Xuất khẩu chính ngạch: Bước đi bền vững và hiệu quả

07:56' - 16/11/2019
BNEWS Hiện nay lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển nhưng chỉ có 5% sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu theo con đường xuất khẩu chính ngạch.
Xe chở Thanh Long thông quan qua cửa khẩu đường bộ Kim Thành (Lào Cai) sáng 24/10. Ảnh Hồng Ninh-TTXVN

Với khoảng cách vận chuyển ngắn và chi phí thấp, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có ưu thế nổi trội khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, để tăng cường chính sách bảo hộ cho nền sản xuất trong nước, gần đây quốc gia tỷ dân này đã siết mạnh chính sách về quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chính ngạch nhằm hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch, đường mòn lối mở.

Từ đó, nhiều mặt hàng nhất là những mặt hàng ở lĩnh vực nông, thủy sản không đáp ứng được yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và rơi vào tình trạng mất giá, dư thừa, tồn đọng. Một số mặt hàng khác đáp ứng được tiêu chuẩn nhưng lại không nằm trong danh sách sản phẩm được nhập khẩu chính ngạch cũng gặp không ít khó khăn.

Từ đây, đặt ra cho các doanh nghiệp Việt phải thay đổi nhận thức và nâng chất cho sản phẩm mới có thể gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Tồn tại thói quen
Với 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA); trong đó có 12 FTA đã ký kết và có hiệu lực đã giúp Việt Nam tiếp cận được hơn 50 nền kinh tế hàng đầu trên thế giới và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã và đang tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, quy mô thị trường và nhu cầu hàng hóa giảm.
Vì vậy, hoạt động xuất khẩu chiếm lĩnh thị trường ngoài nước của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Song song với đó, năng lực tìm hiểu và nắm bắt đầy đủ các quy định của các nước nhập khẩu của doanh nghiệp còn hạn chế cũng là rào cản để hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn, xa hơn tại thị trường ngoài nước.
Theo giới phân tích, hiện nay lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển nhưng chỉ có 5% sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu theo con đường xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, còn lại phần lớn được xuất theo con đường tiểu ngạch.
Lý giải nguyên nhân này, các chuyên gia cho rằng, như vậy bởi xuất khẩu tiểu ngạch có mức thuế thấp hơn và thủ tục đơn giản.
Chỉ cần một tờ khai tiểu ngạch kèm theo chi phí biên mậu là hàng hoá có thể dễ dàng được xuất đi mà không cần hóa đơn hay chứng từ thanh toán, hợp đồng ngoại thương như xuất khẩu chính ngạch.
Ngược lại, mặt trái của xuất khẩu tiểu ngạch là tính rủi ro cao, không ổn định và chỉ áp dụng cho những giao dịch nhỏ. Vì thế, nếu xuất khẩu lượng hàng hoá lớn thì hình thức này sẽ không đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp trong nước.
Đơn cử như với thị trường Trung Quốc, thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, đây là đối tác thương mại lớn nhất và là  thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.
Nếu như năm 2000, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc mới chiếm 9,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước thì đến năm 2018, chiếm 22,2% với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 106,7 tỷ USD. Tính đến hết tháng 9/2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại Việt Nam- Trung Quốc đạt 83,67 tỷ USD, tăng 9,95% so với cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, Việt Nam đã vượt qua Malaysia trở thành đối tác số 1 của Trung Quốc trong ASEAN và vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc.
Cùng đó, Việt Nam còn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ 9 cho Trung Quốc trên thế giới. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn và tính bổ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, với thói quen làm ăn nhỏ lẻ, manh mún và quan niệm đây là thị trường dễ tính cũng như không có nhiều quy định khắt khe khiến xuất khẩu hàng hóa chính ngạch của Việt Nam vào Trung Quốc chưa thực sự khởi sắc. Việc giao thương giữa hai quốc gia chủ yếu vẫn bằng đường tiểu ngạch.

Doanh nghiệp Việt Nam sơ chế thanh long xuất khẩu. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặc dù Trung Quốc được xem là thị trường tiềm năng, nhưng xuất khẩu của Việt Nam thực sự thiếu tính bền vững. Nhiều doanh nghiệp, nông dân có tâm lý cho rằng, Trung Quốc có chung đường biên giới nên thường đưa hàng lên các chợ biên giới để chào bán, nhưng nhiều trường hợp không bán được phải giảm giá, bán tống bán tháo hoặc bỏ đi.
Hơn nữa, do thói quen xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nên nhiều doanh nghiệp không chú ý nhu cầu, tiêu chuẩn, thậm chí đưa hàng lên biên giới rồi mới tìm đối tác, chuẩn bị các khâu đóng gói, bao bì. Đây cũng là lý do vì sao các sản phẩm như sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc ngay tại cửa khẩu do phía bạn cấm biên bởi doanh nghiệp không tìm hiểu mặt hàng nào có thể xuất khẩu chính ngạch.
Mặt khác, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán và hàng hoá thiếu sức cạnh tranh cộng với xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch đã tiềm ẩn nhiều rủi ro do không có ràng buộc pháp lý giữa người mua và người bán.
Do vậy, việc dựa vào thương mại biên giới và giao dịch không ký kết hợp đồng cần phải được xóa bỏ và thay đổi, chuyển thành thương mại chính quy.
Cùng quan điểm này, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, trước đây, tại nhiều doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại thói quen xuất khẩu tiểu ngạch và chỉ chú trọng đến việc xuất khẩu sang các địa phương gần biên giới.
Ngoài ra, việc xuất khẩu sang Trung Quốc được nhìn nhận là khó khăn khi nhiều doanh nghiệp cho rằng chính sách Trung Quốc thay đổi liên tục, nay cấm biên hoặc mai cấm nhập một mặt hàng nào đó, thuế phí không đồng nhất...Tuy nhiên, hầu hết các chính sách với hàng nhập khẩu đều được Trung Quốc đưa ra từ trước chứ không phải là "thay đổi liên tục".
Bà Lê Hoàng Oanh đã chỉ ra một thực tế rằng: Chẳng hạn như Trung Quốc đưa ra yêu cầu từ ngày 1/10/2019 phải đáp ứng việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu là thực hiện theo quy định của Luật An toàn thực phẩm đưa ra từ năm 2015.
Theo đó, cơ quan thương vụ đã phổ biến vấn đề truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp, nhưng lại không được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và chỉ chú trọng vào xuất khẩu tiểu ngạch.
Thay đổi nhận thức
Bán thanh long qua đường tiểu ngạch nhiều năm nhưng 2 năm trở lại đây Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu đã lựa chọn con đường chính ngạch để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Trần Ngọc Hiệp - Phó Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu chia sẻ: "Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nên nếu khai thác tốt đường chính ngạch sẽ mang lại hiệu quả cao".
Tuy nhiên, để xuất khẩu qua đường chính ngạch, theo ông Trần Ngọc Hiệp doanh nghiệp phải đáp ứng đủ tiêu chí về kiểm dịch động thực vật, thủ tục bao bì đóng gói cũng phải tuân thủ.
Nếu vượt qua được cửa ải này thì vận chuyển lại thuận lợi hơn rất nhiều và kèm theo chi phí sẽ giảm hơn so với giá 40 triệu đồng/container như xuất khẩu tiểu ngạch hiện nay.
Hơn nữa, với thị trường 1,4 tỷ dân và nhu cầu hàng hoá đòi hỏi cả phân khúc từ thượng lưu tới bình dân nên nếu tận dụng tốt thì đây sẽ là thị trường khổng lồ cho các doanh nghiệp Việt.

Người dân tại xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, Sơn La phân loại xoài để xuất khẩu. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Là doanh nghiệp thành công sau khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng con đường chính ngạch, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit cho biết, hiện tại, các sản phẩm của công ty đã phủ sóng tại Trung Quốc với hơn 10.000 siêu thị, các kênh thương mại điện tử và 50.000 cửa hàng tiện lợi.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, để đứng vững tại thị trường này các doanh nghiệp nên tiếp cận các kênh siêu thị, cửa hàng, sau đó bán online trên các sàn giao dịch tin cậy như Alibaba, Taobao…, nhất là phải bảo hộ được thương hiệu.
Hay như thương hiệu NutiFood hiện đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để xuất khẩu chính ngạch lô sữa đầu tiên vào thị trường Trung Quốc. Dù phải trải qua quá trình khá dài nhưng để có quy trình xuất khẩu bài bản, NutiFood đã nỗ lực không ngừng và đang chờ hái quả ngọt từ thị trường đầy tiềm năng này.
Theo các chuyên gia thương mại, thời gian qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Trung Quốc đã tạo điều kiện cho các tỉnh biên giới khai thác và phát huy thế mạnh tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý.
Thế nhưng, không ít ý kiến vẫn cho rằng Việt Nam cần có chính sách phù hợp để hạn chế dần xuất khẩu tiểu ngạch và tăng cường xuất khẩu chính ngạch. Bởi xuất khẩu tiểu ngạch không chỉ nhiều rủi ro mà còn khiến hàng hóa Việt Nam không có động lực để cải thiện chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, bà Lê Hoàng Oanh cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức và tìm hiểu kỹ về nhu cầu thị trường để từ đó xác định mặt hàng và khu vực thị trường trọng điểm.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nâng chất cho sản phẩm và tuân thủ các quy định nhập khẩu của quốc gia này. Đây cũng là bước đệm để hình thành thị trường xuất khẩu hàng hóa chính ngạch thuận lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam đang đứng thứ 11 trong các nước mà Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa. Thực tế, các mặt hàng còn nhiều dư địa để khai thác nhưng do tập quán, mối quan hệ thương mại qua biên giới và phụ thuộc quá nhiều vào các điểm thông quan mà chưa đi vào sâu nội địa.
Ngoài ra, do thói quen xuất khẩu tiểu ngạch nên khi Trung Quốc áp dụng nghiêm các quy định về điều kiện nhập khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, đến lúc doanh nghiệp cần có những động thái tích cực hơn để vượt rào cản của các nước nhập khẩu.
Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để từng bước thâm nhập, chinh phục thị trường Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Hiện tại, các mặt hàng lớn như: gạo, thủy sản chế biến, dệt may, da giày đều có khả năng giao thương chính ngạch rất lớn với Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương mở nhiều lớp tập huấn và tạo kênh thông tin kịp thời về thị trường Trung Quốc để người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu có giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc, nhất là Thượng Hải và các thành phố lớn qua con đường chính ngạch nhằm tạo hiệu quả kinh tế cao và bền vững./.
>> Giải pháp nào cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục