Xây dựng bộ giống nông nghiệp chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long

11:39' - 14/06/2019
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định đến năm 2025 sẽ có được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực là thủy sản, trái cây, lúa.
Nhiều cơ sở đã tự nuôi loài tạo vi sinh để phục vụ tôm giống. Ảnh: Công Thử - TTXVN 
Trước yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định đến năm 2025 sẽ có được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực là thủy sản, trái cây, lúa; đến năm 2030, làm chủ nguồn giống trong nước và vươn tầm quốc tế.

Phát triển giống nông nghiệp được xác định là giải pháp đột phá thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, việc nghiên cứu, chọn tạo giống vật nuôi, cây trồng, thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng là một trong những nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2018 của Chính phủ.

Về phát triển giống thủy sản chủ lực gồm tôm và cá tra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được định hướng phát triển thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, hướng mạnh ra xuất khẩu. Việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất giống được đẩy mạnh tăng cường, đảm bảo cung ứng đủ và chất lượng, hiệu quả đối với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản chủ lực khoảng 1 triệu ha đến năm 2030.

Diện tích nuôi cá tra hiện nay là khoảng 5.200 ha, sản lượng nuôi 1,2 triệu tấn. Hiện giống cá tra sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 40-45% nhu cầu. Còn lại khoảng 55-60% giống cá tra nuôi chưa kiểm chứng được chất lượng do không kiểm soát được đàn cá tra bố mẹ.

Để đáp ứng đủ nhu cầu giống cá tra chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, hướng tới tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu long”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ tiếp tập trung nguồn lực cho Viện Nuôi trồng thủy sản II nghiên cứu, chọn tạo giống cá bố mẹ  để cung cấp đủ đàn cá tra bố mẹ cho cơ sở sản xuất giống; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực tham gia nghiên cứu, chọn tạo đàn cá tra bố mẹ chọn giống và cung cấp đàn cá bố mẹ có chất lượng cho các cơ sở. Bộ cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết triệt để tình trạng các cơ sở sản xuất giống sử dụng đàn cá tra bố mẹ không rõ nguồn gốc như cá tra nuôi thương phẩm, cá tra bắt tự nhiên… cho sinh sản.

Với tôm nước lợ, diện tích nuôi toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 669.000 ha, chiếm gần 93% diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước. Toàn vùng có 1.278 cơ sở sản xuất tôm giống, đáp ứng được 48,3% nhu cầu thả nuôi; số giống còn thiếu được cung cấp từ các tỉnh Nam Trung bộ. Khó khăn hiện nay về sản xuất giống tôm là chưa chủ động sản xuất, chọn tạo được tôm bố mẹ đối với tôm thẻ chân trắng và tôm sú.

Để cung cấp và kiểm soát được chất lượng tôm giống cũng như tôm bố mẹ, trong thời gian tới, theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trước mắt Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ, tiếp tục các chương trình chọn giống hiện nay đối với tôm sú và tôm thẻ, để có các thế hệ bố mẹ có chất lượng cao trong những năm tới.

Về lâu dài, Bộ tập trung, tăng cường nguồn lực đầu tư cho các viện, doanh nghiệp có năng lực thực hiện nghiên cứu, chọn tạo giống để chủ động cung cấp cho vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.

Với cây ăn quả, toàn vùng có khoảng 335.400 ha, chiếm 36,3% diện tích cả nước, chủ yếu là thanh long, xoài, cam, bưởi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, dứa… Hiện nhiều giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện vùng đã được đưa vào sản xuất, giúp nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu.

Số lượng cây đầu dòng còn rất ít. Ảnh minh họa: Minh Trí - TTXVN
Tuy nhiên, số lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng của các địa phương còn rất ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp vật liệu cho sản xuất giống nên lượng cây giống đảm bảo chất lượng cung cấp cho sản xuất đại trà vẫn còn thấp. Các giống cây ăn quả thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu chưa cao.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang giao Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với dịch hại chính và điều kiện bất thuận, thích hợp với các vùng sinh thái khác nhau, tập trung vào 10 loại trái cây chủ lực của vùng. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường quản lý Nhà nước về nguồn gốc, chất lượng cây giống; hoàn thiện các gói quy trình kỹ thuật giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm thất thoát nông sản, an toàn thực phẩm…

Về giống lúa, hiện diện tích sử dụng giống lúa xác nhận còn thấp, chiếm 65% trong tổng diện tích gieo trồng toàn vùng là 4,19 triệu ha. Dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận ở vùng đạt trên 75%, năm 2025 đạt 90% và năm 2030 đạt 100%.

Để đáp ứng mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang giao Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới thích hợp với vùng, đặc biệt là giống lúa chịu mặn; cải tiến tính chống chịu sâu, bệnh của các giống lúa nhóm chủ lực; xây dựng được quy trình canh tác lúa tiên tiến phù hợp theo GAP.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục