Vĩnh Phúc hỗ trợ máy nông nghiệp cho nông dân

17:44' - 03/12/2019
BNEWS Năm 2019, Vĩnh Phúc đầu tư hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp chủ yếu là máy vắt sữa bò, máy thái cỏ; máy nghiền, trộn thức ăn chăn nuôi lợn, gà...

Theo báo cáo Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư tỉnh Vĩnh Phúc, để nâng cao hiệu quả sản xuất, Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân; trong đó, chương trình hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị sản xuất với kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng.

Nhiều loại máy nông nghiệp phục vụ cho sản xuất của nông dân. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN.

Cụ thể, năm 2019, Vĩnh Phúc đầu tư hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp chủ yếu là máy vắt sữa bò, máy thái cỏ; máy nghiền, trộn thức ăn chăn nuôi lợn, gà; máy làm đất với tổng số 628 máy, hiện đang triển khai ở các địa phương.

Để nguồn hỗ trợ đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, phát huy tối đa hiệu quả, Vĩnh Phúc tăng cường tuyên truyền, công khai chính sách hỗ trợ mua máy nông nghiệp của tỉnh; phối hợp với phòng nông nghiệp huyện và các xã làm tốt việc thẩm định số lượng máy, loại máy, mức hỗ trợ của từng loại máy;

Các đơn vị hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng… giúp bà con nông dân trong huyện sử dụng máy nông nghiệp vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mức hỗ trợ cho các nông hộ mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp là 50% chi phí mua mới nhưng không quá 75 triệu đồng/máy đối với máy làm đất công suất trên 35 mã lực; máy cấy và máy gặt đập liên hợp, không quá 8 triệu đồng/máy đối với máy lên luống, 25 triệu đồng/máy…

Theo Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư tỉnh Vĩnh Phúc, việc hỗ trợ mua máy nông nghiệp hiện nay tập trung vào các máy phục vụ sản xuất, thu hoạch.

Máy làm đất có công dụng xới đất, lên luống, đánh cỏ, làm đất, rạch rãnh cho các loại cây trồng như lúa, ngô, rau màu,… giúp cho bà con nông dân giảm sức lao động và tăng năng suất lao động được gần 2,5 triệu đồng/ha so với lao động thủ công.

Máy làm đất công dụng phay đất làm cho đất được nhuyễn, giúp cho bà con nông dân dân giảm được công lao động do không phải trực tiếp cày bừa thủ công, giảm được chi phí làm đất từ 80.000 đến 100.000 đồng/sào.

Khi có máy làm đất, máy cấy, máy gặt… việc thực hiện mùa vụ gieo cấy hay thu hoạch lúa rất nhanh chóng. Ảnh: TTXVN.

Khi có máy làm đất, máy cấy, máy gặt…công tác thực hiện mùa vụ gieo cấy hay thu hoạch lúa rất nhanh chóng. Các máy làm đất công suất lớn có thể nghiền nát rơm, rạ dưới mặt ruộng và làm cho rơm rạ phân hủy nhanh, trở thành nguồn hữu cơ, tăng độ màu mỡ cho đất.

Nông dân không phải vận chuyển rơm rạ đi nơi khác hoặc đốt tại đồng ruộng gây khói bụi, ô nhiễm…

Việc đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Phúc góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động trong nông thôn do lực lượng lao động trẻ đang đổ dồn về các khu công nghiệp của tỉnh tìm việc làm ở đây…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục