Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc - Bài cuối: Tận dụng chính sách mở

16:34' - 28/06/2019
BNEWS Những năm gần đây, chính sách hướng Nam của Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.

Những năm gần đây, chính sách hướng Nam của Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng có nhiều nét tương đồng với Việt Nam về văn hoá, ẩm thực... Chính vì vậy, nhiều lao động Việt Nam đã chọn Hàn Quốc là điểm đến để tìm kiếm cơ hội "đổi đời".

Cách thủ đô Seoul khoảng 500km, thành phố biển Busan là nơi tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp. Chính vì vậy, có rất nhiều lao động nước ngoài sinh sống và làm việc tại Busan.

Lao động Trần Thế Anh (Nam Định) đang phụ trách mảng tự động hoá cho công ty IMT FA System. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Chúng tôi hẹn gặp được Trần Thế Anh, 34 tuổi (quê Nam Định) đã sang Hàn Quốc làm việc được 13 năm. Nhờ chăm chỉ làm việc và nỗ lực của bản thân, hiện Thế Anh đang phụ trách mảng tự động hoá cho Công ty IMT FA System - chuyên sản xuất linh kiện ô tô, với mức thu nhập khoảng 40.000 USD/năm (lương cơ bản), chưa kể thu nhập từ làm thêm giờ...

Kể về quá trình từ khi sang Hàn Quốc, Thế Anh cho biết, anh được sang Hàn Quốc theo chỉ tiêu của trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định khi đang học tại đây. Thời điểm đó, chỉ tiêu lao động rất nhiều nên mọi người cứ đăng ký và học tiếng Hàn là được đi, thậm chí có người chưa học tiếng đã đi rồi. Chi phí đóng theo quy định, cộng thêm chi phí học tiếng Hàn.

"Thời gian đầu, mình cũng nhớ nhà lắm, nhưng do công việc phải làm liên tục nên dần dần cũng quen với môi trường bên này. Thời gian rảnh, đi học thêm tiếng Hàn để có thể thuận lợi hơn trong giao tiếp" - Thế Anh nói.

Sau khi hết hợp đồng lao động (4 năm 10 tháng), Thế Anh đã làm thủ tục chuyển đổi visa theo diện cư trú dài hạn để tiếp tục làm việc tại Hàn Quốc. "Bản thân khi đó mình đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và tay nghề khá nên chủ sử dụng lao động đã "giữ chân" mình ở lại" - Thế Anh chia sẻ.

Sau nhiều năm chăm chỉ làm việc, tích góp, đến nay hai vợ chồng Thế Anh đã mua được nhà và đang làm các thủ tục khác để có thể trở thành công dân Hàn Quốc.

Các lao động Việt Nam trong buổi tập huấn về pháp luật. Ảnh: Thành Trung

Thành phố Asan, tỉnh Gyeonggi cũng là nơi có nhiều lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc. Tình cờ chúng tôi được tham dự buổi gặp gỡ giữa Văn phòng Quản lý lao động theo Chương trình EPS trực thuộc Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với các lao động Việt Nam. Đây là hoạt động thường xuyên của Văn phòng nhằm trao đổi, tư vấn cho lao động Việt Nam về các chính sách pháp luật, tuyển dụng lao động của Hàn Quốc; đồng thời vận động, tuyên truyền cho các lao động về nước đúng hạn...

Gặp Lê Đức Anh (trú tại Thường Tín - Hà Nội) đang tìm hiểu về thủ tục chuyển đổi visa tại đây, Đức Anh cho hay, sang Hàn Quốc được 2 năm (đi theo Chương trình EPS), hiện đang làm nghề cơ khí cho một doanh nghiệp đóng tại Asan. Đức Anh thường xuyên tham gia các buổi gặp gỡ với Văn phòng EPS để thu thập thông tin, chính sách việc làm của Hàn Quốc; đồng thời, đây cũng là nơi người lao động Việt Nam có thể trao đổi, tư vấn các vấn đề liên quan đến việc làm, visa...

Đức Anh chia sẻ, trước khi quyết định sang Hàn Quốc, đã tự tìm hiểu trên mạng và thông tin từ Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) các thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. "Do tự làm thủ tục nên mình chỉ phải bỏ ra 630 USD (vé máy bay, quần áo...), cộng với 100 triệu đồng (tiền ký quỹ cam kết, sau khi hết hợp đồng lao động về nước sẽ nhận lại)" - Đức Anh cho hay.

Về dự định trong tương lai, Đức Anh cười và nói: "Thời điểm này em chỉ tập trung làm kiếm tiền thôi, chứ chưa nghĩ đến tương lai. Khi nào hết hợp đồng lao động lần 1 (4 năm 10 tháng), em sẽ về Việt Nam. Sau đó, khi nào có đợt thi em sẽ làm hồ sơ sang lại lần nữa theo diện lao động trung thành."

Nhờ chính sách mở của Hàn Quốc mà rất nhiều lao động Việt Nam đã tận dụng được cơ hội để thoát nghèo cũng như "đổi đời".

Ông Nguyễn Như Tuấn, nguyên Bí thư thứ 1 - Trưởng ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, năm 2019, Hàn Quốc cần tiếp nhận 56.000 lao động nước ngoài; trong đó gồm 43.000 lao động mới và 13.000 lao động tái nhập cảnh. Chỉ tiêu này được phân bổ cho ngành sản xuất chế tạo là 40.700 lao động; 6.400 lao động trong ngành nông nghiệp và chăn nuôi; 2.500 lao động ngành ngư nghiệp; 2.300 lao động ngành xây dựng; 100 lao động ngành dịch vụ và số lượng 4.000 lao động dự phòng để phân bổ sau căn cứ nhu cầu cụ thể của từng ngành. 

Theo ông Tuấn, nguyên nhân Hàn Quốc có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài nhiều là để bù đắp sự thiếu hụt lao động trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, nông nghiệp và ngư nghiệp. Mặt khác, dù tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tại Hàn Quốc là 10%, nhưng Hàn Quốc vẫn rất thiếu lao động trong những công việc trong lĩnh vực 3D (khó khăn, không sạch sẽ và nguy hiểm).

Thông tin về các chính sách thu hút người lao động nước ngoài của Hàn Quốc, ông Lee, Deok Ryong - Cục trưởng Xuất nhập cảnh Hàn Quốc cho hay: Trong khoảng 15 năm (từ năm 2005) Hàn Quốc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động/nhân lực ở từng lĩnh vực cụ thể; trung bình mỗi năm Hàn Quốc thiếu khoảng 5.000 lao động. Để giải quyết vấn đề thiếu hụt người lao động, từ năm 2004, Hàn Quốc bắt đầu tiếp nhận sử dụng lao động người nước ngoài. Trong quá trình đó Hàn Quốc bắt đầu tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam.

Theo ông Lee, Deok Ryong, năm 2015, Bộ Tư pháp và chính quyền các địa phương cũng có chế độ nhập khẩu lao động thời vụ làm việc trong ngành nông và ngư nghiệp. Và từ năm 2017, Hàn Quốc thực hiện chế độ tiếp nhận nhân lực tay nghề thành thạo, lao động có thể cư trú và làm việc trên 5 năm (visa E7). Do áp dụng chế độ này nên Hàn Quốc đã thu hút số lượng lớn những lao động có tay nghề thuần thục, từ đó số lao động Việt Nam liên tục tăng cao.

Có thể nói, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động hàng đầu của Việt Nam trong những năm qua. Bên cạnh đó, Hàn Quốc rất cần nguồn nhân lực trong các lĩnh vực cơ khí, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp. Trong khi đó, lao động Việt Nam lại có ưu thế hơn so với nhiều quốc gia khác trong các lĩnh vực này do có tay nghề, cần cù... đây chính là cơ hội cho lao động Việt Nam nếu biết tận dụng những chính sách mở của Hàn Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục