Việt Nam nâng hạng năng lực cạnh tranh - Bài 3: Trọng tâm là cải cách hành chính

07:26' - 30/10/2019
BNEWS Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cải cách thủ tục hành chính vẫn tiếp tục là hoạt động trọng tâm và được Bộ Công Thương triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã góp phần không nhỏ vào phát triển Chính phủ kiến tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cải cách thủ tục hành chính vẫn tiếp tục là hoạt động trọng tâm và được Bộ Công Thương triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: Ảnh: TTXVN

*Tạo điều kiện thuận lợi

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thời gian qua Bộ Công Thương đã liên tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính. Cùng đó, Bộ Công Thương còn tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành công thương, hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được giao.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh bày tỏ, cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương. Chính vì vậy, lãnh đạo bộ luôn kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các đơn vị tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, công việc này không chỉ ở các con số, cũng không phải thực hiện một lần mà đòi hỏi cả một chặng đường dài nghiên cứu và được cải tiến thường xuyên.

Thống kê cho thấy, Bộ Công Thương là bộ đầu tiên hoàn thành và và đi xung kích trong cắt giảm 675 trong số 1.216 thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm 122.000 ngày công.

Không những vậy, Bộ Công Thương cũng là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa 202/461 điều kiện đầu tư, thủ tục kinh doanh và công bố danh mục 400 trong số 720 mặt hàng kèm mã HS đã cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, giúp tiết kiệm trên 40.000 ngày công.

Đặc biệt,  Bộ Công Thương là một trong số không nhiều cơ quan bộ cung cấp dịch vụ công cấp độ 3-4 đạt mức thực chất cao. Tỷ lệ hồ sơ điện tử của Bộ Công Thương đạt tỷ lệ rất cao lên tới 98,8%.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương chia sẻ, mục tiêu về cải cách hành chính của Bộ Công Thương được đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Đó là việc chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh; phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện gắn với cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Bộ Công Thương đã gạt bỏ lợi ích cục bộ, trở thành Bộ tiên phong trong cắt giảm thủ tục hành chính, năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với đề xuất cắt bỏ hàng loạt thủ tục điều kiện kinh doanh.

Đáng lưu ý, trong tháng 9 vừa qua Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BCT về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực như quản lý thị trường, công thương địa phương, xúc tiến thương mại, lĩnh vực kinh doanh khí, sở giao dịch hàng hóa, xuất nhập khẩu…, từ đó gỡ bỏ không ít rào cản cho tổ chức và cá nhân.

Tuy nhiên, để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao phó, Bộ Công Thương sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là "điểm nghẽn" và là hạn chế của ngành. Mặt khác, tập trung phát huy những thuận lợi, kết quả tích cực đã đạt được trong những năm vừa qua nhằm tạo sức bật và bước phát triển mới.

*Tháo các điểm nghẽn

Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Đại diện cho đơn vị xương sống của Bộ Công Thương, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, đến nay, Cục Xuất Nhập khẩu đã thực hiện bãi bỏ và đơn giản hóa 62 thủ tục hành chính trên tổng số 76 thủ tục hành chính, tương đương 81,6% số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực phụ trách của Cục Xuất nhập khẩu.

Đáng lưu ý, có 2 thủ tục hành chính được bãi bỏ, 7 thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến cấp độ 4 và kết nối Hệ thống Một cửa Quốc gia; 25 thủ tục hành chính được thực hiện qua Internet dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đồng thời cắt giảm thành phần hồ sơ và 28 thủ tục hành chính được đơn giản hoá theo hình thức giảm thành phần hồ sơ hoặc rút ngắn thời gian cấp phép.

Đặc biệt, ngày 1/10 vừa qua đã có thêm 9 thủ tục hành chính của Cục Xuất Nhập khẩu chính thức được thực hiện trực tiếp cấp độ 3 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương.

Hơn nữa, bằng hình thức trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4, khi thực hiện các thủ tục hành chính của Cục Xuất Nhập khẩu, thương nhân gửi hồ sơ xin cấp phép và nhận kết quả qua mạng Internet hoặc qua dịch vụ bưu chính, nhờ đó rút ngắn được thời gian xin giấy phép và giảm thiểu chi phí phát sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo ông Phan Văn Chinh, hiện tại Bộ Công Thương và Cục Xuất Nhập khẩu đang áp dụng trên toàn quốc hệ thống khai báo chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử và cấp C/O qua Internet.

Vì thế, thời gian cấp C/O tại các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực trực thuộc Cục chỉ trong vòng 2 - 4 giờ làm việc. Đặc biệt, có Phòng giải quyết thủ tục trong khoảng 1 giờ làm việc đối với những lô hàng xuất khẩu bằng đường hàng không.

Với số lượng gần một triệu bộ hồ sơ C/O ưu đãi được cấp trong năm 2018 (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15 - 18%/năm), việc quy định công khai, minh bạch quy trình thủ tục và hồ sơ xin cấp phép C/O được đơn giản, hạn chế các mẫu đơn, các yêu cầu chứng thực đã rút ngắn thời gian và giảm đáng kể chi phí lưu trữ, vận chuyển chứng từ không những cho thương nhân xuất nhập khẩu hàng hóa mà còn cả đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Dự kiến trong năm 2020, Cục Xuất Nhập khẩu sẽ tiếp tục triển khai các thủ tục hành chính còn lại (trên 30 thủ tục hành chính) theo hình thức trực tuyến cấp độ 3, 4, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; làm lành mạnh, minh bạch hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Về lĩnh vực sản xuất, ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất cho hay, kể từ khi Thông tư số 49/2018/TT-BCT bãi bỏ Thông tư số 42/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quản lý, kiểm soát tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp có hiệu lực, số lượng hồ sơ giảm khoảng 6.000 hồ sơ/năm, tương đương 50% hồ sơ mà doanh nghiệp không phải xin cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp. Cùng với đó, thời gian trả kết quả thủ tục hành chính cũng giảm từ 7-10 ngày xuống còn 3-5 ngày.

 Riêng khai báo hóa chất thì chỉ sau khi tổ chức, cá nhân hoàn thành điền các thông tin yêu cầu trên internet của một cửa quốc gia sau khoảng 15 giây là đã nhận được kết quả phản hồi tự động của hệ thống, xóa bỏ khoảng 70.000 bộ hồ sơ giấy/năm.

Theo ông Lưu Hoàng Ngọc, hiện tại Cục Hóa chất đang đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính đã được công bố trong bộ thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phụ trách để hoàn thành các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong những năm tiếp theo.

Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, Bộ Công Thương với vai trò quản lý đa ngành, đa lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống an sinh xã hội của các tổ chức và người dân nên việc thực hiện cải cách hành chính cũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Hơn nữa, chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất liên quan đến cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính còn nhiều, tần suất thực hiện dày đã trở thành gánh nặng cho các đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các bộ, ngành và địa phương.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ do các đơn vị có thủ tục hành chính thuộc bộ không tập trung.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, tới đây Bộ Công Thương tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức; tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức đầu mối về cải cách hành chính của Bộ Công Thương.

Mặt khác, Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, làm tốt hơn nữa việc xây dựng khung pháp lý, quy hoạch phát triển khối nhà nước và tạo cơ chế kinh doanh thông thoáng, triển khai đồng bộ hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển./.
Bài 4: "Tiếp lửa" cho cải thiện môi trường kinh doanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục