Xây dựng dự án xác lập quyền nhãn hiệu chứng nhận bưởi Đại Minh

10:58' - 19/11/2018
BNEWS Nhiều năm trở lại đây, cây bưởi Đại Minh đã trở thành một cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập cao cho người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Bưởi Đại Minh hay còn được gọi là bưởi tiến Vua là giống bưởi ngon, đã từ lâu nổi tiếng trong vùng Tây Bắc. Theo lời kể của Già làng thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, cây bưởi Tổ ở làng Khả Lĩnh đã có cách đây khoảng gần 300 tuổi, hiện tại xã Đại Minh còn một số cây bưởi cổ có tuổi đời khoảng trên 100 năm, năm nào cũng đơm hoa, kết trái.

Đại Minh từng là địa giới thuộc huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, nên giống bưởi Đoan Hùng danh tiếng đã được nhân giống từ chính gien quý của bưởi Đại Minh.

Hàng năm, từ tháng 9 – 11 âm lịch là thời gian thu hoạch bưởi. Hiện nay đang là mùa thu hoạch bưởi, các hộ gia đình nơi đây cùng với thương lái đang tấp nập ra vườn cắt bưởi, cả vùng bưởi nhộn nhịp xe ra, xe vào để vận chuyển bưởi đi tiêu thụ.

Nhờ trồng bưởi Đại Minh mà nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, đời sống gia đình khấm khá hơn. Các hộ dân ở đây không phải lo đầu ra sản phẩm, trước khi đến mùa bưởi, thương lái từ các tỉnh thành đã đến đặt mua.

Bưởi Đại Minh có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều vitamin và khoáng chất ở dạng vi lượng rất cần thiết cho cơ thể con người, ăn khi đói mà không bị cồn ruột.

Bên cạnh đó, bưởi Đại Minh còn mang nhiều đặc điểm quý như có vị ngọt mát, hàm lượng axít thấp, mùi vị đặc trưng, vỏ mỏng, mỗi quả bưởi chỉ nặng từ 0,8-1,2kg, sau thu hoạch bảo quản để được đến tháng 3 - 4 năm sau, nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và là một đặc sản của địa phương. Vì thế, mỗi năm hàng triệu quả bưởi đưa ra thị trường đều được tiêu thụ hết.

Năm 2017, giá bán bưởi ổn định, ở mức cao, đối với bưởi ngon loại 1 bán với giá từ 25-30 nghìn đồng/quả, bưởi loại 2 bán với giá từ 10-15 nghìn đồng/quả, bưởi loại 3 dưới 10 nghìn đồng/quả.

Theo người dân nơi đây, 80% kinh tế các hộ gia đình là sống nhờ vào bưởi, có cây bưởi cho 600 quả với giá trị 6 triệu đồng, còn bình quân khoảng từ 2-3 triệu đồng/cây. Nhờ vậy, mà đời sống người dân ngày được nâng lên, có tiền xây nhà, mua xe…

Ông Trần Quang Khải, thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh chia sẻ, gia đình ông có 50 gốc bưởi, mỗi năm cũng thu được gần 100 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập chính của vợ chồng ông. Theo ông trồng bưởi không vất vả mà lại có giá trị kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác.

Anh Nguyễn Văn Định, thôn Minh Thân tâm sự, kinh tế gia đình anh khá giả là nhờ vào bưởi, với hơn 100 gốc bưởi, mà mỗi năm anh thu được trên 300 triệu đồng. Hàng năm, gia đình anh còn tạo thêm việc làm cho 10 lao động tại địa phương.

Theo người dân sống ở đây, loại bưởi ngon là loại bưởi có tuổi đời khoảng trên 40 năm. Để chọn được quả bưởi ngon thì phải theo 3 tiêu chí là tuổi cây, vị trí đứng của cây và mức độ chăm sóc của người chủ cây.

Tuy nhiên, cây bưởi Đại Minh cũng có lúc thăng trầm, hơn 10 năm về trước, bưởi ở Đại Minh chỉ như cây nhà lá vườn, người dân thường chỉ hái ăn và biếu khách. Tỷ lệ đậu quả thấp, bưởi khô, kém mọng nước, độ ngọt giảm, năng suất và chất lượng kém.

Bưởi mất mùa hay được mùa không mấy ai quan tâm, nên có nhiều hộ gia đình đã chặt bỏ chuyển sang trồng chè và cây lâm nghiệp.

Trước thực trạng đó, năm 2007, Viện Nghiên cứu rau quả (Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu rồi tập huấn cho các hộ dân về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi Đại Minh, bón tổng hợp cân đối các loại phân, đặc biệt là việc thụ phấn, dùng hoa bưởi chua thụ phấn cho hoa bưởi ngọt. Từ đó, năng suất cũng như chất lượng của bưởi được tăng lên.

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bưởi Đại Minh”.

Đây được xem là bước tiến mới cho sản phẩm này trên thị trường và tạo điều kiện để giống bưởi Đại Minh phát triển, mở rộng nguồn tiêu thụ sản phẩm.

Toàn xã Đại Minh hiện có trên 200 ha diện tích bưởi Đại Minh, với thu nhập đem lại lên tới gần 50 tỷ đồng. Diện tích bưởi được trồng ở 14/15 thôn của xã, xã có 900 hộ gia đình thì có trên 80% người dân trồng bưởi. Nhờ bưởi mà xã đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016, hiện xã tiếp tục được UBND tỉnh Yên Bái chọn là 1 trong 5 xã xây dựng nông thôn kiểu mẫu của tỉnh.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái) cho biết, bưởi Đại Minh là cây trồng có thế mạnh của xã, nhờ vậy mà sau 5 năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20% xuống còn 5%.

Trong thời gian tới, xã tiếp tục mở rộng quy mô và tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng 20 ha vườn kiểu mẫu.

Xã tăng cường phối hợp với trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên thực hiện đề tài sản xuất bưởi hữu cơ (trong năm 2018) và trường Đại học Kinh tế Thái Nguyên thực hiện đề tài sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP (giai đoạn 2018-2020).

Hiện nay, huyện Yên Bình có hơn 1.400 ha cây ăn quả, trong đó có trên 800 ha cây ăn quả có múi, huyện đã tạo được vùng trồng bưởi đặc sản Đại Minh với trên 450ha, trong đó tập trung nhiều tại hai xã Ðại Minh và Hán Ðà với diện tích 300 ha, còn lại ở các xã khác.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, huyện đang xây dựng vùng hàng hóa cây ăn quả có múi; trong đó bưởi là cây chủ lực, ngoài ra còn có cam, quýt, chanh.

Thời gian tới, huyện tăng cường phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu khoa học của Trung ương, tỉnh và các trường Đại học để xây dựng dự án xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận “Bưởi Đại Minh”.

Đồng thời, huyện khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng bưởi, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc áp dụng quy trình sản xuất chuẩn đối với cây bưởi.

Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ để mở rộng vùng sản xuất theo quy hoạch, với mục tiêu đến năm 2020, huyện Yên Bình phấn đấu có 1 nghìn ha bưởi Đại Minh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục