Yếu tố rủi ro quan trọng nhất khiến kinh tế toàn cầu trở nên mất ổn định

06:30' - 15/05/2019
BNEWS Tiến trình đàm phán giữa hai bên liên quan đến các lĩnh vực chủ yếu mà Mỹ quan tâm như chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, biện pháp phi thuế quan...
Yếu tố rủi ro khiến kinh tế toàn cầu trở nên mất ổn định. Ảnh: TTXVN phát 

Trang mạng "haiwaikanshijie.com" số ra mới đây có bài phân tích trong đó nhận định trong bối cảnh áp lực do kinh tế thế giới suy giảm đang tăng lên, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành yếu tố rủi ro quan trọng nhất khiến kinh tế toàn cầu trở nên mất ổn định. 

Đối tượng của tranh chấp thương mại cũng đã chuyển từ sự mất cân bằng thương mại lớn đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tiếp đó mở rộng ra các đề tài như chính sách ngành nghề mà đại diện là kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc...

Mỹ cho rằng đã đạt được tiến triển trong rất nhiều vấn đề then chốt, trong khi Trung Quốc cũng nói đã đạt được nhận thức chung mới trong các vấn đề quan trọng như văn bản của thỏa thuận thương mại... 

Cho dù thông tin mà Mỹ -bên có lợi thế trong đàm phán- đưa ra vẫn khiến mọi người khó có thể dự đoán khi nào sẽ đạt được kết quả cuối cùng, nhưng thông tin về cuộc đàm phán được công bố gần đây đã ít đề cập đến kế hoạch “Made in China 2025”. 

Liệu có phải tranh cãi giữa Trung Quốc và Mỹ xoay quanh kế hoạch “Made in China 2025” đã giảm xuống? Lẽ nào Trung Quốc sẽ từ bỏ chủ trương chính sách thúc đẩy quá trình nâng cấp ngành nghề và đối phó với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoặc Mỹ đã công nhận ý nghĩa tồn tại của chính sách ngành nghề “Made in China 2025” đối với Trung Quốc?

* Phân cấp thực hiện hệ thống chính sách “Made in China 2025”

Theo giới phân tích, Trung Quốc và Mỹ vẫn có bất đồng lớn về chính sách ngành nghề được thể hiện trong “Made in China 2025”. Hai bên không sử dụng tên gọi “Made in China 2025” này mà tập trung đàm phán về các biện pháp chính sách cụ thể như quyền sở hữu trí tuệ, chính sách trợ cấp tài chính quá mức và sự phân biệt đối xử với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Trên thực tế, Trung Quốc đã có phản ứng tích cực đối với những lo ngại của Mỹ về kế hoạch “Made in China 2025”. Mặc dù Trung Quốc không tuyên bố một cách rõ ràng sẽ từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025” nhưng đã không đề cập đến từ khóa này trong các văn kiện và bài phát biểu công khai của chính phủ và tin tức của các phương tiện truyền thông kể từ giữa năm 2018 đến nay.

Trái lại, Bắc Kinh sử dụng nhiều hơn các từ khóa có kế hoạch hành động cụ thể như trung tâm đổi mới sáng tạo trong sản xuất, sản xuất thông minh, dự án tăng cường công nghiệp ở cấp cơ sở, ứng dụng vạn vật kết nối Internet vào sản xuất công nghiệp, kế hoạch hành động phát triển trí tuệ nhận tạo thế hệ mới...

Chẳng hạn, để thực hiện sự đột phá về công nghệ phổ biến vốn lâu nay kìm hãm sự phát triển của ngành sản xuất Trung Quốc, nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của ngành sản xuất, đến cuối tháng 3/2019, thông qua sự dẫn dắt của chính phủ, sự điều chỉnh chiến lược của doanh nghiệp, Trung Quốc đã xây dựng 10 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. 

Theo kế hoạch, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ thành lập khoảng 15 trung tâm đổi mới sáng tạo trong sản xuất, cố gắng đến năm 2025 thành lập được khoảng 40 trung tâm kiểu này. Từ năm 2015 đến cuối 2018, Trung Quốc đã tổ chức và thực hiện 305 dự án thí điểm sản xuất thông minh bao phủ 92 ngành nghề và 31 tỉnh, thành. 

Để nâng cao năng lực nền tảng của ngành công nghiệp, giải quyết hiệu quả các vấn đề nan giải về sản phẩm cơ bản và ứng dụng công nghệ của ngành công nghiệp, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch ứng dụng theo kiểu dây chuyền sản phẩm, công nghệ trọng điểm trong công trình tăng cường công nghiệp ở cấp cơ sở, và vào cuối năm 2018 đã công bố 145 doanh nghiệp và dự án thí điểm bao gồm thiết bị điều khiểu, thiết bị điều tiết chính xác cao, động cơ servo...

Ban đầu, kế hoạch “Made in China 2025” là một chính sách ngành nghề phức hợp được hoạch định để thúc đẩy quá trình nâng cấp và chuyển đổi mô hình ngành sản xuất truyền thống và đối phó với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

So với chính sách ngành nghề trước đây, chính sách này có những đặc điểm sau: 1) Thúc đẩy chiến lược phát triển lấy đổi mới sáng tạo làm hướng phát triển; 2) Thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch với trọng tâm là sản xuất thông minh; 3) Thực hiện những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng; 4) Thúc đẩy sản xuất xanh; 5) Hồi sinh ngành công nghiệp sản xuất trang thiết bị cao cấp.

Do đó, Trung Quốc đã ngừng sử dụng khái niệm chính sách ngành nghề “Made in China 2025” - nhân tố chính gây ra va chạm thương mại Trung-Mỹ, và việc thực hiện từng dự án cụ thể đã không cản trở các mục tiêu chính sách thúc đẩy nâng cấp ngành nghề và đối phó với cách mạng ngành nghề mới.

Trên thực tế, một số kế hoạch được đề cập trong hệ thống quy hoạch “Made in China 2025” vừa mang nặng màu sắc kinh tế, vừa đi ngược lại nguyên tắc kinh tế thị trường, cũng như sản xuất tự chủ và thị phần trong quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không những vấp phải sự chỉ trích của chính phủ và giới doanh nghiệp Mỹ và châu Âu, mà rất nhiều chuyên gia kinh tế và giới doanh nghiệp Trung Quốc cũng đưa ra ý kiến khác nhau. 

Ví dụ như các văn kiện liên quan đến quy hoạch này có đề cập: Đến năm 2020, năng lực nền tảng của ngành công nghiệp được gọi là “4 nền tảng” (linh kiện nền tảng then chốt, vật liệu nền tảng then chốt, công nghệ nền tảng tiên tiến và nền tảng công nghệ của các ngành nghề) được nâng cao rõ rệt, bước đầu sẽ xây dựng hệ thống nền tảng của ngành công nghiệp điều tiết với sự phát triển của ngành này và có khởi điểm công nghệ cao, 40% linh kiện nền tảng then chốt, vật liệu nền tảng then chốt phải đảm bảo tự chủ, tỷ lệ công nghệ nền tảng tiên tiến được ứng dụng rộng rãi phải lên đến 50%, thiết lập hệ thống nền tảng công nghệ ngành nghề bước đầu, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất trang thiết bị cao cấp và công trình lớn của đất nước... 

Người ta tin rằng các cơ quan hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ lắng nghe ý kiến của các bên để có sự điều chỉnh theo các quy tắc của WTO và nguyên tắc cải cách theo định hướng thị trường.

* Mỹ tập trung vào các biện pháp chính sách

Từ những thông tin và những lời chỉ trích của Mỹ nhằm vào kế hoạch “Made in China 2025” cho thấy sự chú ý của Mỹ chủ yếu tập trung vào 3 phương diện: 1) kế hoạch “Made in China 2025” có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nghi ngờ có nội dung ép buộc chuyển giao công nghệ cũng như có các biện pháp thương mại không công bằng và trợ cấp trái phép không phù hợp với quy tắc của WTO; 2) lo ngại việc Chính phủ Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo trong thúc đẩy phát triển các công nghệ trọng điểm lưỡng dụng như trí tuệ nhân tạo (AI)... đe dọa an ninh quốc gia; 3) có lẽ do dự đoán chủ quan của các phương tiện truyền thông và những người có liên quan, Mỹ lo ngại năng lực công nghệ của Trung Quốc và sự trỗi dậy nhanh chóng của nền kinh tế mới sẽ khiến Mỹ mất đi quyền chủ đạo trong công nghệ và ngành nghề mới.

Ví dụ Báo cáo đánh giá thương mại về các rào cản ngoại thương năm 2019 do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố hồi cuối tháng 3/2019 vẫn có một đoạn nói về kế hoạch “Made in China 2025”. 

Họ nhận định Mỹ không phản đối việc kế hoạch này tận dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất của ngành công nghiệp, nhưng lại tỏ ra hết sức quan tâm đến việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp chính sách chưa từng có như hạn chế vốn đầu tư nước ngoài, chính sách sử dụng các nguồn mang tính phân biệt đối xử, trợ cấp tài chính quy mô lớn... để đạt được mục tiêu của “Made in China 2025”. Mỹ cho rằng các biện pháp chính sách này sẽ làm xói mòn thị trường và gây tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và xóa bỏ trợ cấp không phù hợp với quy định nêu trên là nghĩa vụ của Trung Quốc theo nghị định thư gia nhập WTO (Trung Quốc cam kết không thực hiện chuyển giao công nghệ có tính ép buộc đối với vốn nước ngoài trong nghị định thư gia nhập WTO). 

Nếu Mỹ dựa vào các chứng cứ để cáo buộc Trung Quốc vi phạm các cam kết của WTO, thì tác giả bài viết (Kim Kiên Mẫn – nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Fujitsu, Nhật Bản) cho rằng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO hiện nay có thể đi đến phán quyết có lợi cho Mỹ.

Về vấn đề sản xuất thông minh, quả thực là tương đối dễ phân biệt giữa công nghệ quân dụng và dân dụng trong lĩnh vực công nghệ truyền thống, nhưng do công nghệ thế hệ mới như AI, máy bay không người lái… là công nghệ lưỡng dụng, nên nỗi lo đối với an ninh quốc gia là điều có thể hiểu được. 

Tuy nhiên, từ góc độ lựa chọn ưu tiên chính sách cho thấy nên xem xét các phản ứng chính sách ở trong nước (như Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế thu mua tài sản đối với doanh nghiệp nước ngoài và xuất khẩu công nghệ đối với doanh nghiệp trong nước, nhưng đối tượng của những biện pháp này phải dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử), và về đối ngoại nên thông qua đàm phán để xác nhận quy tắc và tính minh bạch về phát triển công nghệ mới mà các bên nên tuân thủ.

Dường như các quốc gia, trong đó có các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức… đều sẽ ban hành chính sách ngành nghề. Ví dụ như từ việc các nước thúc đẩy chính sách phát triển và đổi mới cho thấy để hỗ trợ tiến trình tái công nghiệp hóa, năm 2012 Chính phủ Mỹ đã đưa ra kế hoạch Mạng lưới sáng tạo sản xuất quốc gia (NNMI) với tổng số vốn đầu tư là 1 tỷ USD. Trong 10 năm tới, mạng lưới sáng tạo trong sản xuất của Mỹ sẽ bao phủ hơn 45 cơ quan nghiên cứu cấp nhà nước.

Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trong sản xuất mà kế hoạch “Made in China 2025” đưa ra đã tham khảo mô hình của Mỹ  để xây dựng. Theo kết quả khảo sát của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company (Mỹ), năm 2015 Chính phủ Mỹ đã thành lập Viện sáng tạo sản xuất và thiết kế kỹ thuật số (DMDII) ở bang Chicago, đây được coi là một trong những cơ quan tạo thành NNMI. 

Trong quá trình phát triển công nghệ mới như AI, công nghệ sản xuất tân tiến, máy tính lượng tử, thế hệ mạng di động tốc độ cao thứ 5 (5G), tháng 2/2019 Chính quyền Donald Trump cũng đã tăng chi tiêu tài chính cho nghiên cứu và phát triển (R&D)…, để bảo đảm vị trí dẫn đầu của Mỹ trong các ngành nghề mới.

 Từ những ví dụ nêu trên có thể thấy chính phủ các nước, trong đó có Mỹ cũng đang xây dựng và thực thi chính sách ngành nghề được cho là phù hợp với quy tắc của WTO. Vì vậy, việc Chính phủ Mỹ rất ít đề cập đến kế hoạch “Made in China 2025” trong đàm phán thương mại Trung-Mỹ có lẽ là sự thay đổi sách lược: Nói Mỹ chỉ trích chính sách ngành nghề “Made in China 2025” không đáng bằng nói đó là biện pháp chính sách đi ngược lại quy tắc của WTO để có thể nhận được sự ủng rộng rãi của cộng đồng quốc tế. 

Trên thực tế, vấn đề bị chỉ trích tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ về kế hoạch “Made in China 2025” không phải là bản thân chính sách ngành nghề này, mà là các biện pháp chính sách như trợ cấp chính phủ quy mô lớn bao hàm trong chính sách này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục