Vì sao Nhật Bản chọn ENE-FARM cho các công trình phục vụ Olympic?

16:11' - 16/05/2019
BNEWS Nhật Bản đang gấp rút xây dựng làng vận động viên Olympic và dự kiến sẽ lắp đặt các hệ thống tế bào nhiên liệu ENE-FARM để đáp ứng nhu cầu điện và nước nóng cho các căn hộ và công trình công cộng.
Ông Norihiko Kawamura, chuyên gia Panasonic, giới thiệu về ENE-FARM. Ảnh: Đào Tùng/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nhật Bản sẽ đăng cai tổ chức 2 sự kiện thể thao quan trọng là Olympic và Paralympic vào năm 2020.

Đây sẽ là lần thứ 2 nước này đăng cai tổ chức Olympic và là sự kiện thể thao lớn đầu tiên ở Nhật Bản sau Olympic mùa Đông ở Nagano năm 1998.

Để chuẩn bị, Chính phủ Nhật Bản đang gấp rút xây dựng làng vận động viên Olympic và dự kiến sẽ lắp đặt các hệ thống tế bào nhiên liệu ENE-FARM để đáp ứng nhu cầu điện và nước nóng cho các căn hộ và công trình công cộng ở đó.

Câu hỏi đặt ra là vì sao ENE-FARM lại được lựa chọn trong các công trình phục vụ cho sự kiện quan trọng như vậy?

Năm 2009, hệ thống tế bào nhiên liệu mang tính chất thương mại đầu tiên trên thế giới đã xuất hiện trên thị trường.

Đó là hệ thống tế bào nhiên liệu hydro dùng cho các hộ gia đình ENE-FARM do tập đoàn Panasonic của Nhật Bản phát triển.

Ông Norihiko Kawamura, Trưởng phòng kinh doanh hệ thống năng lượng thông minh thuộc Công ty Thiết bị của Tập đoàn Panasonic (Nhật Bản), cho biết ENE-FARM là một hệ thống tế bào nhiên liệu sử dụng phản ứng hóa học giữa hydro và oxy để tạo ra đồng thời cả điện và nước nóng cho các hộ gia đình.

Nguồn nguyên liệu đầu vào để tạo ra phản ứng hóa học cho ENE-FARM chính là khí đốt (gas).

Ưu điểm của ENE-FARM chính là việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng để tạo ra nguồn điện siêu sạch với lượng khí CO2 phát thải ra môi trường thấp hơn rất nhiều so với các nhà máy nhiệt điện.

Nạp nhiên liệu cho hệ thống ENE-FARM trong ô tô ở thành phố thông minh Tsunashima. Ảnh: Đào Tùng/TTXVN

Bên cạnh đó, ENE-FARM giúp các hộ gia đình cắt giảm chi phí sinh hoạt bởi có thể tận dụng nguồn nước nóng tạo ra trong quá trình phát điện để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Và do lắp đặt ngay tại hộ gia đình nên ENE-FARM giúp giảm tỷ lệ thất thoát điện năng trong quá trình truyền tải.

Thế hệ thứ 5 của ENE-FARM được tung ra thị trường vào năm 2017 có công suất 200W, trọng lượng 65kg, diện tích chiếm chỗ 1,7m2 và độ bền lên tới 90.000 giờ.

Theo dự kiến, năm 2019, Panasonic sẽ tiếp tục tung ra phiên bản ENE-FARM mới cho các hộ gia đình, với công suất và độ bền không thay đổi so với phiên bản 2017 nhưng trọng lượng giảm còn 59kg và diện tích chiếm chỗ còn 1,5m2.

Ông Kawamura cho biết mỗi hệ thống ENE-FARM (phiên bản 2019) giúp giảm 1,4 tấn CO2/năm.

Ông Kawamura cho biết hiện tại, chi phí phát điện của ENE-FARM ở Nhật Bản vào khoảng 25 yên/kWh, gần tương đương với giá bán điện của các công ty điện lực.

Tuy nhiên, điều quan trọng là ENE-FARM không chỉ phát điện mà còn tạo ra nước nóng phục vụ cho sinh hoạt của các hộ gia đình.

Chính vì vậy, đến tháng 6/2018, Panasonic đã bán ra khoảng 140.000 trong tổng số 270.000 hệ thống tế bào nhiên liệu tiêu thụ ở Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng tổng số hệ thống tế bào nhiên liệu ở nước này lên 5,3 triệu chiếc vào năm 2030./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục