Việt Nam mới chiếm 6% thị phần thế giới về gỗ và sản phẩm gỗ

18:09' - 22/04/2018
BNEWS Thị trường gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu trị giá hơn 120 tỷ USD/năm, trong khi cung ứng từ Việt Nam chỉ chiếm 6% trong số này.
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu ở Bình Dương. Ảnh: TTXVN

Ông Phạm Hồng Lượng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thị trường gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu trị giá hơn 120 tỷ USD/năm, trong khi cung ứng từ Việt Nam chỉ chiếm 6% trong số này.
Nhu cầu đồ gỗ nội thất trên thế giới luôn tăng trưởng trong nhiều năm gần đây, trong khi sản xuất đồ nội thất luôn là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc còn nhiều dư địa cho sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam.
Theo ông Phạm Hồng Lượng, hiện có gần 4.000 doanh nghiệp chế biến gỗ; trong đó, có khoảng 1.500 doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu. Những doanh nghiệp còn lại sản xuất chế biến hàng gia công xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa.

Đây là lực lượng đông đảo, luôn chủ động, sẵn sàng tạo sự tăng trưởng tốt khi có những điều kiện thuận lợi về nguồn nguyên liệu, các cơ chế, chính sách và tín hiệu thị trường.
Hiện tại và tương lai gần, áp lực cạnh tranh thị trường trực tiếp của các doanh nghiệp Việt Nam không cao do một số quốc gia bị kiện chống bán phá giá.

Tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp còn nhiều vì xuất phát điểm của ngành chế biến gỗ thấp, có khả năng tiếp tục tăng thị phần, tận dụng được nguồn nguyên liệu phần lớn là trong nước, cùng với lực lượng lao động trẻ dồi dào, năng lực cạnh tranh toàn ngành tốt.
Hơn nữa, Luật Lâm nghiệp mới được ban hành, cùng với đó là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết; đặc biệt là Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) sẽ thiết lập hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện mở rộng thị trường, thúc đẩy ngành chế biến gỗ và thương mại lâm sản phát triển.
Về thị trường trong nước, mức tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ đang ở mức thấp so với bình quân của thế giới. Bình quân Việt Nam sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 30 USD/người/năm, trong khi thế giới khoảng 72 USD/người/năm.

Thị trường tiêu thụ nội địa có xu hướng gia tăng bởi tốc độ đô thị hoá, nhu cầu sử dụng đồ gỗ vẫn luôn duy trì ở mức cao. Bên cạnh đó, những tín hiệu tăng trưởng trở lại của thị trường bất động sản sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ nội thất.
Với những yếu tố trên, năm 2018, ngành chế biến gỗ và thương mại lâm sản Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD. Đây là mục tiêu khả thi, ông Phạm Hồng Lượng nhận định.
Hiện Việt Nam là quốc gia đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới (sau Trung Quốc, Đức, Italia và Ba Lan) về kim ngạch xuất khẩu lâm sản.

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt rất ấn tượng với mức tăng trưởng kỷ lục (10% so với 2016) trong vòng 5 năm trở lại đây, đạt 8,032 tỷ USD. Con số này đã vượt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đặt ra đến năm 2020 là 7,8 tỷ USD trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục