Vụ MobiFone mua AVG: Động cơ cá nhân “giúp” hợp thức hóa mọi thủ tục đầu tư công

07:49' - 21/10/2019
BNEWS Vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, động cơ cá nhân của các bị can thể hiện rõ từ khi kết nối thương thảo, ký kết cho đến lúc thanh toán.
Bị can Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông). Ảnh: TTXVN phát

Trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, động cơ cá nhân của các bị can được thể hiện rất rõ từ khi kết nối thương thảo, ký kết cho đến lúc thanh toán.

Vì động cơ cá nhân, các bị can sẵn sàng làm trái quy định của Nhà nước về về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, gây hậu quả nghiêm trọng, với tổng giá trị thiệt hại cho Nhà nước là hơn 6.590 tỷ đồng.
* Chưa thảo luận đã lập phiếu trình chuyển nhượng
Ngày 27/1/2015, Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) có Văn bản số 337/MOBIFONE-ĐHKT trình Bộ Thông tin và Truyền thông xin phê duyệt chủ trương cho MobiFone đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số.

Theo sự chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son (nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), ngày 3/2/2015, Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp - Bộ Thông tin và Truyền thông) lập Phiếu trình đề nghị cho MobiFone được thực hiện chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số mà không yêu cầu MobiFone lập dự án đầu tư mới để có căn cứ so sánh, lựa chọn phương án đầu tư. Đề xuất của Phạm Đình Trọng được Nguyễn Bắc Son đồng ý và giao cho ký văn bản trả lời MobiFone.

Ngày 6/2/2015, Phạm Đình Trọng đã có Văn bản số 408/BTTTT-QLDN thống nhất chủ trương đầu tư theo đề xuất của MobiFone. Tại thời điểm này, giữa AVG và MobiFone chưa tiến hành thảo luận việc mua bán nhưng ngày 5/3/2015, Phạm Đình Trọng đã lập Phiếu trình có nội dung: “Công ty AVG đã trao đổi, làm việc với Tổng công ty Viễn thông MobiFone và thống nhất sẽ chuyển nhượng cổ phần của AVG cho MobiFone”.
Đến ngày 10/3/2015, Nguyễn Bảo Long (nguyên Phó Tổng giám đốc MobiFone) đã ký Văn bản trình Bộ Thông tin và Truyền thông, xin phê duyệt cho MobiFone ký bản ghi nhớ mua cổ phần của AVG. Theo đề xuất của Phạm Đình Trọng và được Nguyễn Bắc Son đồng ý nên ngày 12/3/2015, Phạm Đình Trọng đã ký Văn bản đồng ý cho MobiFone ký bản ghi nhớ việc mua cổ phần của AVG. Theo đó, ngày 20/3/2015 Nguyễn Bảo Long đã ký bản ghi nhớ với Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) về việc mua bán cổ phần của AVG.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, dự án này thuộc Nhóm A nhưng chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm là vi phạm khoản 2 Điều 19 - Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (viết tắt là Luật số 69/2014/QH13).

Dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone là vi phạm quy định tại Điều 31 Luật số 67/2014/QH13, Điều 20 Luật số 69/2014/QH13 về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; Điều 21 Luật số 69/2014/QH13 về trình tự thủ tục đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp.

Các kênh tần số (4 kênh) mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp cho AVG để thực hiện thí điểm, 4 kênh tần số này phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông đã không thu hồi để tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng mà cho phép MobiFone được tiếp tục sử dụng 4 kênh tần số đã cấp cho AVG để phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình và viễn thông là vi phạm quy định tại Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện.

Giá mua và hiệu quả đầu tư là 2 yếu tố quan trọng đối với dự án đầu tư, mặc dù chưa được làm rõ, nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình.
Trách nhiệm đối với những sai phạm nêu trên thuộc về Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và Phạm Đình Trọng là những người chỉ đạo việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án không tuân theo những quy định của Luật 67/2014/QH13 và Luật 69/2014/QH13 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại tài sản của Nhà nước.
* Chỉ đạo quyết liệt mua AVG trước khi Nguyễn Bắc Son nghỉ hưu
Khi Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được Văn bản số 2678/VPCP-ĐMDN ngày 14/12/2015 của Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Bắc Son xác định đây không phải là Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ, Thủ tướng Chính phủ chưa có Quyết định chủ trương đầu tư, nhưng Nguyễn Bắc Son đã có bút phê ngày 15/12/2015 chỉ đạo dự án phải được triển khai ngay và hoàn thành trong năm tài chính 2015.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Bắc Son thừa nhận đã gạch bỏ nội dung: “Giao cho Hội đồng thành viên MobiFone chịu trách nhiệm quyết định giá mua” tại Tờ trình và gạch bỏ nội dung “Quyết định giá mua” tại Điều 2 dự thảo Quyết định 236.

Nguyễn Bắc Son thừa nhận sai phạm trong việc có bút phê chỉ đạo, giao Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone khi Thủ tướng Chính phủ chưa có Quyết định chủ trương đầu tư, chưa có ý kiến về 4 kênh tần số, giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án chưa được cơ quan có chức năng, thẩm quyền xem xét, làm rõ.
Ngoài ra, Nguyễn Bắc Son còn thừa nhận đã chỉ đạo Lê Nam Trà ký Thỏa thuận, Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG vào chiều ngày 25/12/2015. Nguyễn Bắc Son khai nhận, động cơ mục đích chỉ đạo quyết liệt MobiFone triển khai thực hiện nhanh dự án mua cổ phần AVG vì mong muốn dự án được thực hiện trước khi Nguyễn Bắc Son nghỉ hưu để tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ công tác và mong muốn MobiFone và AVG nhớ đến Nguyễn Bắc Son.
Để thực hiện ý định này, mặc dù không kiểm tra, xem xét thực tế AVG có trao đổi làm việc với MobiFone không nhưng Nguyễn Bắc Son vẫn phê duyệt đồng ý tại phiếu trình của Vụ quản lý doanh nghiệp ngày 5/3/2015 nội dung “Công ty AVG đã trao đổi làm việc với Mobifone và thống nhất sẽ chuyển nhượng cổ phần của AVG cho Mobifone”; đưa giao dịch này thuộc danh mục “Mật” của nhà nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông không có chức năng thẩm định dự án đầu tư nhưng Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo và ký quyết định số 194 thành lập Tổ thẩm định dự án, đầu tư dịch vụ truyền hình tại MobiFone. Việc Nguyễn Bắc Son trực tiếp viết Thư công tác ngày 1/10/2015 gửi Vụ Quản lý doanh nghiệp là với mục đích muốn chỉ đạo Vụ quản lý doanh nghiệp làm việc với MobiFone và AVG liên quan đến giá mua, cổ phần mua của AVG để làm sao MobiFone mua được cổ phần dịch vụ truyền hình của AVG.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, ngay ngày hôm sau (2/10/2015), Phạm Đình Trọng đã chủ trì cuộc họp có sự tham gia của Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc MobiFone và đại diện AVG thống nhất giá mua 8.898,3 tỷ đồng tương đương 95% cổ phần AVG (trong đó bao gồm 2 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG mà không tính tiền).
* Thanh toán 8.445 tỷ đồng chỉ trong vòng 19 ngày(!)
Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, ngày 22/12/2015, Cao Duy Hải (nguyên Tổng Giám đốc MobiFone) ký Quyết định thành lập Tổ đàm phán hợp đồng mua lại AVG gồm 8 thành viên.

Trong thời gian từ ngày 22 đến 24/12/2015, Tổ đàm phán đã làm việc với đại diện các cổ đông của AVG để đàm phán về nội dung bản Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, trong đó hai bên đã thống nhất các điều khoản hợp đồng bao gồm cả 2 khoản đầu tư ngoài ngành, tiến độ thanh toán, phương án xử lý các khoản nợ vay của AVG.

Ngày 24/12/2015, các thành viên Tổ đàm phán đã có Tờ trình số 01 và 02 trình Tổng giám đốc MobiFone về dự thảo Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của AVG.

Trên cơ sở tờ trình của Tổ giúp việc, cũng ngay trong ngày 24/12/2105 Ban Tổng giám đốc MobiFone họp đã có ý kiến về nội dung của Tổ đàm phán và thống nhất với các nội dung dự thảo Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần và dự thảo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, thống nhất trình Hội đồng thành viên quyết định.

Ngày hôm sau (25/12/2015), Lê Nam Trà ký Quyết định phê duyệt dự thảo Thỏa thuận chuyển  nhượng cổ phần và dự thảo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG, đồng thời giao cho Chủ tịch Hội đồng thành viên đại diện cho MobiFone ký Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần và các Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG.
Theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, ngày 25/12/2015, Lê Nam Trà và Phạm Nhật Vũ ký Thỏa thuận chuyển nhượng số 2512 có quy định toàn bộ các điều kiện, quyền và trách nhiệm của Bên chuyển nhượng, Bên nhận chuyển nhượng và AVG liên quan đến giao dịch, trong đó tổng số cổ phần chuyển nhượng là 344.660.000 cổ phần phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị theo mệnh giá là 3.446.600.000.000 đồng, tổng giá trị chuyển nhượng của giao dịch mua 95% cổ phần AVG là 8.889 tỷ đồng, thời gian hoàn tất việc chuyển nhượng là 180 ngày…
Cũng ngay trong ngày 25/12/2015 Lê Nam Trà và 8 cổ đông AVG đã ký 8 Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tương ứng với số cổ phần của từng cổ đông nắm giữ.
Sau khi ký Thỏa thuận và Hợp đồng, chỉ trong vòng 19 ngày (từ ngày 28/12/2015 đến ngày 15/1/2016), MobiFone đã thanh toán 8.445 tỷ đồng (tương đương 95% tổng giá trị hợp đồng) cho các cổ đông AVG, còn 5% tổng giá trị chuyển nhượng cổ phần sẽ được MobiFone thanh toán vào ngày hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên.
Điều đáng nói, khi xây dựng dự án này, MobiFone đã xác định nguồn tiền mua sẽ sử dụng 30% vốn tự có và 70% vốn vay. Tuy nhiên, do yêu cầu chuyển tiền nhanh quá, MobiFone đã phải sử dụng 100% nguồn vốn của mình để thanh toán cho AVG, điều này là không đúng với nội dung trong Dự án MobiFone đầu tư mua cổ phần của AVG.

Bên cạnh đó, do phải rút tiền tiết kiệm trước hạn để thanh toán nên tiền lãi bị thiệt hại do rút trước hạn là 115 tỷ đồng. Việc sử dụng 100% vốn tự có thanh toán cho nhóm cổ đông AVG ảnh hưởng tới doanh thu hoạt động tài chính của MobiFone do bị giảm lượng tiền gửi, lãi tiền gửi của MobiFone tại ngân hàng.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận, hậu quả thiệt hại của vụ án được xác định là hơn 6.475 tỷ đồng (được tính từ 8.445 tỷ đồng là số tiền MobiFone đã thanh toán cho AVG trừ đi 1.970 tỷ đồng là tài sản ròng của AVG). Ngoài ra, MobiFone còn bị thiệt hại 115 tỷ đồng là tiền lãi của các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được rút trước hạn để thanh toán cho AVG. Như vậy MobiFone đã thiệt hại tổng số là hơn 6.590 tỷ đồng./.
Xem thêm:

>>Vụ MobiFone mua AVG: Phân hóa để áp dụng chính sách hình sự

>>Vụ MobiFone mua AVG: “Chất xúc tác” giúp bán AVG cao hơn giá trị thực tế nhiều lần

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục