Xử lý thích đáng hàng hóa "đội lốt" Việt để trốn thuế

20:32' - 04/05/2019
BNEWS Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, việc hàng hóa vào Việt Nam và giả xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3 nhằm lẩn tránh thuế cần phải xử lý thích đáng.
 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (bên phải) trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Chiều 4/5, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, những vấn đề liên quan đến điều chỉnh giá điện, giá xăng vừa qua cũng như việc một số mặt hàng “đội lốt” hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu sang các nước thứ 3 nhằm lẩn tránh thuế đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện bình quân và Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 - 2020, xét đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành liên quan thống nhất báo cáo trình Chính phủ về phương án điều chỉnh giá điện.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến phê duyệt, ngày 20/3/2019, Bộ Công Thương ban hành quyết định tăng giá điện 8,36%. Sau khi ban hành, đến nay đã có nhiều ý kiến của các hộ tiêu dùng về số tiền tăng đột biến so với tháng 3. Các nguyên nhân đã được Bộ Công Thương và EVN giải thích.

“Chúng tôi rất chia sẻ với bức xúc của người tiêu dùng khi thanh toán hóa đơn điện tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN tiếp nhận xử lý, giải đáp đầy đủ các ý kiến liên quan đến khiếu nại và thắc mắc của khách hàng, nếu sai phạm từ lỗi của EVN thì phải xin lỗi khách hàng. Đồng thời, EVN cũng phải tuyên truyền cách thức tính giá điện trên các phương tiện thông tin đại chúng để khách hành hiểu rõ và thông tin rõ ràng về việc tiêu thụ điện, nhất là trong những tháng nắng nóng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Bộ Công Thương cũng vừa ban hành Quyết định 1114/QĐ-BCT về việc kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/ 2019 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.

Theo đó, Bộ Công Thương thành lập 3 Đoàn kiểm tra để kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định này; việc kinh doanh dịch vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện trong thời gian qua cũng như thực hiện công tác tuyên truyền về giá điện và sử dụng điện cho khách hàng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tài chính kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua. Các cơ quan này có trách nhiệm làm rõ đúng, sai của việc tăng giá điện, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.

Trả lời về vấn đề kiểm tra việc điều chỉnh giá điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, trong tuần tới, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra để đưa ra kết luận chính xác, khách quan và sẽ công khai kết luận.

Liên quan đến việc sửa đổi biểu giá điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, bất cứ quy định nào, kể cả vừa ban hành mà có lỗi hay sai cũng cần phải sửa đổi, kể cả biểu giá điện. Còn việc sửa biểu giá điện như thế nào để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và chiến lược tiết kiệm sử dụng năng lượng hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện hay thì cần phải xem xét.

Đối với việc Bộ Công Thương đề xuất đưa 2 mặt hàng xăng dầu và điện vào danh mục bí mật, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, đó không phải là mặt hàng mà đây là phương án tính toán trình các cấp có thẩm quyền trước khi công bố chính thức. Hiện nay, giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường có sự giám sát của Nhà nước.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu có tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống xã hội. Biến động điều chính giá xăng dầu có ảnh hưởng tới đời sống của người dân, doanh nghiệp và rất dễ tác động đến lạm phát kỳ vọng trong nhân dân.

Thực tế cho thấy, lạm phát kỳ vọng trong nhân dân ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định điều hành của Nhà nước. Căn cứ vào các văn bản pháp luật cũng có thể mặt hàng xăng dầu là mặt hàng trọng yếu chưa công bố.

Về việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, khi xăng dầu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ phải trích 300 đồng/lít để đưa vào Quỹ này nhằm thực hiện vào thời điểm nhạy cảm như trước, trong và sau Tết... Nếu ở nước ngoài, giá xăng tăng cao thì sử dụng Quỹ để bù vào.

Thời gian qua, giá xăng trên thế giới rất cao nên phải trích Quỹ để giảm mức tăng trong nước, giúp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cũng như việc điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước, nhất là các chỉ số như CPI và GDP. Trong thời gian tới, với diễn biến khó lường của giá xăng dầu thế giới, nếu giá thế giới tăng thì việc điều chỉnh giá sẽ phải hài hòa trong việc sử dụng Quỹ và tăng giá.

Đối với việc một số doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu một số sản phẩm; trong đó có mặt hàng gỗ và nhôm từ Trung quốc rồi sau đó xuất khẩu sang nước thức 3 để lẩn tránh thuế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, đây là hai trong số những sản phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam.

Nếu họ nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam và có giấy tờ đầy đủ thì được phép, còn nhập bất hợp pháp thì trách nhiệm thuộc các lực lượng chức năng như: Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Công an, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường và địa phương có đường biên giới... trong việc kiểm tra, giám sát.

Việc hàng hóa vào Việt Nam và giả xuất xứ của Việt Nam (đội lốt hàng Việt Nam) để xuất khẩu sang nước thứ 3 nhằm lẩn tránh thuế và tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì việc này cần phải xử lý thích đáng.

Đây là hiện tượng trốn tránh thuế và là trách nhiệm của các lực lượng kiểm tra khi xuất khẩu, nhất là kiểm tra chặt chẽ giấy chứng nhận xuất xứ. Hiện nay, các lực lượng chức năng đang phối hợp kiểm soát chặt chẽ vấn đề này./.

>>> Lạm dụng xuất xứ "made in Vietnam" để hưởng lợi “miễn phí” từ các FTA

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục