Vĩnh Phúc phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế

19:45' - 09/12/2019
BNEWS Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2019 tỉnh dự kiến tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) ước đạt 8,66% (kế hoạch tăng 8-8,5%).

Thực hiện phương châm hành động của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, trong năm 2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã sớm ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ và quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý; đánh giá toàn diện chỉ số năng lực cạnh tranh, xây dựng kế hoạch để nâng cao các chỉ số thành phần của tỉnh đạt thấp; đồng thời phân tích, đánh giá, dự báo những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế và từng ngành, lĩnh vực để có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời;

Vĩnh Phúc chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Ảnh: TTXVN

Tỉnh tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách; rà soát để cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức nhiều diễn đàn, chương trình xúc tiến đầu tư hiệu quả, trong đó chú trọng đến hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ.

Tỉnh Vĩnh Phúc khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh và nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, doanh nghiệp để có những chỉ đạo kịp thời giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, bức xúc trên các lĩnh vực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm...

Do vậy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019 tiếp tục phát triển tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2019 tỉnh dự kiến tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) ước đạt 8,66% (kế hoạch tăng 8-8,5%), trong đó ngành công nghiệp – xây dựng tiếp tục là động lực, giữ vai trò chủ lực trong tăng trưởng của tỉnh với mức tăng 12,99%, đóng góp 6,65 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Các lĩnh vực dịch vụ tăng 7,11% đóng góp 1,4 điểm % tăng trưởng chung của tỉnh và thuế thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 3,33% đóng góp 0,77 điểm % tăng trưởng chung của tỉnh.

Ngành chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc chịu ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: TTXVN

Riêng ngành nông, lâm, thủy sản gặp nhiều khó khăn do giá sản phẩm chăn nuôi không ổn định và đặc biệt bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên diện rộng, vì vậy tăng trưởng âm (-2,87%) so với năm 2018 và làm giảm 0,17 điểm % tăng trưởng chung của tỉnh.

Quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh ước đạt 104,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% và tương đương tăng 10 nghìn tỷ đồng so với năm 2018, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 90,5 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng/người/năm so với năm 2018.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp từ 8,28% năm 2018 còn 7,28% năm 2019 và tăng khu vực công nghiệp–xây dựng từ 62,15% lên 63,25%.

Khu vực dịch vụ giảm từ 29,57% còn 29,47% do tăng trưởng thấp hơn khu vực công nghiệp - xây dựng…

Đây là những tín hiệu tích cực, tạo nền tảng quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.

Mặc dù, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ ra một số mặt còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: giải phóng mặt bằng còn khó khăn, tiến độ triển khai các dự án còn chậm, phải điều chỉnh,  môi trường nông thôn còn nhiều ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt, việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập chung chưa thực hiện được, cải cách hành chính chưa được như mong muốn…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục