Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong kỷ nguyên số

14:40' - 22/11/2019
BNEWS Việc xây dựng và phát triển thương hiệu đã được doanh nghiệp Việt đầu tư nhiều hơn nhưng so với đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thương hiệu của doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều hạn chế.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Những bài học xây dựng thương hiệu thành công từ các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên số do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Công ty Dentsu Aegis Network Việt Nam tổ chức, ngày 22/11.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, so với 5 năm trước đây, việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp có qui mô vừa hoặc lớn đã có bước phát triển tốt hơn.

Nhận thức của các doanh nghiệp về vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu ngày càng cao hơn, có sự tiến bộ rõ hơn, do đó doanh nghiệp cũng đầu tư bài bản và chuyên nghiệp hơn cho việc xây dựng, phát triển thương hiệu.

Tuy nhiên, với đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên việc đầu tư cho xây dựng thương hiệu chưa thực sự mạnh mẽ và còn manh mún trong cách thực hiện. Nhìn chung, so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có những điểm hạn chế nhất định trong hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu. Trong đó, doanh nghiệp chưa có nhiều nguồn lực về con người, tài chính để đầu tư cho hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu.

Theo ông Phạm Thiết Hòa, khác với trước đây, mỗi mặt hàng chỉ có một hoặc vài nhà sản xuất, hiện nay mỗi một hàng có hàng trăm nhà sản xuất khác nhau, khi người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn thì thương hiệu chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến việc mua sắm.

Chính vì vậy, mặc dù Việt Nam có nhiều sản phẩm, ngành hàng có chất lượng, đã xuất khẩu được số lượng lớn nhưng giá trị mang lại chưa cao do chưa xây dựng, khẳng định được thương hiệu. Đơn cử như ngành hàng lúa gạo, cùng là loại gạo 5% tấm nhưng gạo của Mỹ có giá 510-520 USD/tấn, gạo Thái Lan có giá 400 USD/tấn, trong khi gạo Việt Nam chỉ bán được với giá 350 USD/tấn.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, thương hiệu không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là một phần của tài sản quốc gia. Một thương hiệu mạnh sẽ tạo được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, thu hút được khách hàng tiềm năng và gia tăng lợi nhuận.

Do đó, Chương trình Thương hiệu quốc gia giai đoạn 2020 -2030 tập trung xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín, nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến và tăng cường nhận biết của các nhà phân phối.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Công ty Kantar Worldpanel phân tích, khi mạng Internet phát triển nhanh chóng, phương thức tiếp thị và bán hàng cũng thay đổi. Với việc nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử ra đời, người tiêu dùng trực tuyến gia tăng đáng kể. Do vậy, các doanh nghiệp cần tận dụng kênh thương mại trực tuyến trong bán hàng và quan trọng hơn là trong xây dựng thương hiệu.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2020 quy mô thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam có thể sẽ lên tới 13 tỷ USD; khoảng 47% doanh nghiệp có trên 50% lao động thường xuyên sử dụng email; gần như 100% doanh nghiệp sử dụng các nền tảng hỗ trợ giao tiếp như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger, Zalo...; 44% doanh nghiệp đã có website và ngày càng chú trọng đến việc chăm sóc website hơn nữa.

Việc quảng bá sản phẩm lên các kênh online ngày càng phát triển, trong đó mạng xã hội như Facebook, Zalo, Google; Youtube…. hay trên các nền tảng thương mại điện tử ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự nhận biết của khách hàng cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và quảng bá thương hiệu tại doanh nghiệp, ông Hùng Võ, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Marketing Công ty Biti’s cho biết, kinh tế phát triển, xu hướng tiêu dùng thay đổi và các yếu tố tạo nên chất lượng sản phẩm cũng khác trước rất nhiều.

Nếu như trước đây Biti’s được các bà, các mẹ tin dùng nhờ  tiêu chí ‘‘bền” thì hiện nay, ‘‘bền” không còn là ưu tiên số một trong việc lựa chọn giày dép, đặc biệt là các bạn trẻ. Thay vào đó, sản phẩm phải bắt kịp xu hướng thời trang và trở nên tiện dụng hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược quảng bá thương hiệu cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Theo ông Hùng Võ, để xây dựng và quảng bá thương hiệu thành công, doanh nghiệp phải thoát khỏi tư duy bán hàng giá rẻ để tập trung vào giá trị sản phẩm và nâng chất các dịch vụ hậu mãi. Đồng thời phải đầu tư tưng xứng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, kịp thời nắm bắt xu hướng hoặc mạnh dạn tạo ra xu hướng mới trong tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục