Vụ án thất thoát hơn 6.300 tỷ đồng: Làm rõ "chiêu thức" nâng khống giá bất động sản

20:39' - 09/05/2018
BNEWS Tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm 28 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại Cổ phần Đại Tín, Hội đồng xét xử đã dành trọn ngày 9/5 để công bố cáo trạng và tiến hành phần xét hỏi các bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh công bố cáo trạng. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm 28 bị cáo trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại Cổ phần Đại Tín (gọi tắt là Ngân hàng Đại Tín) – tiền thân là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Hội đồng xét xử đã dành trọn ngày 9/5 để công bố cáo trạng và tiến hành phần xét hỏi các bị cáo.

“Ngân hàng trong ngân hàng”

Theo đó, Hội đồng xét xử đã tập trung xét hỏi các bị cáo để làm rõ hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch lên 1.268 tỷ đồng rồi bán cho Ngân hàng Đại Tín để Hứa Thị Phấn chiếm đoạt số tiền 1.105 tỷ đồng.
Bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín) và Trần Sơn Nam (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín) đều cho rằng, bản thân chỉ là người làm thuê cho bà Hứa Thị Phấn, người chủ thực sự của Ngân hàng Đại Tín với việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ. Ngay cả bản thân Hội đồng quản trị cũng chỉ hoạt động trên danh nghĩa còn thực quyền đều do bà Hứa Thị Phấn quyết định nên việc mua nhà, định giá đều do bà Hứa Thị Phấn “sắp xếp”.
Thực chất bà Hứa Thị Phấn điều hành Ngân hàng Đại Tín theo mô hình “ngân hàng trong ngân hàng”. Giải thích khái niệm này, bị cáo Hoàng Văn Toàn trình bày, trên thực thế hai Chi nhánh Sài Gòn và Chi nhánh Lam Giang đều là hai “ngân hàng con” trong Ngân hàng Đại Tín, hoạt động phục vụ mục đích của bà Hứa Thị Phấn chứ không phải vì mục đích chung của ngân hàng.
Theo bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín), trong quá trình mua căn nhà số 5 Phan Ngọc Thạch, bị cáo tin tưởng hoàn toàn vào lời nói của bà Hứa Thị Phấn rằng bà Phấn bán căn nhà này cho Ngân hàng Đại Tín để làm trụ sở, có hồ sơ đính kèm đầy đủ.

Sau đó, các thành viên Hội đồng quản trị ký hồ sơ do bị cáo Ngô Kim Huệ (là cháu của bà Hứa Thị Phấn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín) đưa, rồi thống nhất bằng nghị quyết, lập biên bản chứ không tổ chức họp.
Bị cáo Hoàng Văn Toàn cũng thừa nhận, về hình thức pháp lý, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Đại Tín (viết tắt là Công ty TrustAsset) là pháp nhân hoạt động độc lập với Ngân hàng Đại Tín nhưng thuộc sở hữu của chính ngân hàng này và không có chức năng thẩm định tại sản.
Chủ tọa phiên tòa chỉ rõ, sau khi vụ án bị khởi tố, Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh đã định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có giá hơn 154 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Thông tin và thẩm định giá miền Nam cũng định giá căn nhà này chỉ có 181 tỷ đồng.

Thậm trí trước đó, bản thân các bị cáo khi họp Hội đồng quản trị cũng chỉ định giá căn nhà trên có giá 290 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức thẩm định 1.268 tỷ đồng mà Công ty TrustAsset đưa ra.

“Thổi” giá bất động sản bằng chiêu mua đi bán lại

Căn nhà tại số 5 Phạm Ngọc Thạch (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) do bà Hứa Thị Phấn đứng tên, nhận sang nhượng từ người khác với giá ban đầu hơn 371 tỷ đồng. Năm 2008, bà Phấn chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Địa ốc Lam Giang (gọi tắt là Công ty Lam Giang) do Lâm Kim Dũng (cháu bà Phấn) làm Giám đốc với giá 426,25 tỷ đồng. Tháng 7/2011, Công ty Lam Giang thế chấp tại Ngân hàng Đại Tín với số tiền 187,5 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty Phúc Nguyện của Hứa Thị Phấn. Khoản vay này sau đó được tất toán.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 9/5. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Đến tháng 8/2011, ông Trần Sơn Nam, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín có tờ trình Hội đồng quản trị về việc mua căn nhà nói trên với giá 1.268 tỷ đồng và được Hội đồng quản trị thông qua bằng Nghị quyết số 31, đồng thời uỷ quyền cho bà Ngô Kim Huệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín ký kết hợp đồng mua căn nhà trên. Thực hiện giao dịch này, Ngân hàng Đại Tín đã chuyển vào tài khoản của Công ty Lam Giang 990 tỷ đồng. Ông Lâm Kim Dũng, Giám đốc Công ty Lam Giang xác nhận số tiền này đã được bà Hứa Thị Phấn sử dụng hết.
Tháng 2/2012, Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín họp và thống nhất hủy hợp đồng mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với Công ty Lam Giang, phía Công ty Lam Giang đã hoàn trả đủ số tiền 990 tỷ đồng cho Ngân hàng Đại Tín. Sau đó Công ty Lam Giang lại chuyển nhượng căn nhà nói trên về cho bà Hứa Thị Phấn với giá 450 tỷ đồng, bà Phấn đã thanh toán đủ số tiền này.
Sau đó ông Trần Sơn Nam, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín có tờ trình Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín mua lại căn nhà của bà Phấn với giá 1.260 tỷ đồng và được chấp thuận. Phía Ngân hàng Đại Tín đã chuyển tiền đầy đủ cho bà Hứa Thị Phấn.
Với “chiêu thức” như việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch kể trên, bằng việc chỉ đạo, thao túng mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín cũng như thông qua các công ty do mình thành lập, mối quan hệ với người thân hoặc nhân viên, bà Hứa Thị Phấn đã đứng tên 26 bất động sản, dùng thủ đoạn mua đi bán lại để nâng khống giá trị. Sau đó bị cáo Phấn dùng ảnh hưởng của mình chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín định giá khống cao gấp 2 – 8 lần giá thị trường, rồi chỉ đạo Hội đồng quản trị ngân hàng này mua lại 26 bất động sản với tổng giá trị hơn 3.580 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn điều lệ của Ngân hàng Đại Tín chỉ có 3.000 tỷ đồng và đã vượt tỷ lệ mua sắm tài sản cố định, dẫn đến 15/26 bất động sản với giá trị gần 2.425 tỷ đồng chưa thể hạch toán, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 2.129 tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục