Alibaba trước những cáo buộc "gây khó" cho doanh nghiệp

19:29' - 23/04/2018
BNEWS Nhiều thương hiệu đã phàn nàn rằng họ phải đối mặt với nhiều hạn chế gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ trên sàn thương mại điện tử sau khi từ chối các hợp đồng độc quyền với “ông lớn” này.
Alibaba trước những cáo buộc "gây khó" cho doanh nghiệp. Ảnh: reuters

Ông Wang Hongbo, một chuyên gia tư vấn cho hay nhiều thương hiệu đã phàn nàn rằng họ phải đối mặt với nhiều hạn chế gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ trên sàn thương mại điện tử Tmall của Tập đoàn Alibaba sau khi từ chối các hợp đồng độc quyền với “ông lớn” này.

Lãnh đạo các công ty này cho biết sau khi họ khước từ các hợp đồng độc quyền với Alibaba, thương biệu của họ 'biến mất" khỏi những vị trí nổi bật ở Tmall và các sản phẩm cũng không còn xuất hiện trong Top kết quả tìm kiếm.

Một công ty giấu tên cho biết nếu dựa vào báo cáo doanh thu thì công ty này phải được đứng ở một vị trí nổi bật, nhưng ngược lại họ phải “ngậm ngùi” ở cuối bảng.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP, hai công ty khác cho biết sau khi có những nhượng bộ với Alibaba, trong đó có việc bày bán các sản phẩm độc quyền trên sàn thương mại điện tử của "người khổng lồ" này, nâng giá sản phẩm bày bán ở đối thủ của Alibaba là JD.com…, thì lượng khách hàng truy cập vào các gian hàng của họ ở Tmall tăng trở lại.

Thậm chí, một công ty cho biết đã phải rời bỏ JD.com để cứu lấy doanh số của họ ở Tmall.

Alibaba mặc dù thừa nhận có cho các công ty ký hợp đồng độc quyền với Alibaba được hưởng nhiều quyền lợi, theo các quy định của pháp luật Trung Quốc, song cho biết các công ty này có quyền tự do lựa chọn nhà thương mại điện tử nào mà họ muốn hợp tác.

Với khả năng sinh lời cao gấp đôi Amazon, mỗi năm Alibaba phục vụ số khách hàng còn lớn hơn cả dân số Bắc Mỹ. Không dừng lại ở đó, nhà sáng lập Jack Ma còn nuôi tham vọng nâng tổng số khách hàng của Alibaba lên 2 tỷ người vào năm 2036, gần bằng 1/4 dân số toàn cầu.

Chiến lược "chiêu mộ" rộng rãi các thương hiệu nước ngoài của Alibaba đã phát huy tác dụng.

“Gã khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử này cho biết đã có 60.000 thương hiệu quốc tế tham gia vào lễ hội mua sắm của tập đoàn này nhân dịp lễ Độc thân (Singles Day) hồi tháng 11 năm ngoái, tăng mạnh so với con số 5.000 thương hiệu trong năm 2015.

Được xem là cánh cửa để tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với nhiều thương hiệu lớn ở nước ngoài, Tmall chiếm đến 60% doanh số bán hàng trực tuyến thông qua kênh B2C (doanh nghiệp với khách hàng) ở Trung Quốc trong nửa cuối năm 2017.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục