Vướng đền bù cho 1 hộ dân, tuyến đường vốn hơn 400 tỷ phải chuyển hướng tuyến

16:27' - 15/07/2019
BNEWS Chỉ vì vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng cho một hộ dân, chủ đầu tư tuyến đường tỉnh lộ 113 đoạn qua bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La đã dừng thi công và mở hướng tuyến mới.
 Tuyến đường tỉnh lộ 113 đoạn qua bản Mé Lếch bị dừng thi công vì vướng mắc trong đền bù cho 1 hộ dân. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Điều đáng nói là đoạn đường qua khu vực này đã cơ bản hoàn thành và chỉ chờ để đấu nối với tuyến Quốc lộ 6 cũ. Điều này, đã gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và thể hiện sự lãng phí trong sử dụng ngân sách Nhà nước.
*Vướng mắc trong đền bù cho một hộ dân
Đoạn đường thuộc tỉnh lộ 113 (nay là Quốc lộ 37) đoạn qua bản Mé Lếch, xã Cò Nòi có chiều dài gần 1km. Đường được thiết kế với chiều rộng 7m, mặt đường được rải nhựa và có vỉa hè, cống thoát nước.

Đây là điểm cuối của tuyến tỉnh lộ 113 có chiều dài 30 km, nối từ xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn đến Quốc lộ 6 cũ thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Tuy nhiên, đoạn đường đang thẳng băng thì bị ách lại ở điểm đấu nối với Quốc lộ 6 cũ bởi ngôi nhà của một hộ dân.

Điều này đã khiến cho con đường rộng, đẹp bị thắt lại như chiếc cổ chai, mặt đường chỉ còn khoảng 3m. Vì thế, chỉ có xe ô tô con, xe máy và các phương tiện thô sơ khác mới có thể qua lại được.
Ông Nguyễn Bá Tuyết, Trưởng bản Mé Lếch bày tỏ, đoạn đường thi công dở dang dẫn đến việc đi lại của bà con rất khó khăn, đặc biệt là những lúc mưa gió. Vừa rồi, bản đã phải vận động bà con mua đá về để đổ đoạn đường này cho dễ đi lại. Không những thế, nhiều phương tiện vận tải cỡ lớn đã đi nhầm vào con đường này, nhưng khi đến điểm cuối đã phải lùi xe trở lại vì không đi qua được.
Theo người dân, con đường này đã hoàn thành từ năm 2016, nếu như việc thi công được thuận lợi, nó sẽ được nối với đường Quốc lộ 6 cũ. Trước đây, khi nghe nói có đường lớn đi qua, mọi người trong bản Mé Lếch rất phấn khởi và đồng tình với các phương án giải phóng mặt bằng.

Cả bản có 116 hộ thì 37 hộ nằm trong diện bị ảnh hưởng phải giải tỏa đất vườn và chặt bỏ cây trồng lâu năm để nhường đất. Ngoài ra, còn có 5 hộ gia đình đã tự nguyện trao lại toàn bộ đất ở và đất vườn để di chuyển đến nơi ở mới.
Tuy nhiên, chỉ có duy nhất hộ gia đình bà Đỗ Thị Xoan có ngôi nhà nằm tiếp giáp giữa con đường mới mở với Quốc lộ 6 cũ là không đồng ý với phương án đền bù theo quy định của Nhà nước.

Mặc dù đã được Ban quản lý giải phóng mặt bằng, các cấp chính quyền địa phương và người dân trong bản thuyết phục, tuyên truyền vận động nhưng hộ gia đình này không đồng ý. Bà Đỗ Thị Xoan cho biết, gia đình bà có hơn 200m2 đất thổ cư cùng ngôi nhà cấp 4.

Khi làm đường, bà được thông báo tiền đền bù cho mảnh đất là 150 triệu đồng, cộng tất cả các khoản thì gia đình bà được bồi thường khoảng 600 triệu đồng. Với số tiền đó, gia đình bà không đủ để mua một miếng đất khác nên không thể chấp nhận phương án đền bù. Hiện nay, bà mong muốn chính quyền tiến hành giải tỏa thì phải hỗ trợ đất tái định cư với mức đền bù hợp lý hơn.
*Chuyển hướng tuyến để kịp quyết toán

Điểm đấu nối giữa tỉnh lộ 113 đoạn qua bản Mé Lếch với Quốc lộ 6 (cũ) bị thắt nút cổ chai vì chưa giải phóng được mặt bằng. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án di dân tái định cư tỉnh Sơn La, tuyến đường trên thuộc dự án “Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 113 đoạn Cò Nòi đi xã Nà Ớt”. Tuyến đường có chiều dài 30km với tổng mức đầu tư 603 tỷ đồng thuộc nguồn vốn dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Dự án được thực hiện trong 2 năm 2015 – 2016. Hiện dự án đã hoàn thành quyết toán với số tiền hơn 403 tỷ đồng.
Vào thời điểm năm 2016, để đảm bảo thời gian thi công hoàn thành đúng tiến độ và kịp giải ngân nguồn vốn, chủ đầu tư tuyến đường tỉnh lộ 113 đã phải mở một tuyến mới vòng sang hướng khác để nối với đường Quốc lộ 6 cũ. Vì thế, con đường qua bản Mé Lếch trở thành “đường cụt” mặc dù đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng dành cho chi phí thi công và giải phóng mặt bằng.
Bà Phùng Thị Dư, Bí thư chi bộ bản Mé Lếch cho biết, trước đây gần 40 hộ dân của bản đã chấp hành tốt quy định về giải phóng mặt bằng nhưng chỉ vì một hộ đã làm ảnh hưởng đến lợi ích chung.

Không những thế, việc bỏ dở tuyến đường sắp hoàn thành và mở tuyến đường mới là điều rất lãng phí, bởi chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân trong bản đã gần 10 tỷ đồng.

Khi mở đường mới lại mất thêm chi phí đền bù, xây dựng. Hiện nay, bà con mong muốn chính quyền sớm có giải pháp để thông tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển kinh tế, xã hội cũng như tránh được sự lãng phí không cần thiết.
Trước vấn đề này đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mai Sơn – đơn vị tham gia vào quá trình tham mưu, tư vấn xây dựng và thay đổi hướng tuyến của tỉnh lộ 113 đoạn qua bản Mé Lếch cho biết, đoạn đường bản Mé Lếch bị ách tắc và buộc Ban Quản lý dự án thời điểm đó phải dùng phương án mở một tuyến đường mới.

Mặc dù tuyến đường qua bản Mé Lếch đã hoàn thành tới 80% hạng mục. Điều này là do việc đòi hỏi tiến độ khi đó quá gấp, nguồn vốn đầu tư cho công trình này là lấy từ vốn Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La đến hết năm 2016 là kết thúc. Nếu dự án không hoàn thành thì không thể giải ngân được.
Theo ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng Kinh tế -  Hạ tầng huyện Mai Sơn, hiện nay, đoạn đường dang dở qua bản Mé Lếch đã chuyển về cho cấp xã quản lý. Dự án này đã kết thúc, tuy nhiên trong quy hoạch tương lai khi huyện Mai Sơn được nâng cấp lên thị xã thì đây sẽ trở thành tuyến đường đô thị.

Vì thế, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng. Khi đó, các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện đầu tư vào tuyến đường này./.

>>> Nhà xây mới, nhà tạm mọc lên chờ đền bù thu hồi khai thác mỏ quặng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục