Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc - Bài 2: Những góc khuất

16:32' - 28/06/2019
BNEWS Do mức thu nhập tại Hàn Quốc khá "hấp dẫn" nên tình trạng lao động lưu trú quá hạn tại Hàn Quốc luôn ở mức cao. Để ở lại Hàn Quốc làm việc thì các lao động lưu trú quá hạn cũng phải đánh đổi nhiều thứ
Đa số các lao động Việt Nam sang Hàn Quốc đều làm nghề cơ khí. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Mỗi năm Hàn Quốc có nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn lao động nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, nông nghiệp và ngư nghiệp. Do mức thu nhập tại Hàn Quốc khá "hấp dẫn" nên tình trạng lao động lưu trú quá hạn tại Hàn Quốc luôn ở mức cao. Tuy nhiên, để ở lại Hàn Quốc làm việc thì các lao động lưu trú quá hạn cũng phải đánh đổi nhiều thứ.
Lao động Đ. H 45 tuổi (quê Thanh Hoá) đã "lập nghiệp" tại Hàn Quốc được 15 năm, nhưng có tới hơn 10 năm lưu trú quá hạn. Thông qua bạn bè, chúng tôi hẹn gặp được anh H tại nhà ngay tại thủ đô Seoul. Đón chúng tôi tại một con phố vắng vẻ, anh H dẫn đi vào con ngõ nhỏ, qua vài lần rẽ mới đến căn nhà cấp 4 rộng hơn chục mét vuông nằm ở cuối ngõ, đủ diện tích sinh hoạt cho hai vợ chồng.
Do đã trao đổi trước, nên khi gặp anh H khá cởi mở chia sẻ về quá trình đi tìm kiếm giấc mơ "đổi đời" của mình. Sau 13 năm mặc áo lính, anh đã giải ngũ và quyết định đi xuất khẩu lao động. Khi sang Hàn Quốc anh H hoà nhập rất nhanh với môi trường mới. Thời gian đầu, anh H làm nghề cơ khí (đột dập) cho một công ty của Hyundai, đây là nghề khá nguy hiểm bởi thường xảy ra tai nạn lao động. Ngoài ra, anh cũng thường xuyên bị chủ ép phải làm thêm giờ, tiền công thì chưa xứng đáng. Có thời điểm trong 1 tuần anh phải làm 2 ca 36 giờ liền (2 ngày 1 đêm)... Sau gần 2 năm anh đã quyết định chuyển sang làm công việc khác đỡ vất vả và đỡ nguy hiểm hơn.
Vừa rót nước, anh H vừa kể: "Sang được 3 năm thì vợ cũng sang theo, tuy nhiên đúng thời điểm này, vợ chồng gặp khủng khoảng vì không có việc làm. Nhiều công ty bị đình trệ sản xuất nên công nhân không có việc để làm. Khoảng thời gian này, vợ chồng mình phải bươn chải, tìm đủ mọi việc làm thêm để có thu nhập. Bởi ở nhà còn có 2 con nhỏ đang gửi ông bà nội chăm sóc, hàng tháng vẫn phải kiếm tiền gửi về nuôi con" - anh H nói.
Sau khi hết hợp đồng lao động, vợ chồng anh H đã quyết định ở lại làm việc theo diện lưu trú quá hạn. Bản thân anh, sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm nên đã có tay nghề tương đối cao, do đó rất nhiều doanh nghiệp muốn tuyển dụng. "Mặc dù, biết mình là người đã hết hợp đồng lao động nhưng thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp tại Hàn Quốc đang rất thiếu lao động và họ chấp nhận tuyển các lao động quá hạn. Thậm chí, họ còn sắp xếp cho các lao động quá hạn làm ca đêm để tránh lực lượng chức năng kiểm tra" - anh H nói.
Là lao động lưu trú quá hạn thì khó khăn lại càng nhiều hơn. Ngoài những khó khăn về việc đi lại, sinh hoạt... anh H phải tìm mọi cách để trốn tránh lực lượng chức năng, nói cách khác là phải sống "chui". "Lúc đó, mình cũng xác định nếu bị bắt thì cũng chấp nhận về nước, còn không thì cứ làm việc chăm chỉ và không vi phạm pháp luật của nước sở tại" - anh H vừa cười vừa nói.
Khó khăn liên tiếp đến với anh H, năm đó phải vào viện và phải phẫu thuật với chi phí lên đến 5 triệu Won (hơn 100 triệu đồng). Đây thực sự là cú sock mà anh H nhớ mãi vì số tiền quá lớn đúng vào thời điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may. Ngay tại bệnh viện anh điều trị có một trung tâm hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Anh H đã liên hệ và được trung tâm hỗ trợ 4,6 triệu Won (chi phí phẫu thuật), số tiền còn lại anh lo được.

Lao động Đ. H đang làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Thành Trung/BNEWS


Cũng có lần anh H bị chủ doanh nghiệp quỵt lương với số tiền khoảng 2 triệu Won, do doanh nghiệp bị phá sản nên không làm gì được. Việc các doanh nghiệp nợ hoặc quỵt lương của lao động vẫn thỉnh thoảng xảy ra và thường rơi vào các lao động lưu trú quá hạn. Anh H cho hay, anh và nhiều lao động khác cũng đã từng tìm cách để đòi lại số tiền lương nhưng không thành công.
Anh H cho biết, đến nay cơ quan chức năng Hàn Quốc vẫn thường xuyên tổ chức nhiều đợt truy quét các lao động lưu trú quá hạn. Và đã có nhiều trường hợp bị bắt, trục xuất về nước, nhất là các lao động làm nghề xây dựng thường hay ở tập trung từ 10 - 15 người/nhà. Ngay tại khu anh ở, thỉnh thoảng vẫn có người bị bắt. "Thật ra, mình đoán là cảnh sát họ cũng biết nhưng chưa "sờ" đến thôi " - anh H nói.
Anh H cho biết, mặc dù đã tha hương 15 năm nhưng anh vẫn luôn nghĩ có một ngày sẽ quay về Việt Nam. Tuy nhiên, do bị xoáy vào vòng quay công việc nên thời gian cứ trôi qua. Hiện anh H đang làm việc ổn định cho một công ty chuyên về ngành giấy với thu nhập khoảng 3 triệu Won/tháng (chưa kể làm thêm). Đây là mức thu nhập khá cao, do anh là người có tay nghề cao.
Cũng đi tìm kiếm cơ hội "đổi đời" tại Hàn Quốc, nhưng anh Th 40 tuổi (quê ở Nghệ An) lại đi theo con đường khác. Thông qua người quen bên Hàn Quốc và các cò mồi ở Việt Nam, anh Th quyết định vay mượn người thân và bạn bè với số tiền 300 triệu đồng để sang Hàn Quốc.
"Tình cờ được người quen đang làm việc tại Hàn Quốc rủ sang đó làm cùng và hứa xin việc làm cho nên tôi quyết định đi. Thông qua cò mồi, họ đưa tôi sang Hàn Quốc theo đường đi du lịch. Khi sang đến nơi, tôi bỏ trốn để ở lại Hàn Quốc làm việc, đến nay đã được 1 năm rồi" - anh Th nói.
Anh Th cho hay, sau khi bỏ trốn được người quen đón và xin cho làm việc tại một doanh nghiệp nhỏ cách thành phố Busan khoảng 65km. Sau một thời gian, công ty này không nhận anh Th nữa vì không có giấy tờ. Hiện, anh đang làm nghề cơ khí cho một công ty khác, mỗi tháng cũng gửi về được cho gia đình khoảng 30 triệu đồng.
Khi được hỏi về dự định của mình trong tương lai, anh Th vừa cười vừa nói: "Mình cũng xác định ngay từ đầu, sang đây mục đích là để kiếm tiền gửi về nhà cho vợ con có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Ngoài ra, cũng chẳng nghĩ việc gì khác, kể cả có bị bắt thì cũng chấp nhận về nước". Đến thời điểm này, anh Th cũng đã trả được hết số nợ 300 triệu đồng đã vay của bạn bè, người thân.
Đa số các lao động lưu trú quá hạn tại Hàn Quốc đều có chung một mục đích là tìm mọi cách ở lại để kiếm tiền. Anh H và anh Th chỉ là một trong những lao động mà chúng tôi gặp được.

Ông Lee, Deok Ryong - Cục trưởng Xuất nhập cảnh (Bộ Tư pháp Hàn Quốc). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, hiện có 360.000 người cư trú bất hợp pháp; trong đó, lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp là 46.000 người. Xét theo từng loại, số cư trú ngắn hạn như thăm thân, hoặc du lịch và trốn ở lại cư trú bất hợp pháp ngày càng tăng. 
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo lắng về tình trạng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp gia tăng nhanh (chiếm hơn 30% trên tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc) trong những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực ngư nghiệp" - bà Rah, Yee Soon - Giám đốc Trung tâm quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động Hàn Quốc) nói.
Ông Lee, Deok Ryong - Cục trưởng Xuất nhập cảnh (Bộ Tư pháp Hàn Quốc) cho rằng, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng lao động bất hợp pháp gia tăng là do chênh lệch khá cao về thu nhập. Bên cạnh đó, do môi trường làm việc khá tốt, hơn nữa Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về thói quen cuộc sống nên số người Việt Nam tới Hàn Quốc ngày càng nhiều.
Để hạn chế số lao động cư trú bất hợp pháp, các cơ quan chức năng Hàn Quốc tăng cường các biện pháp truy quyét, thành lập lực lượng liên ngành bao gồm cả lực lượng cảnh sát, cảnh sát biển... cũng như tăng cường việc xử phạt nghiêm đối với chủ sử dụng lao động bất hợp pháp.
Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Như Tuấn, nguyên Bí thư thứ Nhất - Trưởng ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, ngoài việc tuyên truyền, vận động trực tiếp tới người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, Bam thông qua cộng đồng, bạn bè, người thân để vận động người lao động không ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; vận động thân nhân đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước đúng hạn. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp đảm bảo thi hành quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với lao động vi phạm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời răn đe những người có ý định vi phạm./.

>>> Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc - Bài cuối: Tận dụng chính sách mở

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục