Yên Bái: Sản xuất nông nghiệp chịu tác động do giá thịt hơi giảm sâu

16:04' - 10/06/2019
BNEWS Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thịt hơi trên thị trường liên tục giảm sâu nên giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh Yên Bái ước năm 2019 sẽ giảm khoảng 171 tỷ đồng.
Các lực lượng chức năng Yên Bái dùng vôi tiêu hủy lợn nhiễm bệnh. Ảnh minh họa: Ngọc Anh/TTXVN

Ông Trần Đức Lâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thịt hơi trên thị trường liên tục giảm sâu còn 28.000  - 30.000 đồng/kg nên giá trị sản xuất chăn nuôi của Yên Bái ước năm 2019 sẽ giảm khoảng 171 tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 120.000 đầu lợn, bằng 6.560 tấn lợn hơi xuất chuồng. 

Để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 4,75% trong năm 2019, ngành nông nghiệp Yên Bái xây dựng phương án phát triển sản xuất, nhằm bù đắp thiếu hụt về sản lượng giá trị chăn nuôi lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung bù đắp thiếu hụt giá trị từ nội ngành chăn nuôi, phát triển nuôi trồng thuỷ sản và phát triển lâm nghiệp.

Trong 6 tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tập trung tăng thêm 250.000 con gia cầm với sản lượng 500 tấn, giá trị bù đắp khoảng 25 tỷ đồng; tăng cường vỗ béo bò thịt, tập trung phát triển chăn nuôi thỏ, dê để tăng giá trị thêm khoảng 10 tỷ đồng; tăng số lượng từ 1.500 lồng nuôi cá lên 1.800 lồng để tăng sản phẩm thuỷ sản thêm 206 tấn, giá trị đạt 6 tỷ đồng; tăng thêm giá trị lâm nghiệp khoảng 130 tỷ đồng  bằng việc tăng diện tích khai thác và trồng mới.

Dịch tả lợn châu Phi hiện đã xảy ra tại 84 thôn bản của 43 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện thị của tỉnh Yên Bái với 2.963 con lợn chết và tiêu huỷ, trọng lượng 126.040 kg. Mặc dù tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng chống, song hiện nay, dịch vẫn đang lây lan nhanh lại  không có vắc xin phòng và thuốc điều trị bệnh.

Ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái và các địa phương hiện đang tập trung nguồn lực, nhân lực khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh để sớm ổn định sản xuất trước mắt cũng như việc thực hiện tái đàn lợn khi dịch bệnh qua đi./.

Xem thêm:

>>Cà Mau đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 3

>>Xem xét hỗ trợ khẩn cấp cho người dân có lợn mắc dịch tả châu Phi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục