Vốn FDI "rót" vào Tp. Hồ Chí Minh đạt hơn 4 tỷ USD

17:51' - 30/08/2019
BNEWS Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, thành phố đã thu hút được 4,19 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tp. Hồ Chí Minh đón thêm hơn 4 tỷ USD vốn FDI. Ảnh minh họa: TTXVN

Nguồn vốn này bao gồm cả thu hút vốn dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước.
Thành phố cũng đã cấp phép cho 816 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 754,1 triệu USD; 197 dự án được điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn 419,3 triệu USD.
Tính chung, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 1,173 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn có 3.147 trường hợp nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đạt 3,020 tỷ USD.

Về lĩnh vực đầu tư, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng đầu về vốn đăng ký với 33 dự án, vốn đạt 250,5 triệu USD; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 192 dự án, vốn đầu tư 226,7 triệu USD; thương mại 351 dự án, vốn đầu tư 141,5 triệu USD; vận tải kho bãi 41 dự án, vốn đầu tư đạt 36,1 triệu USD; thông tin và truyền thông 106 dự án, vốn đầu tư 34,1 triệu USD; công nghiệp chế biến, chế tạo 25 dự án, vốn đầu tư 33,2 triệu USD…
Theo UBND Tp.Hồ Chí Minh, đã có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn thành phố; trong đó, từ đầu năm 2019 đến nay, British Virgin Islands có 10 dự án với số vốn 179,1 triệu USD, chiếm 23,7% trong tổng vốn.
Tiếp theo là Hàn Quốc với 172 dự án, vốn đầu tư là 161,4 triệu USD, chiếm 21,4%; Nhật Bản với 111 dự án, vốn đầu tư là 139,1 triệu USD, chiếm 18,5%; Singapore 105 dự án, vốn đầu tư là 118,1 triệu USD, chiếm 15,7%...
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, cũng đã có 97 dự án trên địa bàn thành phố chuyển trụ sở đi tỉnh, thành khác hoặc đề nghị chấm dứt hoạt động với tổng vốn đầu tư 113,1 triệu USD.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, Tp.Hồ Chí Minh đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách có tác động mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo nguồn đầu ra cho hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, thành phố tập trung hoàn thiện môi trường đầu tư và chủ động mời gọi doanh nghiệp nước ngoài để tạo sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Bởi, đây chính là lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế thành phố./.
>>> 8 tháng, thu hút FDI đạt 22,63 tỷ USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục