Xây dựng kịch bản nguồn cung cho ngành chăn nuôi

08:20' - 15/04/2019
BNEWS Dịch tả lợn châu Phi bất ngờ xuất hiện tại Việt Nam và bùng phát nhanh trong một thời gian ngắn đã làm cơ quan chức năng, người chăn nuôi lúng túng trong việc xử lý dịch bệnh này.

Cùng với đó, ngành chăn nuôi cũng phải đối phó với dịch lở mồm long móng trên gia súc trong suốt nhiều năm qua.

Thời gian tới, nếu không có những giải pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh trên gia súc thì ngành chăn nuôi sẽ phải chịu ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

BNEWS:Xin ông cho biết tình hình hoạt động sản xuất của ngành chăn nuôi thời gian qua?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Theo số liệu thống kê, các chỉ tiêu tăng trưởng của sản xuất chăn nuôi quý I năm 2019 đều tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể: đàn bò phát triển khá với mức tăng trong tháng đạt 3%, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 99,2 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng sữa bò tươi đạt 252,2 nghìn tấn, tăng 7,3%.

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định, ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 3/2019 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 338,3 nghìn tấn, tăng 6,2%; sản lượng trứng gia cầm đạt gần 3,6 tỷ quả, tăng 10,6%.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, nhưng đàn lợn cả nước trong tháng 3/2019 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 3,2%.
Tuy nhiên, điều lo ngại cho các quý tiếp theo đó là số lượng đàn lợn sẽ giảm và khả năng giá lợn sẽ tăng. Nguyên nhân số lượng lợn thiếu hụt là do dịch bệnh gây ra buộc phải tiêu huỷ.

Trong khi đó, người chăn nuôi e ngại và không tái đàn trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế. Đồng thời, số lượng lợn hậu bị không bán được phải chuyển sang bán lợn thịt. Đây là những nguyên nhân có thể làm cho số lượng lợn sẽ bị thiếu hụt trong quý 3 và quý 4.
Để bù đắp lượng thịt lợn được dự báo sẽ bị thiếu trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi đã xây dựng kịch bản để ứng phó cho vấn đề này. Cụ thể, ngành sẽ thay đổi cơ cấu chăn nuôi; trong đó ngành chăn nuôi lợn sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại. Đồng thời, tập trung vào con giống để khi nông dân có nhu cầu tái đàn sẽ có đủ giống đáp ứng.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi sẽ tăng chăn nuôi gia cầm lên 7% (trước là 6%), bò thịt tăng lên 5% (trước là 4%), tăng lượng đánh bắt thuỷ sản. Như vậy sẽ bù đắp được lượng thịt lợn thiếu hụt trong thời gian tới.

BNEWS: Được đánh giá là bệnh dịch rất nguy hiểm, đặc biệt đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vậy bệnh dịch này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với ngành chăn nuôi, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Có thể nói, đây là một loại dịch bệnh nguy hại rất lớn đến ngành chăn nuôi, xin nhắc lại đây chưa phải là dịch bệnh nguy hiểm bởi nó không lây sang người.
Đối với dịch tả lợn châu Phi, khi lợn nhiễm bệnh thì tỷ lệ chết là 100% trên mọi loại lợn (nái, choai, đực); đồng thời khả năng lây lan trên diện rộng cũng rất cao. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào phòng trị bệnh này, đặc biệt là chưa có vắc xin. Do đó, các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi hiện nay chỉ là các biện pháp tổng hợp nên phát sinh chi phí rất lớn.
Ngoài dịch tả lợn châu Phi bùng phát kết hợp với việc xuất hiện tình trạng sán lợn (xuất phát từ vụ việc tại Bắc Ninh), cộng với việc khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội... làm cho người dân hoang mang và đã tẩy chay thịt lợn trong một thời gian ngắn. Đây là một thiệt hại vô cùng lớn đối với ngành chăn nuôi.

Cụ thể, giá thịt lợn thời điểm đó tụt xuống từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, trong khi mức tiêu thụ trung bình mỗi tháng 300.000 tấn, như vậy tổng thiệt hại khoảng 3.000 - 3.500 tỷ đồng.

Tiến hành phun thuốc sát trùng tại các chốt kiểm dịch gần vùng dịch tả. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

Ngay sau đó, Cục Chăn nuôi đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đặc biệt là các cơ quan truyền thông tuyên truyền cho người tiêu dùng và người chăn nuôi hiểu đúng về bênh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời giúp người tiêu dùng không nên quay lưng lại với thịt lợn, bởi thịt lợn ở thời điểm này đang được kiểm soát tốt nhất từ vệ sinh, an toàn thực phẩm, thú ý, giết mổ.... 

BNEWS: Vậy theo ông, về lâu dài ngành chăn nuôi cần có những giải pháp gì để đối phó với dịch tả lợn châu Phi?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên thế giới từ cách đây gần 100 năm, đến nay đã có 59 quốc gia thông báo xuất hiện dịch và phần lớn vi rút dịch tả lợn châu Phi vẫn lưu hành ở các nước này.

Chúng ta cũng không nên nhìn nhận một cách cực đoan về bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chúng ta cũng không thể mong một sớm một chiều hết được dịch này mà ngành chăn nuôi xác định "sống chung với dịch", tức là vẫn phải sản xuất trong điều kiện có dịch (dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh...).
Do vậy, chúng ta phải tổ chức chăn nuôi thật tốt, đặc biệt là áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Chắc chắn trong tương lai phải tiếp cận theo hướng đó. Tuy nhiên, để thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học thì phải đầu tư rất lớn.

Mô hình này hiện đang được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như CP, Dabaco, Masan... thực hiện rất tốt. Thực tế, các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn này đều không bị các loại dịch bệnh xâm nhiễm bởi họ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh rất nghiêm ngặt.
Còn đối với các hộ chăn nuôi nông hộ (chiếm 60%) thì gặp rất nhiều khó khăn khi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học bởi khoảng cách chuồng trại rất gần nhau, lại xen kẽ giữa các khu dân cư... khiến việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn hơn. Dần dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ này sẽ không tồn tại được nếu không có đủ điều kiện đầu tư áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Người chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng được hệ thống chuồng trại đảm bảo yêu cầu phòng, chống được các loại dịch bệnh trong chăn nuôi. Có nghĩa là phải có khu chăn nuôi riêng biệt, tách biệt khu dân cư để đảm bảo rằng người và đàn vật nuôi không thể ra vào dễ dàng như tình trạng hiện nay ở khu vực nông thôn.

Chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

Các nông hộ phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình, quy phạm về chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát thức ăn, nhất là thức ăn thừa, không nên tận dụng mà có thể chuyển sang làm phân bón. Hoặc nếu dùng thì phải xử lý nhiệt bởi khi xử lý nhiệt ở 100 độ C thì tất cả các vi rút của mọi loại bệnh đều có thể bị tiêu diệt.
Còn khi đã vào khu chăn nuôi là phải có hố vôi sát trùng, đây là biện pháp phòng dịch đơn giản nhất; đồng thời, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng hàng tuần, hàng tháng.

Hiện nay, giải pháp đang được thực hiện là phun thuốc từ trong chuồng trại phun ra để tránh tình trạng mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhiễm vào chuồng trại. Bên cạnh đó, hạn chế người đi ra vào khu chăn nuôi và phải mặc áo bảo hộ...

Các biện pháp này không chỉ áp dụng ở các trang trại mà ngay cả các hộ chăn nuôi nông hộ cũng phải áp dụng thì mới hạn chế được nguy cơ dịch bênh lây lan.
Ngoài ra, người chăn nuôi phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin đúng theo quy định cho đàn vật nuôi. Nước uống cho đàn vật nuôi cũng phải sử dụng nguồn nước riêng, nước máy là tốt nhất không thì là nước giếng.
Đối với con giống, nếu người chăn nuôi tự túc được thì tốt, không thì phải mua con giống có nguồn gốc rõ ràng ở các cơ sở có uy tín, được tiêm phòng đầy đủ. Đó là những điểm cơ bản trong chăn nuôi an toàn sinh học.
Đối với các ổ dịch đã xuất hiện, nếu sau 30 ngày không còn có dịch thì người chăn nuôi mới được tái đàn mà chỉ tái đàn khoảng 10% (tức là đàn nuôi 100 con thì chỉ tái đàn 10 con) và không được tái đàn ồ ạt. Sau 1 tháng, nếu dịch bệnh không phát sinh thì sẽ thực hiện tái đàn tiếp.
BNEWS: Xin cảm ơn ông !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục