VITAS kiến nghị bỏ quy định về tăng thuế nhập khẩu đối với xơ polyester

08:19' - 09/10/2017
BNEWS Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương bỏ quy định về tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên 2% đối với xơ polyester.
Công nghiệp 4.0 sẽ là thách thức lớn với ngành dệt may Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), dựa trên nhiều phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp mới đây Hiệp hội có văn bản gửi Thủ tướng Chinh phủ và các bộ ngành đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dệt may.

Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương bỏ quy định về tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên 2% đối với xơ polyester, do các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu là chủ yếu và sản xuất trong nước do nhiều nguyên nhân đến nay chưa đáp ứng được, thậm chí có doanh nghiệp đã ngừng hoạt động như nhà máy xơ sợi Đình Vũ.

Đáng lưu ý, Hiệp hội Dệt may kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ngừng tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 và xem xét điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm về mức hợp lý để doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm tại khu vực nông thôn, miền núi.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Vitas cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng làm tăng nền đóng bảo hiểm xã hội, tăng chi phí nhân công cho doanh nghiệp. Qua khảo sát hơn 20 doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may, chi phí của doanh nghiệp tăng lên rất lớn.

Riêng toàn ngành dệt may, với mức lương tối thiểu tăng lên 6,5% từ năm 2018 thì chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp lên tới hàng nghìn tỷ đồng, riêng chi phí đóng quỹ công đoàn lên tới 500 tỷ đồng trong toàn ngành.

Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Thông tin-Truyền thông sớm tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định điều kiện cấp phép nhập khẩu máy in để in trên sản phẩm dệt may xuất khẩu.

Theo quy định này, chủ doanh nghiệp phải có bằng từ cao đẳng trở lên về ngành in hoặc được Bộ Thông tin-Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in mới được nhập khẩu máy in./.

>>> Doanh nghiệp dệt may kiến nghị không tăng lương và bảo hiểm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục