Xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em

13:42' - 04/10/2018
BNEWS Ngày 4/10, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em trước khi trình Chính phủ.

Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ban hành ngày 29/10/2013 đã tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội, tạo chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, Luật Trẻ em 2016 đã bổ sung nhiều quy định mới về quyền và nghĩa vụ so với luật cũ như: cấm bạo lực đối với trẻ em; quyền của trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và tham gia vào các vấn đề trẻ em; trách nhiệm cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột.

Bên cạnh đó, một số hành vi quy định trong Nghị định số 144/2013/NĐ-CP đã được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015. Một số hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định 144 có sự trùng lặp với các hành vi vi phạm đã được quy định tại các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác…

Do vậy, việc ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em là cần thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Dự thảo đã có sự điều chỉnh tên gọi thành “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em”.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Luật Trẻ em đã có cách tiếp cận mới về quyền trẻ em, bao gồm việc bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; quyền của trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nếu giữ nguyên trên gọi như Nghị định 144 sẽ không bảo đảm bao quát hết được các vấn đề trẻ em.

Dự thảo Nghị định bỏ một số quy định trùng lắp với quy định trong Bộ luật Hình sự 2015; bổ sung quy định về các hành vi xâm hại trẻ em, như: Cấm bạo lực trẻ em; cấm lạm dụng, bóc lột trẻ em; cấm sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em…

Nhiều ý kiến tại hội thảo đề nghị Nghị định cần có quy định phân biệt rõ giữa xử lý vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hình sự đối với hành vi xâm hại thân thể trẻ em hoặc hành vi sao chép, vận chuyển phát tán sở hữu, sử dụng trẻ em trong chụp ảnh khiêu dâm...

Liên quan đến quy định về quy định xử phạt với doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, có ý kiến cho rằng trên thực tế pháp luật cho phép và khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật.

Vì vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu, soạn thảo quy định rõ hơn mức độ khuyết tật bao nhiêu % mới không được làm các công việc độc hại.../.

>>>Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục