Việt Nam -Hoa Kỳ ký Hiệp định hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan

20:22' - 06/12/2019
BNEWS Bộ Tài chính và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã ký Hiệp định về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đại diện một số Bộ, ngành.
Lễ ký kết giữa các bên. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Chiều 6/12, tại Hà Nội, thừa ủy quyền của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ, Bộ Tài chính và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã ký kết Hiệp định về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đại diện một số Bộ, ngành.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trên cơ sở mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, với mục tiêu tăng cường hoạt động hợp tác thực chất giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Hoa Kỳ, hải quan hai nước đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán và trao đổi để thống nhất nội dung của Hiệp định cũng như hoàn thành các thủ tục nội bộ theo yêu cầu của mỗi bên vào tháng 10/2019 để có thể ký kết chính thức vào hôm nay.

Hiệp định về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan sẽ tạo nền tảng pháp lý cho mối quan hệ chính thức và triển khai hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa hải quan hai nước, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Hiệp định còn khẳng định chủ trương, đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong việc tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và là một trong các biện pháp hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam về tạo thuận lợi thương mại trong các khuôn khổ hợp tác song phương. Đồng thời là hoạt động góp phần thực hiện chủ trương cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ được ban hành hàng năm từ 2014 đến nay.

Ông Mai Xuân Thành cho biết, Hiệp định này được xây dựng dựa trên cơ sở mẫu Hiệp định tương trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan do Tổ chức Hải quan Thế giới khuyến nghị các cơ quan hải quan thành viên; trong đó, đưa ra các phạm vi hỗ trợ và cách thức thực hiện các yêu cầu hỗ trợ giữa cơ quan hải quan hai nước dưới dạng trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn, phát hiện, điều tra và đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ của hai cơ quan hải quan. Phạm vi hỗ trợ thực hiện phù hợp với các quy định luật pháp quốc gia của mỗi bên và phù hợp với thẩm quyền, nguồn lực sẵn có của cơ quan hải quan hai nước.

Về mặt kinh tế - xã hội, việc ký kết và thực hiện Hiệp định với các hoạt động hợp tác thực chất sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp hai nước và tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Ngoài ra, cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên và kịp thời được thiết lập khi Hiệp định có hiệu lực sẽ góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống các vi phạm hải quan, gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa, giúp thu đúng, thu đủ các khoản thu cho ngân sách. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn cho hoạt động thương mại đầu tư kinh doanh giữa hai nước, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi nước.

Ngay sau khi Hiệp định được ký kết, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ thực hiện các thủ tục nội bộ để Hiệp định có hiệu lực. Trên cơ sở đó, các bên sẽ trao đổi, thống nhất kế hoạch, lộ trình cũng như cách thức để triển khai các nội dung đã cam kết trong Hiệp định.

Theo Phó Tổng cục tưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, nội dung cam kết tại Hiệp định gồm: Cung cấp hỗ trợ dưới dạng thông tin nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật hải quan và tính chính xác thuế hải quan và các thuế khác bởi cơ quan hải quan của mỗi nước; cho phép việc di chuyển hàng hóa bất hợp pháp ra khỏi, quá cảnh qua hoặc vào lãnh thổ của mỗi nước trong phạm vi kiểm soát của mình, căn cứ thỏa thuận lẫn nhau trong từng trường hợp cụ thể, bao gồm cả việc xem xét các chi phí và nguồn lực phù hợp.

Đồng thời, thực hiện cung cấp và trao đổi bản gốc hoặc bản sao có chứng thực của hồ sơ tài liệu căn cứ quy định luật pháp có liên quan của mỗi bên; thực hiện các hoạt động kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ vi phạm hải quan hoặc hợp tác với bên yêu cầu trong việc điều tra, xác minh vi phạm hải quan bao gồm việc cho phép cán bộ của bên yêu cầu có mặt tại lãnh thổ của bên được yêu cầu để hỗ trợ việc thực hiện yêu cầu.

Phát biểu tại Lễ ký kết, bà Caryn McClelland, Đại biện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay 2 nước đã có những bước phát triển vượt bậc và trở thành “đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy”. Kim ngạch thương mại hai chiều của 2 nước là 60 tỷ đô la Mỹ. Ngày càng có nhiều hơn các công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam và điều đó chứng tỏ giá trị của con người Việt Nam được đánh giá cao.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, việc ký kết Hiệp định này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo nền tảng pháp lý cho mối quan hệ chính thức và cơ chế hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi thông tin giữa hai cơ quan hải quan nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh: Trong bối cảnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng tăng, các hoạt động hỗ trợ và hợp tác giữa hai bên theo Hiệp định sẽ đem lại những đóng góp thực chất cho công tác đấu tranh chống các hoạt động gian lận, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa qua lãnh thổ của một bên nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Hiệp định này cũng là dấu mốc quan trọng hướng tới kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào năm 2020, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Với tư cách là cơ quan đầu mối triển khai Hiệp định, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) sẽ trao đổi, làm việc cụ thể với Hải quan Hoa Kỳ để thống nhất kế hoạch, lộ trình cũng như cách thức triển khai các nội dung đã cam kết tại Hiệp định, đảm bảo thực hiện hiệu quả, thực chất, đóng góp thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan hải quan mỗi nước và thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng mở rộng, bền vững.../.

Xem thêm:

>>Cải cách thủ tục thuế: Góc nhìn của doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục