Việt Nam nâng hạng năng lực cạnh tranh - Bài 4: "Tiếp lửa" cải thiện môi trường kinh doanh

07:36' - 30/10/2019
BNEWS Cộng đồng doanh nghiệp đều ghi nhận những kết quả tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiếp nối Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ ban hành hàng năm về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đầu năm 2019 (Nghị quyết 19), Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/2019/NQ-CP với các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, phân công trách nhiệm thực hiện rõ ràng đối với từng cấp, ngành và địa phương (Nghị quyết 02).

Từ đó, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động hướng tới thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và định hướng tới năm 2021.

Nhìn lại quá trình thực thi các chính sách có liên quan tới doanh nghiệp và căn cứ vào đánh giá khách quan của các tổ chức quốc tế về thành tích xếp hạng của Việt Nam trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp đều ghi nhận những kết quả tích cực.

Việc tiếp cận điện năng, tín dụng ngày càng dễ dàng. Ảnh minh họa: TTXVN

Đó là việc tiếp cận điện năng, tín dụng ngày càng dễ dàng. Việc nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đã thuận lợi và nhanh chóng hơn. Hoạt động đổi mới sáng tạo đã được các cơ quan quản lý Nhà nước chú trọng và tạo điều kiện. Một số cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hóa cho hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả...

Hàng loạt điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ. Quy định về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã cơ bản được đổi mới theo nguyên tắc đánh giá rủi ro và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm với nhiều loại hàng hóa. Số lượng sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã tăng nhanh, tăng mạnh theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp....

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét, Việt Nam đã trở thành mẫu hình thành công của sự ổn định về kinh tế vĩ mô và sự bứt phá về tăng trưởng, về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Việt Nam đã duy trì nhịp độ tăng trưởng trên dưới 7%/năm, cao nhất ASEAN, thuộc nhóm dẫn đầu châu Á và đã vượt lên 10 bậc trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019.

Đây là một kỳ tích và để đạt được những kết quả này là nhờ những chính sách quyết liệt của Chính phủ và sự điều hành trực tiếp, sát sao của lãnh đạo Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhờ có hàng loạt Nghị quyết 19 trước đây và tới nay là Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia – khung khổ nền nảng của công cuộc cải cách thể chế kinh tế, cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam từ năm 2015 đến nay đã thực sự thay đổi theo chiều hướng tích cực".

Mặc dù vậy, dù có sự chuyển biến về môi trường kinh doanh, nhưng không đồng nghĩa với việc Việt Nam có lực lượng doanh nghiệp "hùng hậu" theo đúng nghĩa. Tới thời điểm này, mục tiêu phấn đấu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 như tinh thần của Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tới năm 2020 gần như không thực hiện được.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam mới thành lập đều là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và chỉ có một số ít là doanh nghiệp quy mô vừa. Trong khi vị thế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá cao trên bảng xếp hạng của nhiều tổ chức quốc tế, song quy mô thực tế và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam là quá nhỏ bé và hạn chế so với các doanh nghiệp trong khu vực và trên toàn cầu; nhất là khi so sánh ở một số lĩnh vực cơ bản như vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thương hiệu và quản trị doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam nói chung; trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng hiện nay đang cần nhất một chính sách tốt trong một môi trường bình đằng. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo CEO Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC), đã có nhiều chính sách thuận lợi với nhiều cơ chế được cởi bỏ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, song nhìn vào thực tế, doanh nghiệp vẫn còn vô vàn khó khăn.

Cụ thể là những khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong việc tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm nhà cung cấp hay đối tác hợp tác kinh doanh; khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động sản xuất và khả năng thích ứng trước những biến động của thị trường hay của chính sách pháp luật. Cùng với đó, doanh nghiệp luôn trong tình thế "bấp bênh" với việc tuyển dụng nhân sự, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp...

Qua nhiều năm tiếp xúc và thực hiện nhiều chương trình, dự án nghiên cứu về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) nhận định, xét về chủ quan thì phải thừa nhận thực tế, có tình trạng chủ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thiếu kiến thức kinh doanh; không am hiểu thị trường, nguồn vốn mỏng, khởi nghiệp theo phong trào.

Điều này dẫn tới rất nhiều doanh nghiệp thất bại ngay trong năm đầu tiên khởi nghiệp. Tình trạng doanh nghiệp không am hiểu pháp luật kinh doanh, lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật hoặc ý thức tuân thủ pháp luật kinh doanh kém dẫn tới phải tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể ngày càng tăng...

Việc doanh nghiệp ngừng hoạt động; không đăng ký gây khó khăn trong quản lý Nhà nước về đăng ký kinh doanh và ảnh hưởng đến quyền lợi của chính doanh nghiệp. Hay, tình trạng  doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán đã chấm dứt hoạt động kinh doanh nhưng cũng không báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và không làm thủ tục giải thể doanh nghiệp dẫn tới tình trạng nợ thuế với Nhà nước và các khoản nợ khác bị tồn đọng rất nhiều.

Bên cạnh đó, có doanh nghiệp lại còn cố tình trạng một bộ phận doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật về kinh doanh để trục lợi thông qua việc thành lập doanh nghiệp “ma” và thực hiện các hoạt động kinh doanh bất chính như mua bán hóa đơn VAT, trốn thuế....

Những vấn đề nêu trên để thấy rằng, vẫn còn những khe hở pháp lý cần được nhận diện đúng để siết chặt, bên cạnh việc nới lỏng những điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Muốn làm được điều ấy, chắc chắn cần những nỗ lực nhiều hơn, sự tận tâm, nhiệt huyết nhiều hơn của Chính phủ, các ban ngành địa phương và ngay chính ở cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình này.

Nhìn từ nền tảng chính sách pháp luật liên quan tới kinh doanh hiện nay, ông Đức Thành khuyến nghị, Chính phủ cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho việc thành lập, hoạt động và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, nhất là Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Phá sản, các luật về thuế, lao động, bảo hiểm xã hội…

Theo đó, chú trọng xây dựng khung khổ pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho hộ kinh doanh. Cùng với đó, các chương trình về doanh nghiệp như hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp cần phải được tập trung sâu hơn, kỹ hơn vào các nội dung cơ bản là vốn, công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển thương hiệu và quản trị doanh nghiệp.

Các cá nhân muốn lập nghiệp, khởi nghiệp cần có nhận thức và kiến thức cơ bản về kinh doanh, tránh việc khởi nghiệp, lập nghiệp theo phong trào gây tổn thất về kinh tế cho người dân và xã hội.

Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Đặng Đức Thành cho rằng, giải pháp sống còn mà doanh nghiệp phải lựa chọn để tồn tại chính là tái cấu trúc. Tái cấu trúc doanh nghiệp là hoạt động ngày càng trở nên cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam vốn tồn tại nhiều yếu kém và ít khả năng cạnh tranh.

Đó là tiến trình nâng cao thể trạng của doanh nghiệp trên nền tảng hiện có; là quá trình thực hiện những thay đổi căn bản trong doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho doanh nghiệp để thực hiện những mục tiêu đã đề ra.

Để tái cấu trúc, theo ông Thành, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc thay đổi tư duy quản lý từ các cấp lãnh đạo; cải cách công tác quản lý, xây dựng một sơ đồ tổ chức đúng chuẩn và phù hợp; tái cấu trúc lại các quy trình cung ứng, sản xuất, phân phối, kinh doanh nhằm hợp lý hóa các công việc, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả; tái cấu trúc lại tài chính công ty, tái cấu trúc chiến lược kinh doanh.

Trước những thách thức mới của môi trường kinh doanh cũng như nhu cầu phát triển, cùng với những khó khăn đặc biệt phát sinh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp mới đã và đang làm cho xã hội thay đổi từng ngày, từng giờ…. Việc tái cấu trúc sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể đứng vững, tồn tại và phát triển một cách ổn định và bền vững, ông Thành nhấn mạnh.

Để cải thiện môi trường kinh doanh nhắm tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, trong mấy năm gần đây, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa có dấu hiệu đuối sức trong cạnh tranh và hội nhập. Doanh nghiệp nào tiếp cận và quan hệ tốt với chính quyền sẽ tiếp cận tốt hơn đối với các tài nguyên, đất đai và thể chế...

Để cải thiện vấn đề này, theo ông Nam, song song với việc cung cấp các thông tin pháp luật, các chương trình hỗ trợ, thì cần công khai tiến độ các dự án ở Trung ương để các doanh nghiệp dù ở quy mô nào cũng có thể tiếp cận. Điều này sẽ đảm bảo tính minh bạch, đầy đủ.

“Doanh nghiệp Việt Nam nói chung; trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng hiện nay đang cần nhất một chính sách tốt trong một môi trường bình đằng. Không cần chính sách bắt buộc doanh nghiệp nhỏ và vừa phải trở thành doanh nghiệp lớn. Có như thế mới tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển", ông Nam nhấn mạnh./.

Bài 5: Dư địa thúc đẩy

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục