Vì một nền tài chính quốc gia minh bạch, hiệu quả

09:16' - 01/01/2019
BNEWS Nhận định của các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên trong cộng đồng ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tạo được uy tín trong khu vực cũng như trên thế giới về lĩnh vực kiểm toán công.
 Quang cảnh Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 53. Ảnh: TTXVN
Sau 24 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Sau Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 được tổ chức gần đây, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018 - 2021 đã khẳng định năng lực, vị thế của Kiểm toán nước Việt Nam trên trường quốc tế.

*Trưởng thành và uy tín

Theo nhận định của các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên trong cộng đồng ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam mới trải qua 24 năm xây dựng và phát triển nhưng đã trưởng thành rất nhanh chóng và tạo được uy tín trong khu vực cũng như trên thế giới về lĩnh vực kiểm toán công.

Thực tế cho thấy, hơn 20 năm là thành viên của ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã không ngừng củng cố tiếng nói và vai trò của mình trong quá trình phát triển của tổ chức, đồng thời đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình hợp tác hội nhập cũng như nâng cao năng lực kiểm toán của các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên trong cộng đồng ASOSAI. Bên cạnh đó, các hoạt động phối hợp kiểm toán chung với các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên đã góp phần tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực.

Những năm qua, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước Việt đã cung cấp những thông tin kịp thời, có độ tin cậy và tính thuyết phục cao cho Nhà nước về thực trạng cơ chế và thể chế quản lý. Từ đó, giúp Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách quản lý, hệ thống định mức phân bổ ngân sách, định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu, tăng cường và minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính; tài sản công của các bộ, ngành, địa phương đơn vị được kiểm toán nhằm “bịt các lỗ hổng” trong quản lý, điều hành ngân sách.

Việc triển khai Kế hoạch kiểm toán hằng năm, Kiểm toán Nhà nước đã có những đóng góp quan trọng vào việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Trong 5 năm qua (2013-2017), Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý hơn 195 nghìn tỷ đồng; chuyển hàng chục vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, cung cấp nhiều bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh rằng, sau hơn hai thập kỷ trưởng thành và phát triển, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chứng tỏ được vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, trở thành công cụ hữu hiệu giúp Quốc hội giám sát hiệu quả nền tài chính quốc gia.

Quốc hội ghi nhận sự chủ động của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong việc áp dụng các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tăng cường năng lực của đội ngũ kiểm toán viên và hiệu quả hoạt động trong một số lĩnh vực kiểm toán mới, như: kiểm toán hoạt động, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán nợ công và đặc biệt là kiểm toán môi trường.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Qua theo dõi và nghiên cứu báo cáo, có thể nói con số kiến nghị về xử lý tài chính trong năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước là cao nhất từ trước đến nay. Với kết quả này, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, ít nhất là trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán.

Cùng với kiến nghị xử lý tài chính, kết quả kiểm toán với những kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn đã đóng góp tích cực trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Nhà nước.

*Đẩy mạnh hợp tác, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Suốt hơn 2 thập kỷ qua, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều đóng góp và luôn khẳng định được vai trò của mình trong tiến trình đổi mới kinh tế - xã hội toàn diện của đất nước. Với việc trở thành Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14, nhiệm kỳ 2018 -2021 cho thấy sự ghi nhận của bạn bè quốc tế dành cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.

Từ một cơ quan trực thuộc Chính phủ và dần trở thành một cơ quan do Quốc hội bầu và tuân thủ theo pháp luật chỉ thực hiện vấn đề tài sản công, qua thực tiễn hoạt động, Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định địa vị pháp lý hết sức quan trọng của mình đã được hiến định tại Hiến pháp từ năm 2013. Chặng đường hơn 2 thập kỷ hình thành và phát triển của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam luôn gắn liền với sự nghiệp đổi mới và hội nhập, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua. Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn năm 2010 đã xác định: Phát triển Kiểm toán Nhà nước trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công quan trọng, có uy tín và trách nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong những năm vừa qua đã đóng góp tích cực vào công việc thẩm tra quyết toán ngân sách hàng năm. Kiểm toán Nhà nước đã đi sâu giải quyết được những vấn đề đặt ra trong tình hình mới khi thực hiện việc kiểm toán theo các chuyên đề, lĩnh vực có yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý của nhà nước như vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản, lĩnh vực chi tiêu liên quan đến những hoạt động tài chính....

Đặc biệt, việc kiểm soát của Kiểm toán đã góp phần tăng thu cho ngân sách và giảm được các khoản chi tiêu bất hợp lý. Những số liệu được Kiểm toán Nhà nước công bố trong năm vừa qua tăng lên đã góp phần vào việc đưa hoạt động quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công đi vào nền nếp, ngày một công khai minh bạch và có hiệu quả hơn; làm căn cứ giúp cho Quốc hội có thể đưa ra được những quyết định đúng đắn về những chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là trong lĩnh vực tài chính và ngân sách.

 Đồng chí Hồ Đức Phớc Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Trong hợp tác quốc tế, những năm qua, cùng với quá trình đổi mới toàn diện, Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tích cực đóng góp vào các cơ chế đa phương. Là thành viên có trách nhiệm của các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, Việt Nam đã đăng cai nhiều sự kiện quốc tế lớn như: Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á năm 2010, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU 132 năm 2015, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26), Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN-2018)…

Thành công của những sự kiện này không chỉ khẳng định tầm quan trọng của một diễn đàn đa phương, một cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu mà còn thể hiện vai trò, vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Hoạt động đối ngoại của Kiểm toán Nhà nước vừa góp phần vào việc nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam học tập kinh nghiệm kiểm toán của các nước trên thế giới. Chính vì vậy, việc đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI tại Việt Nam cho thấy Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được cộng đồng ASOSAI đánh giá rất cao, góp phần nâng cao vị thế hoạt động đối ngoại của nhà nước Việt Nam trong đó có hoạt động của Quốc hội.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Tính đến nay, có hơn 900 lượt công chức Kiểm toán Nhà nước tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng do chuyên gia nước ngoài giảng dạy về kiến thức và kinh nghiệm kiểm toán mới như: kiểm toán điều tra, phát hiện gian lận và tham nhũng, kiểm toán tài nguyên khoáng sản, kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin, trong số đó có 14 kiểm toán viên đào tạo dài hạn về kiểm toán hoạt động tại Canada, là lĩnh vực kiểm toán hoàn toàn mới đối với Kiểm toán Nhà nước. Bên cạnh đó với hơn 300 lượt chuyên gia ngắn và dài hạn sang Việt Nam để đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực kiểm toán mới phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Kiểm toán Nhà nước.

Trong những năm qua, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện nhiều cuộc kiểm toán đối với các chương trình dự án có nguồn kinh phí từ Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch, Cơ quan Phát triển quốc tế Úc, Cơ quan Phát triển quốc tế Canada, Bộ Ngoại giao và Thương mại Ai-len…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục