Vì một học đường xanh ở Quảng Ngãi

12:52' - 27/01/2020
BNEWS Nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, thời gian qua, nhiều trường học ở Quảng Ngãi đã triển khai các mô hình nhằm chống rác thải nhựa, vì một học đường xanh.
Học sinh tận dụng rác thải nhựa làm sản phẩm trang trí. Ảnh: Đinh Hương/TTXVN

Từ nhiều năm nay, Trường Trung học cơ sở Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện mô hình "Thùng rác tiết kiệm" để học sinh phân loại rác.

Mô hình được triển khai bằng việc bố trí các thùng rác tại sân trường và ở từng dãy phòng học. Mỗi dãy phòng có 1 thùng rác nhỏ và 1 sọt rác để học sinh bỏ rác, đồng thời phân loại từng loại rác thải.

100% học sinh của nhà trường đã biết cách phân loại rác thải, hiểu về ý nghĩa của việc phân loại rác thải tại nguồn và tạo ra nguồn thu nhập từ rác tái chế; hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi, làm mất vệ sinh môi trường.
Em Võ Thị Xuân Mai, học sinh của Trường Trung học cơ sở Đức Chánh cho hay, được sự tuyên truyền của các thầy, cô giáo, chúng em đã biết những loại rác nào có thể tái chế, những loại rác khó phân hủy. Từ đó, chúng em thu gom và phân loại rác theo đúng sự hướng dẫn của thầy, cô giáo.
Cuối mỗi tuần, bằng việc bán các loại rác thải có thể tái chế như giấy vụn, lon nước, vỏ bút… đã qua phân loại, học sinh Trường trung học cơ sở Đức Chánh gây quỹ được từ 20.000 - 30.000 đồng để ủng hộ bạn nghèo trong trường.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đức Chánh Nguyễn Thị Sen cho biết, thông thường các em hay vứt rác bừa bãi, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí vì rác thải có nhiều loại, có những loại khó phân hủy nhưng cũng có những loại có thể tái chế.

Do đó, Ban Giám hiệu nhà trường triển khai mô hình "Thùng rác tiết kiệm" để vừa nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường, vừa gây quỹ để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thực tế cho thấy, mô hình tuy nhỏ nhưng ý nghĩa mang lại rất tích cực, tập thể giáo viên và học sinh thực hiện rất tốt.

Giờ ra chơi của học sinh. Ảnh: Đinh Hương/TTXVN

Trường Trung học phổ thông Võ Nguyên Giáp, thành phố Quảng Ngãi, đã 2 năm nay thực hiện mô hình thu gom rác tái chế với tên gọi "Thùng rác thân thiện vì bạn vì môi trường".

Việc phân loại rác thải giúp học sinh ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời nguồn quỹ gây dựng từ thùng rác xanh đã giúp nhiều bạn vượt khó vươn lên trong học tập. Nhà trường bố trí mỗi lớp 2 giỏ đựng rác, một giỏ đựng rác tái chế như chai nhựa, giấy báo và một giỏ đựng các loại rác thải còn lại.

Sau khi phân loại, các em sẽ đổ rác tái chế vào khu vực riêng để bán, giỏ rác còn lại được đổ khu vực riêng để mang đi phân hủy theo đúng quy định. Việc thực hiện phân loại rác tuy tốn công hơn so với việc dọn vệ sinh và gom rác chung vào 1 thùng như trước đây, nhưng đã được học sinh hưởng ứng tích cực vì nhiều ý nghĩa thiết thực.
Học sinh Nguyễn Đoàn Phương Thảo, Trường Trung học phổ thông Võ Nguyên Giáp chia sẻ: Rác tái chế được chúng em không chỉ dùng để bán phế liệu, mà còn được sử dụng để làm những đồ dùng hữu ích như bình hoa, giỏ, hộp đựng bút... Khi thấy mô hình này ở trường hiệu quả thì bản thân em đã triển khai thực hiện tại nhà.
Việc phân loại rác đã giúp học sinh ý thức hơn về vấn đề bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chính từ mô hình "Thùng rác vì bạn vì môi trường" này mà thời gian qua Trường đã gây được quỹ vì bạn nghèo học giỏi.
Bí thư Đoàn trường Trường Trung học phổ thông Võ Nguyên Giáp Đậu Hiếu Thương cho hay, ngay từ ban đầu, Ban Giám hiệu nhà trường cùng Đoàn trường đã đưa ra ý tưởng làm thế nào để các em thấy được ý nghĩa nhân văn do mô hình mang lại.

Vì vậy, sau khi các em phân loại rác, nhà trường đã tạo nguồn quỹ và công khai số tiền có được. Sau 2 năm thực hiện, từ số tiền gần 2,6 triệu đồng thu được từ việc bán rác tái chế, nhà trường sử dụng vào những việc làm hữu ích như trao học bổng cho 8 học sinh nghèo vượt khó. Tuy số tiền không nhiều (200 nghìn đồng/em) nhưng đó là nguồn động viên, khích lệ đối với các em.
Trường học xanh - sạch -  đẹp có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục học sinh về hành vi, thái độ, thói quen giữ gìn bảo vệ môi trường tại trường học và môi trường xung quanh. Hình thành nhân cách tốt đẹp và lối sống văn minh, văn hóa cho thế hệ trẻ ngay từ cấp học, bậc học nhỏ nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục