Xử lý nhanh các ổ bệnh lở mồm long móng và cúm H5N6

12:37' - 20/02/2019
BNEWS Từ đầu tháng 2 đến nay, trên địa bàn một số địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã xuất hiện một số ổ bệnh lở mồm long móng xảy ra trên đàn gia súc, cúm H5N6 trên gia cầm.
 Người dân chủ động phun xịt thuốc sát trùng, rãi vôi vệ sinh chuồng trại để ngăn chặn dịch lở mồm long móng lây lan. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Ngày 20/2, ông Nguyễn Đức Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng) cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, trên địa bàn một số địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã xuất hiện một số ổ bệnh lở mồm long móng xảy ra trên đàn gia súc, cúm H5N6 trên gia cầm.

Sau khi phát hiện, lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai các biện pháp cô lập vùng có bệnh, tiêu độc khử trùng và tiêu huỷ số gia súc, gia cầm nhiễm bệnh.

Cụ thể tại thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng từ ngày 2/2/2019 đã phát hiện cúm H5N6 diễn ra trên đàn gia cầm của 1 hộ, làm 2.520 con gà và ngan bị chết phải tiêu huỷ. Sau khi tổ chức các biện pháp xử lý, phòng ngừa, đến nay đã không xuất hiện triệu chứng bệnh nào trên các đàn gia cầm khác.

Ngày 12/2/2019, tại thôn Chi Lăng 2 thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà) xuất hiện bệnh trên đàn gia cầm của 1 hộ đang nuôi 4.000 con gà, tính đến nay đã chết 3.500 con. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã phối hợp cùng chủ hộ tổ chức tiêu huỷ và chôn lấp.

Cũng tại huyện Lâm Hà, tại thôn 6 xã Gia Lâm và thôn Thanh Trì, xã Đông Thanh xuất hiện bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn của 3 hộ, được phát hiện ngày 2/2. Hiện tại đã có 53/192 con chết. Chủ hộ đã đào hố chôn lấp số heo bị chết, đồng thời hằng ngày phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, sử dụng thuốc tăng cường sức đề kháng để chữa trị cho số gia súc còn lại.

Gần đây nhất là ngày 18/2/2019, tại thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh) đã xuất hiện bệnh lở mồm long móng tại 12 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, làm 144 con heo mắc bệnh; trong đó có 68 con bị chết. Số gia súc bị chết đã được chôn lấp tiêu huỷ đúng quy định. Số mắc bệnh còn lại đang được chữa trị.

Trước đó, từ ngày 15/12/2018 đến 30/1/2019, trên địa bàn các xã Gia Viễn và Mỹ Lâm của huyện Cát Tiên đã xuất hiện bệnh lở mồm long móng trên 28 con trâu bò. Hiện số gia súc này đã được điều trị khỏi triệu chứng bệnh, đến nay không phát sinh ổ bệnh mới.

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thuỷ sản tỉnh Lâm Đồng, sau khi nhận được thông tin về tình hình dịch bệnh ngay từ mùng 4 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (ngày 8/2), đơn vị đã tổ chức lực lượng đi kiểm tra, chỉ đạo xử lý dịch bệnh; kịp thời bao vây khống chế vùng có mầm bệnh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, tổ chức tiêu huỷ gia súc, gia cầm chết theo đúng quy trình không để dịch bệnh lây lan ra khu vực khác.

Chi cục cũng đã cấp phát hoá chất cho các địa phương để tiêu độc khử trùng định kỳ sớm hơn mọi năm do tình hình dịch bệnh phát sinh đột biến. Theo kế hoạch trong tháng 3/2019, lần đầu tiên tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức tiêm phòng bệnh lở mồm long móng trên cả toàn bộ đàn trâu bò và lợn. Những năm trước, địa phương này không thực hiện tiêm phòng cho đàn lợn.

Trước tình hình dịch bệnh trên, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ra văn bản hoả tốc số 760 ngày 15/2/2019, chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương trên toàn bộ 12 huyện, thành phố triển khai các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Các lực lượng chức năng được chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát các xe vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm ra vào tỉnh, đặc biệt là vùng đang có bệnh; thực hiện tiêu độc khử trùng đối với các khu chợ buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, khu vực phát sinh gia súc, gia cầm nhiễm bệnh; công khai thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân không hoang mang, giấu dịch, bán chạy gia súc, gia cầm gây nguy cơ bùng phát dịch./.

>>> Có 19 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng

>>> Thừa Thiên - Huế không phát sinh thêm lợn mắc bệnh lở mồm long móng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục