Việt Nam xuất khẩu rau, quả đạt mức kỷ lục

16:27' - 31/12/2017
BNEWS Giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 12/2017 ước đạt 276 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả cả năm 2017 ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là mức kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 11 tháng qua.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (70,6%), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (57,4%), và Trung Quốc (54,9%)
Cũng trong tháng 12/2017, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả đạt 145 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu rau quả cả năm 2017 đạt 1,56 tỷ USD, tăng 68,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 12/2017, nhiều trái cây có biến động giảm.

Tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân trồng thanh long ruột đỏ rất lo lắng vì giá loại trái cây này đang ở mức 35.000 đồng/kg (loại 1), loại 2 có giá 24.000 – 25.000 đồng/kg, giảm 6.000 – 7.000 đồng/kg so với tháng trước.

Tương tự, thanh long ruột trắng trái vụ tại Bình Thuận đang có mức giá là 6.000 - 8.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá thanh long giảm mạnh thời gian qua là do lượng thanh long cung ứng ra thị trường đang tăng mạnh dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”.
Bên cạnh đó, giá cam tại một số tỉnh phía Bắc như cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Hàm Yên (Tuyên Quang), cam Văn Giang (Hưng Yên)... đều giảm.

Cụ thể, cam Cao Phong có giá bán lẻ trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn so từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với năm ngoái. Nguyên nhân giá giảm là do nguồn cung đang vượt cầu vì người dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng cam.
Thị trường rau củ trong tháng 12/2017 diễn biến khá ổn định và giảm nhẹ vào cuối tháng. Đa phần các loại rau củ gồm bắp cải, cà chua, hoa lơ... tại Lâm Đồng hiện đều giảm so với mức giá đầu tháng.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, thị trường trái cây Việt Nam có nhiều diễn biến chủ yếu phụ thuộc tính thời vụ.

Tuy nhiên, đây là năm “bội thu” của ngành hàng trái cây với giá trị xuất khẩu tăng mạnh và nhiều mặt hàng trái cây đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đối với ngành hàng rau quả, tiềm năng dư địa của thị trường thế giới còn rất lớn.

Nhưng muốn làm tốt khâu này thì cần tập trung cho công tác chế biến. Bởi đây là khâu yếu nhất của Việt Nam lâu nay.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018 sẽ tập trung nhiều hơn ở khâu chế biến. Hiện đã và đang có nhiều nhà máy được khởi công ở 6 vùng kinh tế trọng điểm, với công suất và công nghệ hiện đại.

Cùng với đó, phải tập trung phát triển mạnh hơn về mặt thị trường, không chỉ có thị trường truyền thống mà phải tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các thị trường mới, có tiềm năng.

Như vậy chúng ta phải tập trung đồng bộ cả 3 khâu: phát triển nguyên liệu tập trung theo lợi thế từng vùng miền để lựa chọn đối tượng; tập trung sâu hơn vào khâu chế biến; và mở rộng thị trường…/.
Xem thêm:

>>>Xuất khẩu rau, quả ước đạt 3,16 tỷ USD

>>>Những điều cần biết khi xuất khẩu rau quả sang EU

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục