Ý kiến trái chiều việc tuyển thẳng thí sinh dự thi Đường lên đỉnh Olympia vào đại học

18:32' - 07/03/2017
BNEWS Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội có chủ trương tuyển thẳng thí sinh tham dự cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia (Đường lên đỉnh Olympia)​. Chủ trương này đang gây ra những ý kiến trái chiều.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đưa ra tiêu chí tuyển thẳng với thí sinh tham dự chương trình Olympia vòng thi tuần.

Có nhiều người ủng hộ chủ trương này để không “chảy máu chất xám” và cho đó cũng là một trong những chính sách thu hút nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, lại có nhiều người phản đối vì cho rằng đây là cuộc chơi thuần túy, đừng mang nó thành tiêu chí tuyển thẳng vào ĐH, sẽ “mất đi cái chất” vốn có của nó.

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng chị Phạm Mai - một người dành nhiều thời gian nghiên cứu các vấn đề giáo dục. Chị Phạm Mai cho hay: “Tôi nghĩ một khi đã trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH thì nên để các trường tự quyết định tiêu chí tuyển sinh hoặc tuyển thẳng.

Việc đặt ra tiêu chí nào, ưu tiên đối tượng nào là quyền của mỗi trường và các trường có thể có các tiêu chí khác nhau và các đối tượng ưu tiên khác nhau. Như vậy, trường A có thể chấp nhận tuyển thẳng các em thi đường lên đỉnh Olympia trong khi trường B thì không. Đó là quyền của họ khi họ được giao tự chủ.

Có nhiều người cho rằng, việc tuyển thẳng thí sinh tham gia thi Olympia vào ĐH sẽ làm méo mó sân chơi này, tôi nghĩ điều đó là không tránh khỏi nhưng chúng ta cũng không thể cấm được các trường đưa ra tiêu chí tuyển thẳng.

Hơn nữa, nhiều trường ở nước ngoài họ còn có thể tuyển thẳng một cầu thủ hay vận động viên nổi tiếng nào đó vào trường để tạo danh tiếng cho trường đó và cũng là để thu hút nhân tài”.

Trái ngược với quan điểm này, anh Phạm Xuân Anh (giáo viên một trường THPT trên địa bàn Hà Nội) cho hay: “Phải thừa nhận, sân chơi Olympia từ trước tới nay vẫn là sân chơi trí tuệ rất bổ ích, nó giúp học sinh khẳng định được bản thân của mình.

Tuy nhiên, nếu đưa nó là một tiêu chí để tuyển thẳng đại học, mà nhất là thí sinh mới chỉ tham gia cuộc thi tuần, là có phần “hơi dễ dãi”. Học sinh tham gia cuộc thi tuần là học sinh xuất sắc của một trường nhưng chưa chắc học sinh đó đã giỏi thực sự.

Đó là chưa kể, Olympia là một sân chơi trí tuệ, xin mọi người đừng biến nó thành một đường đua đầy rẫy sự khốc liệt và khi ấy mỗi thí sinh của chúng ta lại trở thành nhà đua Olympia. Vậy là, các trường lại đổ xô luyện cho học sinh thi Olympia, rồi học sinh lại “học như thiêu thân” để thi Olympia.

Thiết nghĩ, đã là thi nên bỏ hết các tiêu chí tuyển thẳng hay cộng điểm. Bởi lẽ, nếu thí sinh giỏi thực sự, không cần tuyển thẳng, không cần cộng điểm họ vẫn đỗ vào trường mà mình muốn chọn. Vậy, để công bằng cho tất cả các thí sinh, tôi nghĩ nên bỏ tiêu chí cộng điểm và tuyển thẳng.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam lại ủng hộ việc tuyển thẳng các thí sinh dự thi Đường lên đỉnh Olympia: “Hiện nay các trường đã được giao quyền tự chủ, vì thế, mộ số trường bổ sung tiêu chí tuyển thẳng thí sinh vào trường như ĐH Kinh tế Quốc dân là hoàn toàn bình thường.

Bởi lẽ, hàng năm lượng thí sinh tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia không nhiều (144 em) và chia cho khoảng 150 trường ĐH tốp đầu thì là một con số không lớn.

Trong khi đó, mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ nên 144 học sinh tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia được tuyển thẳng là con số nhỏ để chúng ta thu hút nhân tài.

Đó là chưa kể, để tham gia chương trình, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức toàn diện, có tính nhanh nhạy và bản lĩnh thi đấu. Cuộc thi được diễn ra một cách công khai, minh bạch, công bằng nên tôi ủng hộ việc tuyển thẳng các em vào trường ĐH”.

>>> Những trường hợp được miễn thi ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục