Xây dựng nông thôn mới: Chủ động kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

06:49' - 18/09/2017
BNEWS Việc huy động nguồn lực tại huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) để xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn bởi diện tích đất canh tác manh mún, cơ sở hạ tầng đang còn thiếu.

Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Để thực hiện mục tiêu này, huyện thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới để giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Bà Hà Thị Nga, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Hóa cho biết, Quan Hóa là một huyện miền núi có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác không tập trung, chiều dài đường giao thông nhiều, mức thu nhập của người dân thấp hơn so với bình quân chung của tỉnh.

Do đó, việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn bởi diện tích đất canh tác manh mún, cơ sở hạ tầng đang còn thiếu.

Để thực mục tiêu xây dựng nông thôn mới và nâng cao thu nhập cho nhân dân, huyện Quan Hóa đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới.

Năm 2016, huyện Quan Hóa ban hành đề án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Huyện đã chủ động kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từ đó thu hút được 23 cơ sở chế biến lâm sản, tre, luồng vào đầu tư.

Huyện đã xây dựng 13 mô hình phát triển sản xuất tiêu biểu tại 11 xã với tổng số vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 1,63 tỷ đồng. Trong đó, mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao là mô hình ngô đông trên đất 2 lúa, mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản và mô hình cải tạo vườn tạp.

Điển hình nhất là tại bản Khiêu, xã Xuân Phú, huyện đã hướng dẫn người dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất như mô hình cấy phân viên nén dúi sâu vụ chiêm; phục tráng các rừng luồng để nâng cao giá trị; trồng rừng kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho người dân.

Quan Hóa cũng hỗ trợ nông dân triển khai chương trình thâm canh phục tráng rừng luồng tại 5 xã, (xã Nam Xuân, Nam Tiến, Nam Động, Thiên Phủ, Hiền Chung) để giúp nhân dân có việc làm ổn định.

Cũng theo bà Nga, ngoài việc hướng dẫn nhân dân thực hiện gieo trồng, bảo vệ diện tích cây màu lương thực và các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm có hiệu quả kinh tế cao. Huyện Quan Hóa còn tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân thực hiện phát triển y tế, văn hóa, xã hội, môi trường, nông thôn xanh sạch đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trong huyện.

Đặt biệt là sự thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn mới. Tính từ 2016 đến nay, huyện Quan Hóa đã xây dựng được với 2.521 mét đường bê tông, làm kênh mương nội đồng được 3.045 mét.

Cùng với đó là các công trình khác như xây mới 71 nhà ở dân cư, 74 nhà vệ sinh, 10 chuồng nuôi gia súc, gia cầm; đào hố rác, bể thu gom rác thải được 123 hố; cải tạo vườn tạp cho 80 hộ gia đình; làm đường đất đường đi vào vùng sản xuất được 11.340 mét bằng nguồn vốn huy động nội lực của nhân dân.

Bên cạnh đó, huyện Quan Hóa còn xây dựng mới được 6 trung tâm văn hóa xã; 6 khu thể thao xã, 7 nhà văn hóa thôn, 7 khu thể thao bản, xây mới 10 phòng học; sữa chữa 38 phòng học và phòng chức năng của các cấp học. Nhiều công trình đã hoàn thành đúng chi tiêu ban đầu như công trình Trung tâm văn hóa thông tin xã Thanh Xuân; xã Trung Thành và công trình đường bản Lếp xã Nam Tiến…

Về thủy lợi, huyện đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng 3 công trình gồm mương Co Đa, xã Hiền Kiệt; guồng nước bản Chại, xã Hiền Chung và đập mương bản Khuông, xã Nam Xuân bằng nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi năm 2016. Huyện cũng chỉ đạo nhân dân nạo vét kênh mương nội đồng đảm bảo đủ nước tưới cho lúa ruộng vụ chiêm xuân 2017 được 12.116 m3/12.000 m3.

Các cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực y tế được tăng cường đầu từ các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như chương trình tiêm chủng mở rộng; chăm sóc sức khỏe sinh sản; cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em... được thực hiện có hiệu quả, người dân đã được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao tại chỗ, giảm chi phí cho người bệnh, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe cho người dân vùng nông thôn.

Từ cuối năm 2016 đến nay, huyện Quan Hóa đã xây mới được 1 trạm y tế và nâng cấp, cải tạo 1 trạm và hướng dẫn nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường nông thôn, nhờ đó tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên 80%.

Hiện tổng số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới các xã đạt là 208 tiêu chí; bình quân số tiêu chí toàn huyện đạt 12,23 tiêu chí/xã,trong đó có 1 xã Xuân Phú và 2 bản đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2017, huyện Quan Hóa sẽ phấn đấu sẽ có 1 bản đạt chuẩn nông thôn mới và mỗi xã tăng từ 1 đến 2 tiêu chí.

Trong thời gian tới, huyện Quan Hóa sẽ tiếp tục tập chung rà soát các tiêu chí của xã Phú Nghiêm và 5 thôn, bản để hướng tới xây dựng các thôn, bản, xã này đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới và tiếp tục lồng ghép, phân bổ các nguồn vốn, chương trình, dự án để đầu tư cho xây dựng nông thôn mới.

Huyện cũng liên kết, hợp tác, hình thành các mô hình, chuỗi sản xuất nông nghiệp tiên tiến để giảm chi phí, hạ giá thành, tăng giá trị sản phẩm cho nhân dân.

Huyện Quan Hóa cũng sẽ có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển kinh tế, kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, giúp nhân dân có thu nhập ổn định./.

>>> Hậu Giang sẽ có thêm từ 3 đến 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục