Xử lý sai phạm trong đầu tư dự án Bến xe huyện Krông Nô

21:25' - 24/09/2019
BNEWS Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở kiểm tra, rà soát các quy định pháp luật đối với dự án Bến xe huyện Krông Nô.
 Nhà điều hành của Bến xe khách huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Ngọc Minh - TTXVN

Liên quan tới việc xử lý các sai phạm, tồn tại trong quá trình đầu tư, xây dựng dự án Bến xe khách huyện Krông Nô, ngày 24/9, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông xác nhận, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Tư pháp… kiểm tra, rà soát các quy định pháp luật đối với dự án.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hướng dẫn UBND huyện Krông Nô và các đơn vị liên quan khắc phục các tồn tại theo đúng quy định pháp luật. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông xem xét, xử lý.
Trước đó, Công an tỉnh Đắk Nông đã có báo cáo về một số dấu hiệu sai phạm ban đầu trong đầu tư, xây dựng Bến xe khách huyện Krông Nô. Theo đó, việc xây dựng bến xe khách bằng hình thức xã hội hóa được UBND huyện thống nhất chủ trương vào năm 2013.

Nhưng đầu năm 2015, UBND huyện Krông Nô lại ra thông báo kêu gọi các doanh nghiệp góp vốn theo hình thức Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Kế đó, vào tháng 8/2015, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Lê Văn Chiến đã ký quyết định góp vốn với số tiền 2,569 tỷ đồng vào dự án (tương đương với 45% tổng mức đầu tư).
Hợp đồng được ký kết tháng 9/2015 nhưng UBND huyện Krông Nô lại giao bến xe khách cho Công ty TNHH Nam Trường được toàn quyền quản lý, tổ chức kinh doanh, khai thác dịch vụ trong thời gian 30 năm kể từ khi đưa vào hoạt động. Không có bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng quy định việc hoàn vốn hay phân chia lợi nhuận cho phần vốn của Nhà nước.
Tháng 5/2016, dự án bến xe khách huyện Krông Nô hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng. Từ đó đến nay, Công ty TNHH Nam Trường chưa nộp bất cứ khoản tiền nào vào ngân sách Nhà nước để hoàn trả vốn của ngân sách đã đầu tư vào dự án. Hợp đồng mà doanh nghiệp này ký với UBND huyện Krông Nô cũng không quy định vấn đề này.

 Bến xe mới huyện Krông Nô được xây dựng tại trung tâm thị trấn Đắk Mâm được đưa vào khai thác từ năm 2016. Ảnh: Ngọc Minh - TTXVN

Theo Công an tỉnh Đắk Nông, hình thức, cách thức góp vốn vào dự án bến xe khách huyện Krông Nô là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Báo cáo của Công an tỉnh Đắk Nông cũng xác định “Việc UBND huyện Krông Nô chi sử dụng ngân sách số tiền hơn 2,217 tỷ đồng để đầu tư một số hạng mục của bến xe khách huyện Krông Nô theo hình thức đối tác công tư là không đúng thẩm quyền, không đủ điều kiện để thực hiện dự án theo hình thức PPP, vi phạm Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Ngân sách Nhà nước 2002, và Luật Đầu tư công 2014”.

Công an tỉnh Đắk Nông cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan sớm có biện pháp khắc phục hậu quả, thu hồi vốn đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.
Theo ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, tất cả các bến xe trong tỉnh Đắk Nông đều được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, tức là doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác. Việc lựa chọn nhà đầu tư, phương thức đầu tư là của UBND cấp huyện, thị.

Sở Giao thông Vận tải là đơn vị kiểm tra và cấp phép để bến xe đi vào hoạt động. Hiện nay, do đặc thù Đắk Nông có diện tích rộng, dân cư thưa thớt, đường Hồ Chí Minh chạy xuyên suốt từ đầu đến cuối tỉnh nên đa số các bến xe khách hoạt động kém hiệu quả. Krông Nô cũng không phải là địa phương khó khăn nhất của tỉnh Đắk Nông.
Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, bến xe loại 4 như bến xe khách huyện Krông Nô có diện tích từ 2.500 m2. Trên thực tế, bến xe huyện Krông Nô có diện tích hơn 7.000 m2, tức gấp gần 3 lần. Việc đầu tư xây dựng bến xe với diện tích quá lớn so với quy định là nguyên nhân khiến vốn đầu tư lớn và việc vận hành, khai thác kém hiệu quả theo như thừa nhận của ông Phạm Hưng Bá, Giám đốc Công ty TNHH Nam Trường.
Theo ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, quan điểm của UBND tỉnh là phải điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng bến xe Krông Nô theo đúng các quy định pháp luật. Nhiều vấn đề về chủ trương, trình tự thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng dự án bến xe Krông Nô đều bất ổn. Chẳng hạn, nếu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thì cấp thấp nhất có quyền cho chủ trương là UBND tỉnh, còn cấp huyện không có quyền.
Thêm nữa, việc sử dụng số tiền gần 2,5 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để góp vốn vào xây dựng bến xe phải được thực hiện chặt chẽ, công khai minh bạch, đúng các quy định về đấu thầu, trình tự thủ tục. Cũng theo ông Trần Xuân Hải, bước đầu cho thấy, dự án Bến xe khách huyện Krông Nô đã sai cả về quy phạm lẫn quy trình.

Bến xe mới huyện Krông Nô với tổng vốn đầu tư hơn 5,7 tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Minh - TTXVN

Trước đó, như TTXVN đã thông tin vào các ngày 3-10/9, việc đầu tư, xây dựng dự án bến xe khách huyện Krông Nô được thực hiện với nhiều dấu hiệu sai phạm về trình tự, thủ tục, như cho thi công trước, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, đấu thầu sau; giao đất sạch không qua đấu giá, doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất lại được miễn luôn việc hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng; đặc biệt là việc sử dụng gần 2,5 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để góp vốn có dấu hiệu sai thẩm quyền, sai trình tự thủ tục, phớt lờ việc xin ý kiến các cơ quan chức năng liên quan…
Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, người ký hầu hết các quyết định liên quan tới dự án bến xe khách huyện Krông Nô từng đảm nhiệm các chức vụ Trưởng phòng Thẩm định dự án, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông./.

>> Chuyện quản lý: Huyện góp vốn đầu tư để doanh nghiệp xây bến xe khách tư nhân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục