Vì sao Mỹ gia tăng sức ép tài chính lên LHQ?

06:30' - 01/01/2018
BNEWS Theo tờ The New York Times, thời gian gần đây có ít nhất 4 lần chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gắn sự ủng hộ tài chính dành cho LHQ với việc tổ chức này phải đáp ứng những yêu sách của Mỹ.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN

Trước tiên, Tổng thống Trump và Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki R. Haley nổi giận trước việc tất cả những nước có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), trừ Mỹ, phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và quyết định đặt sứ quán Mỹ tại đây.

Sau đó, ông Trump thách thức Đại Hội đồng LHQ "theo gót" HĐBA hành động tương tự. Ông nói: "Hãy cứ để họ bỏ phiếu chống lại chúng ta. Chúng ta sẽ tiết kiệm được khối tiền".

Khi Đại Hội đồng bỏ phiếu phản đối Mỹ với tỷ lệ 128/9, bà Haley nói rằng bà sẽ "điểm danh" và nhớ lại ngày này khi Mỹ bị yêu cầu hỗ trợ tài chính cho những quốc gia không đồng ý với quan điểm của Mỹ về Jerusalem.

Theo bà, những lá phiếu chống lại Mỹ sẽ khiến Mỹ thay đổi "cách nhìn nhận về những quốc gia không tôn trọng chúng tôi tại LHQ".

Sau đó vào ngày 24/12/2017, khi các thành viên LHQ đạt được nhất trí về ngân sách 5,4 tỷ USD cho tài khóa 2018-2019, bà Haley đã ra tuyên bố nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong việc thực hiện khoản cắt giảm 285 triệu USD, với ngụ ý rằng sẽ còn nhiều khoản bị cắt giảm hơn nữa.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley. Ảnh: AFP

Bà Haley nói: "Chúng tôi sẽ không để cho sự hào phóng của người Mỹ bị lợi dụng hoặc tiếp tục không được kiểm soát". Bà cho rằng trong tương lai, "chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét những biện pháp để tăng cường tính hiệu quả của LHQ trong khi vẫn bảo vệ những lợi ích của chúng tôi".

Chắc chắn đây không phải là lần đầu tiên bà Haley nói bóng gió đến việc dùng đòn bảy tài chính của Mỹ để gây ảnh hưởng đến LHQ. Khi nhậm chức vào tháng 1 năm nay, bà đã cảnh báo rằng "các ngài sẽ chứng kiến sự thay đổi trong cách làm việc của chúng tôi".

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng từng nói rằng một số bộ phận của tổ chức này cần phải trở nên hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc gắn sự hào phóng của người Mỹ với sự ủng hộ Mỹ tại LHQ đã trở thành một chủ đề mang tính định kỳ đối với ông Trump, người từng mô tả tổ chức 72 tuổi ra đời sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai này là một “câu lạc bộ” để các nhà lãnh đạo tới tán gẫu.

Nhiều cử tri “ruột” của ông Trump cho rằng tổ chức này chuyên chống Mỹ. Khi khoản cắt giảm ngân sách 285 triệu USD được đưa tin trên trang Breitbart News - một tổ hợp truyền thông ủng hộ ông Trump - độc giả đã có phản ứng rất phấn khởi, và một số người lập luận rằng cần phải giảm toàn bộ phần đóng góp của Mỹ.

Trong khi đó, những người chỉ trích cách tiếp cận của ông Trump đối với Mỹ lập luận rằng việc Mỹ không tôn trọng thỏa thuận về những khoản đóng góp tài chính cho LHQ có thể gây phương hại tới Mỹ. Họ cho rằng ông Trump không nên kỳ vọng những nước khác làm theo sự dẫn dắt của ông chỉ bởi Mỹ đóng góp nhiều nhất cho ngân sách LHQ.

Sau cuộc bỏ phiếu về Jerusalem, Stewart Patrick, thành viên kỳ cựu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, nói: "Đặc trưng của chính quyền này là không quan tâm tới những lợi ích mà nước Mỹ thực sự thu được từ một hệ thống được ràng buộc bằng những nguyên tắc với các thể chế quốc tế. Đây không phải là thứ mà chúng ta có thể xử lý theo cách buôn bán đơn thuần".

Ngân sách của LHQ được xây dựng trên cơ sở đóng góp của các quốc gia thành viên. Tỷ lệ đóng góp được thông qua tại Đại hội đồng LHQ căn cứ vào chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân trong giai đoạn 10 năm, thu nhập bình quân đầu người và nợ nước ngoài.

Mỹ hiện là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách của LHQ với tỷ lệ trên 20%. Mỹ đã thanh toán khoảng 1,2 tỷ USD cho ngân sách 5,4 tỷ USD của tài khóa 2016-2017. Mỹ cũng là nước đóng góp tài chính lớn nhất (28,5%) cho ngân sách gìn giữ hòa bình của LHQ trị giá 6,8 tỷ USD cho tài khóa 2017-2018.

Giờ đây, bà Haley được ghi nhận là có công khiến LHQ cắt giảm ngân sách mà theo bà là cao hơn 500 triệu USD so với mức cần thiết. Bà cũng bóng gió nói rằng: "Chúng ta mới chỉ bắt đầu".

Theo Phái đoàn Mỹ tại LHQ, những khoản cắt giảm ngân sách mà LHQ đạt được hôm 24/12/2017 bao gồm một loạt các mức giảm chi phí đi lại, tư vấn và những khoản khác.

Việc cắt giảm này cũng bao gồm cả hoạt động thắt chặt những quy định về vấn đề đền bù và những phương pháp mới để tận dụng tối đa trụ sở của LHQ ở New York nhằm giảm bớt nhu cầu đối với những không gian phải thuê đầy tốn kém./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục