Xây dựng ngay kịch bản tổ chức sản xuất, tiêu thụ nhãn, vải

14:07' - 18/04/2018
BNEWS Vải, nhãn là cây ăn quả chủ lực của các tỉnh miền Bắc, với trên 98.000 ha, chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả miền Bắc.
Hội nghị thúc đẩy chăm sóc và tiêu thụ nhãn, vải các tỉnh trọng điểm phía Bắc niên vụ 2018. Ảnh: Vũ Hữu Sinh/TTXVN

Ngày 18/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, Hưng Yên tổ chức hội nghị “Thúc đẩy chăm sóc và tiêu thụ nhãn, vải các tỉnh trọng điểm phía Bắc niên vụ 2018”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị, từng địa phương phải xây dựng ngay kịch bản tổ chức sản xuất, tiêu thụ hai sản phẩm này sát thực tiễn với cả hai nhóm thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, ngay cả thị trường Trung Quốc cũng coi như là thị trường khó tính với yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao.
Vải, nhãn là cây ăn quả chủ lực của các tỉnh miền Bắc, với trên 98.000 ha, chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả miền Bắc; trong đó, vải 58.800 ha (chiếm 16% diện tích cây ăn quả của miền Bắc), nhãn 39.500 ha (11% diện tích cây ăn quả miền Bắc).
Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong điều khiển ra hoa, đậu quả và thâm canh nên năng suất vải, nhãn đã được cải thiện rõ, đặc biệt đối với vải. Năm nay, thời tiết khí hậu thuận lợi cho phân hóa mầm hoa, ra hoa vải, nhãn ở các tỉnh phía Bắc. Thời gian tới dự báo thời tiết tiếp tục khá thuận lợi cho vải, nhãn nở hoa, đậu quả và phát triển quả nên nhãn, vải sẽ được mùa với sản lượng lớn.
Hiện tại vải, nhãn phía Bắc đang trong giai đoạn ra hoa - đậu quả, nông dân đã chủ động phòng trừ bọ xít và bệnh sương mai nên tình hình sâu bệnh tương đối nhẹ, chủ yếu là bọ xít nâu, sâu đục cuống quả vải, nhện lông nhung, bệnh sương mại.
Năm nay, vải được cấp 31 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ, Australia với gần 350 ha. Nhiều diện tích vải đã được cấp chứng nhận VietGAP. Thực tế, nông dân trồng vải tại các vùng tập trung đã tự giác tuân thủ thực hiện sản xuất theo VietGAP. Tuy nhiên, diện tích được cấp chứng nhận VietGAP, cấp mã số vùng trồng mới chiếm một tỷ lệ nhỏ trên tổng diện tích trồng vải. Diện tích nhãn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu và cấp chứng nhận VietGAP đang gia tăng mạnh.

Đối với vải, cơ cấu diện tích giống vải chín sớm tăng dần, chiếm khoảng 25% sản lượng, cho thu hoạch từ khoảng 10/5-05/6. Việc tiêu thụ trà vải chín sớm sẽ thuận lợi do hiện có khá nhiều giống, tổng sản lượng không lớn, thời gian thu hoạch rải trong gần 1 tháng đầu mùa nên không tạo áp lực lớn lên thị trường.
Vải chính vụ, chủ yếu vải Thanh Hà, Hải Dương sẽ cho thu hoạch từ 10/6-20/7. Trà vải này thường có áp lực tiêu thụ vì sản lượng lớn, tập trung trong thời gian ngắn.
Đối với nhãn, Sơn La và Hưng Yên là 2 tỉnh trồng nhãn lớn nhất tại phía Bắc với tổng diện tích 15.500 ha, chiếm hơn 39% diện tích nhãn phía Bắc. Mùa vụ thu hoạch nhãn từ cuối tháng 7 đến nửa cuối tháng 9.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, thu hoạch vải chính vụ của tỉnh từ 15/6 – 25/7. Năm nay được dự báo áp lực lớn cho Bắc Giang trong tìm kiếm và tiêu thụ quả vải. Vì vải chín trong thời gian ngắn, trong khi khâu bảo quản chủ yếu là thùng xốp.
Do vậy, để hỗ chợ bà con, Bắc Giang sẽ tổ chức 3 hội nghị xúc tiến tại: Bằng Tường (Trung Quốc tháng 5/2018), hội nghị xúc tiến tại Bắc Giang tháng 6/2018, tuần lễ vải thiều tại Hà Nội.
Theo bà Hà, Bắc Giang cũng đang quan tâm tới những chính sách mới của Trung Quốc về nhập khẩu hoa quả. Đề nghị các bộ ngành sớm có thông tin và hướng dẫn cụ thể cho người trồng vải Bắc Giang. Tỉnh cũng chưa tiếp cận các doanh nghiệp lớn, mua bán chưa dựa theo các hợp đồng lớn. Bắc Giang mong các doanh nghiệp lớn tới ký hợp đồng tiêu thụ.
Với Hải Dương, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, sản lượng năm nay rất lớn. Hải Dương rất cần các nhà khoa học vào cuộc để giúp Hải Dương bảo quản vải được lâu hơn, để tạo điều kiện xuất khẩu nhiều hơn. Hải Dương sẽ tổ chức lễ hội vải Thanh Hà vào cuối tháng 5/2018. Đồng thời mong các công ty lớn như Happro, Đồng Giao, Co.opmart, các doanh nghiệp lớn… giúp người dân Hải Dương tiêu thụ vải.
Theo đại diện tỉnh Lạng Sơn, hiện tỉnh đang có 12 cửa khẩu; trong đó, 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu đang nâng cấp thành cửa khẩu song phương. Tỉnh đã đầu tư hạ tầng, đủ lượng cán bộ chuyên môn cho 12 cửa khẩu để tạo điều kiện xuất khẩu nông sản. Các địa phương cần tiếp tục tổ chức hội nghị chuyên đề để kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài cùng tiêu thụ. Các bộ ngành có những khuyến cáo kịp thời cho doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản phải truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, đề nghị các địa phương làm tốt khâu đóng gói bao bì để tránh mất thời gian trong khâu kiểm tra, kiểm dịch. Khi có dấu hiệu ùn ứ, các địa phương, doanh nghiệp cần giảm việc vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu để tránh ách tắc và bị khách hàng ép giá.
Chủ tịch HĐQT Nafoods Group, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau khi ký kết với đối tác, năm nay dự kiến công ty sẽ tiêu thụ 150 tấn/ngày. Hiện nay các vùng trồng vải, nhãn mới chỉ sản xuất áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Để xuất khẩu quả tươi để đi vào thị trường khó tính, các tỉnh cần lưu ý quan tâm có chứng chỉ GlobalGAP.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, từ đầu năm đến nay diễn biến thời tiết thuận chưa năm nào có được, tuy nhiên không chủ quan với thời tiết. Địa phương tập trung vào hướng dẫn nông dân chăm sóc, quản lý vườn cây, đặc biệt là chăm sóc theo hướng sạch.
“Việc tổ chức thị trường thương mại phải bài bản, căn cơ cho từng đơn vị liên quan từ việc chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương chú ý đến thị trường phía Nam, tất cả phải cùng vào cuộc để được mùa mà không bị mất giá”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục