triển nền xuất khẩu nhanh và bền vững” do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 24/4, tại Hà Nội, nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gắn với thương hiệu Việt trong thời gian tới.

Tại diễn đàn, ông Vũ Bá Phú -Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại- cho biết, trong những năm qua, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng, cán cân thương mại được cải thiện.

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng các chủng loại hàng chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng các nhóm hàng khai thác tài nguyên, khoáng sản, hàng sơ chế có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

Tỉ lệ nội địa hóa một số ngành được nâng cao, vị thế sản phẩm, nguồn cung từ Việt Nam đang dần được khẳng định trên thị trường thế giới.

Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt các FTA thế hệ mới với các đối tác lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Liên minh Kinh tế Á – Âu…

Những ngăn cách về không gian kinh tế, hàng hóa, dịch vụ ngày càng thu hẹp thì bất cứ doanh nghiệp hay nhà đầu tư nào cũng đều có cơ hội và phải đối diện với cạnh tranh gay gắt trong việc tận dụng và phát huy ưu thế của hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Ông Vũ Bá Phú cũng cho rằng, để tồn tại, phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuyển biến về tư duy, chủ động thích ứng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, và cần tập trung nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu cho sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu và tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng, tạo uy tín trên thị trường.

Theo ông Trần Thanh Hải -Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2017 là năm đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt ngưỡng 200 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương.

Tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng “lan tỏa”. Xuất khẩu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp đà tăng trưởng của năm trước.

Ông cho biết, Bộ Công Thương định hướng khuyến khích xúc tiến xuất khẩu một số mặt hàng tiềm năng. Đầu tiên là mặt hàng dệt may, đây là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá nhanh.

Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa khâu thiết kế mẫu mã, tăng hàm lượng xuất khẩu mặt hàng FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối) thay vì chỉ gia công xuất khẩu như hiện nay để tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và tăng hàm lượng giá trị cho hàng xuất khẩu.

Để tránh cạnh tranh trực tiếp, doanh nghiệp có thể tìm thị trường ngách để đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường.

Tiếp đến là mặt hàng da giày, cũng giống như hàng dệt may, ngành da giày hiện phần lớn sản xuất gia công. Từ tháng 1/2019, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm giày dép sang thị trường EU sẽ được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là điều kiện rất tốt cho doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu hàng hoá sang thị trường này và là mặt hàng hứa hẹn đem lại kim ngạch lớn trong những năm tới.

Thời gian qua, sản phẩm mang thương hiệu Việt đã bước đầu có chỗ đứng trên thị trường thế giới, tuy nhiên số lượng không nhiều. Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu khai thác được tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là cải tiến hoạt động xúc tiến sao cho phù hợp với bối cảnh kinh tế mới.

Theo Bà Lê Hoàng Oanh -Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), thời gian qua Bộ Công Thương đã đẩy mạnh hoạt động đàm phán song phương và đa phương song đây chỉ là khởi đầu giúp mở cửa thị trường, nhiệm vụ của doanh nghiệp là tận dụng ưu đãi từ các hiệp định. Đồng thời, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ doanh nghiệp tiếp tục cải tiến công nghệ, chất lượng hàng hoá.

Tại phiên thảo luận, các doanh nghiệp cũng đã đóng góp nhiều ý kiến và kinh nghiệm thành công trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình. Về vấn đề này ông Phú cũng cho biết, thời gian tới công tác xúc tiến thương mại sẽ được thực hiện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm hơn.

Cụ thể, phân nhóm ngành, doanh nghiệp và sản phẩm để hỗ trợ. Nhóm ngành, doanh nghiệp nào đã trưởng thành sẽ hỗ trợ phát triển công tác truyền thông thương hiệu; nhóm nào cần tìm kiếm đối tác sẽ hỗ trợ tham gia các kỳ hội chợ triển lãm; nhóm nào cần đào tạo chuyên sâu về thương hiệu, thiết kế sẽ được tham gia các khóa huấn luyện.

Để gỡ nút thắt nguồn vốn cho doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu, đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) cho hay, OCB sẵn sàng cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp khởi nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi, cho vay tín chấp khi bảo đảm một số điều kiện nhất định./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục