Công nghiệp hỗ trợ: Nhận diện để phát triển

06:30' - 17/03/2018
BNEWS Mặc dù có nhiều chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã được ban hành nhưng đến nay, các doanh nghiệp CNHT mới chỉ đáp ứng được từ 10-15% nhu cầu trong nước.
Các sản phẩm cơ khí chính xác sản xuất tại Công ty cơ khí Duy Khanh, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là ngành sản xuất công nghiệp mang tính nền tảng, chính yếu và là xương sống của nền công nghiệp quốc gia, quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Thời gian qua, nhiều chính sách phát triển CNHT được ban hành nhưng đến nay, các doanh nghiệp CNHT Việt Nam mới chỉ đáp ứng được từ 10-15% nhu cầu trong nước. 

* Chính sách nhiều 

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh. 

Với mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển, trong đó có phát triển ngành CNHT. Ngay từ năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Tiếp đến, ngày 4-7-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về Chính sách khuyến khích phát triển một số ngành CNHT... Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 3-11-2015 của Chính phủ về phát triển CNHT với nhiều cơ chế ưu đãi doanh nghiệp CNHT như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và áp mức 10% trong vòng 15 năm; các loại hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên vật liệu, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư sẽ được miễn thuế nhập khẩu, nhà đầu tư hưởng ưu đãi 50% kinh phí sản xuất thử trong hoạt động nghiên cứu và sản xuất… 

Đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ 2016 đến 2025 với mục tiêu chung đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, đến 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc ba lĩnh vực chủ yếu: lĩnh vực linh kiện phụ tùng, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao 

* Hiệu quả chưa như mong muốn 

Với hàng loạt chính sách được ban hành, trong thời gian qua, CNHT đã thu hút được một số kết quả nhất định, như góp phần nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp lắp ráp; giảm bớt tỷ lệ linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài… Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế có thể nhận thấy, ngành CNHT của Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, yếu kém. Các sản phẩm hỗ trợ của Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, giá lại cao hơn so với nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Nhân lực phục vụ CNHT chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng… 

Thống kê cho thấy, ở nước ta mới có khoảng 0,3% số doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNHT trong tổng số gần 500 nghìn doanh nghiệp. Không chỉ ít về số lượng, mà chất lượng các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam cũng còn yếu. Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” (tháng 11-2016), theo ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương - hiện nay, ngành CNHT tại Việt Nam phát triển chưa đem lại như kỳ vọng. Chẳng hạn trong lĩnh vực CNHT ngành ôtô, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Tương tự, trong lĩnh vực CNHT ngành dệt may-da giày, tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may đạt thấp (tỷ lệ giá trị gia tăng năm 2015 đạt 51,1%). Ngành da giày tỷ lệ cung ứng chỉ khoảng 20-25%, còn lại phải nhập khẩu, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu... 

Mới đây, Tập đoàn Samsung công bố nhu cầu 170 sản phẩm, hãng Toyota cũng công bố hàng trăm linh phụ kiện cần đối tác cung ứng, nhưng các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam không thể đáp ứng được. Việc thiếu các sản phẩm CNHT nội địa, dẫn tới mỗi năm, nước ta phải nhập khẩu linh, phụ kiện trị giá hàng chục tỷ USD. Trong đó, riêng sản phẩm nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô đã lên đến 30 tỷ USD. 

* Nhận diện để phát triển 

Theo các chuyên gia, cơ chế chính sách về phát triển CNHT hiện nay khá đồng bộ, có nhiều ưu đãi vượt trội. Tuy nhiên, làm thế nào để các chính sách đó đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả cũng còn nhiều vướng mắc. 

Đó là việc tiếp nguồn vốn, là quy mô sản xuất và nhu cầu của các ngành công nghiệp còn nhỏ, chưa tạo ra động lực cho các nhà CNHT. 

Ngoài ra, các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, thường sử dụng mạng lưới xí nghiệp vệ tinh, mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ sẵn có để chuyên cung cấp các sản phẩm hỗ trợ. Mặt khác, tuổi đời của công nghệ rất ngắn, điều đó buộc các doanh nghiệp phải luôn luôn duy trì một sự cơ động, mềm dẻo cao trong việc quản lý dây chuyền cung cấp các sản phẩm hỗ trợ. Trong khi đó, nền công nghiệp nước ta còn kém phát triển, quá trình hội nhập của nước ta muộn hơn, năng lực sản xuất của nước ta còn đang yếu và kinh nghiệm chưa nhiều, cho nên việc len chân được vào chuỗi giá trị toàn cầu là hết sức khó khăn. 

CNHT là một ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động tay nghề cao, sản phẩm của các nhà máy CNHT là những sản phẩm mang tính đặc thù cao, theo quy chuẩn và yêu cầu thiết kế khắt khe của đơn vị đặt hàng, nhưng nước ta hiện nay còn đang thiếu đội ngũ lao động này. Nếu không có những giải pháp tích cực, đồng bộ, thì sẽ là điểm nghẽn lớn cho quá trình phát triển kinh tế nói chung, CNHT nói riêng, làm giảm hiệu quả của quá trình hội nhập sâu rộng và đón đầu làn sóng đầu tư của các công ty đa quốc gia ở nước ta khi các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới có hiệu lực… 

Nhận diện rõ những thách thức và rào cản trong phát CNHT ở nước ta sẽ là những cứ liệu quan trọng trong việc hoạch định những chính sách và bước đi phù hợp để phát triển ngành CNHT hiện nay./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục