Về miền ký ức hào hùng - Bài 2: Anh hùng toàn những gái xuân xanh

20:34' - 26/07/2019
BNEWS Dù mái tóc đã điểm bạc, cuộc sống còn bộn bề những khó khăn, vất vả, nhưng những nữ dân quân năm xưa vẫn ngày đêm cùng gia đình bám biển, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Mảnh đất Ngư Thủy Anh hùng đón chúng tôi bằng cái nắng như thiêu như đốt. Nhưng dường như điều đó chẳng có nghĩa lý gì khi các nữ pháo thủ của Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy năm xưa đã có mặt từ sớm trong bộ quân phục màu xanh thân thương.

Hai thế hệ nhanh chóng trở nên gần gũi sau cái bắt tay đầu tiên. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Những cô gái Ngư Thủy tuổi đôi mươi phơi phới năm nào giờ tóc đã điểm bạc, có người mắt đã mờ, chân đi không vững. Ai nấy đều ướt đầm mồ hôi, nhưng chỉ sau cái bắt tay ban đầu, những chứng nhân lịch sử và thế hệ được ra sinh sau chiến tranh như chúng tôi bỗng chốc gần gũi lạ thường. Cứ như thế, những câu chuyện như những thước phim ngược dòng thời gian được trình chiếu lại. Người kể và người nghe dường như hòa chung một cảm xúc.  Khi biết có Đoàn đến thăm hỏi, o Nguyễn Thị Thêm ở xã Ngư Thủy Bắc rất xúc động và sắp xếp việc nhà từ mấy hôm trước để dành thời gian đón Đoàn và ôn lại kỷ niệm xưa.

Trong ký ức của mình, o Thêm vẫn nhớ như in những năm tháng cùng đồng đội dùng pháo 85 ly bắn máy bay, tàu chiến của Hải quân Mỹ. Gương mặt nay đã sạm màu sương gió, nhưng trong o vẫn ánh lên niềm tự hào khi nhắc lại những kỷ niệm ngoài trận địa.

Những câu chuyện như những thước phim ngược dòng thời gian được trình chiếu lại. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Xuyên suốt những câu chuyện các o kể là tinh thần xung kích vì quê hương, đất nước, không hề lùi bước trước mọi hiểm nguy và cái chết cận kề. Trong lời kể của các o có cả những giọt nước mắt lăn dài trên má khi nhắc đến các đồng đội đã khuất và đón nhận những món quà tri ân. Cuộc sống thời bình nơi miền quê gió Lào, cát trắng dường như chưa hết khốc liệt, vẫn còn đó những nỗi lo thường nhật.

Và điều đáng nói là đến nay các o vẫn chưa được hưởng chế độ, chính sách của người có công với cách mạng. O Ngô Thị Thới, Chính trị viên Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy giai đoạn 1970 - 1977 cho biết, bà đã nhiều lần làm đơn gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp cho chị em, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận bởi lý do Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy là đơn vị dân quân xung phong chứ không phải lực lượng quân đội chính quy. 52 năm trước, vào ngày 20/11/1967, Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Bình quyết định thành lập Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy giữa lúc giặc Mỹ đang điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc, đặc biệt là vùng biển Quảng Bình. Biên chế của Đại đội lúc đầu chỉ gồm 37 người, sau tăng lên 91 nữ cán bộ, chiến sỹ. 

Trong đó người nhiều tuổi nhất là 27 tuổi, thậm chí có người mới 16 tuổi, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn họ đã đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và chỉ sau một tháng huấn luyện đã nắm bắt được những kỹ thuật và sử dụng thành thạo các khí tài quân sự. 

Với thành tích đạt được trong 10 năm đầu chiến đấu, xây dựng, Đại đội được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương chiến công hạng Nhất và nhiều Bằng khen, Giấy khen, Huy chương, Huy hiệu của Trung ương, địa phương. 

Năm 1970, Nhà nước phong tặng cho Đại đội danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày thống nhất đất nước, các chị chuyển sang nhiệm vụ dân quân thời bình. 

Tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng của các nữ pháo binh Ngư Thủy là những tấm gương kiên trung, bất khuất cho chúng tôi - những chiến sỹ trên mặt trận thông tin noi theo. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Những món quà tri ân đã được chúng tôi, đại diện lãnh đạo Công đoàn TTXVN và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)  trao tận tay các o với cả tấm lòng biết ơn, trân quý. Trong niềm xúc động trào dâng, o Trần Thị Thản, Chính trị viên Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy giai đoạn 1967 - 1970 rưng rưng nói: "Những năm tháng sau chiến tranh, cuộc sống của các o muôn vàn khó khăn, hầu hết đều đã hết tuổi lao động và kinh tế gia đình eo hẹp. Các o luôn nhận được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện vào những dịp lễ, Tết hay ngày tri ân Anh hùng liệt sỹ. Đó là sự động viên tinh thần rất lớn. Lúc này chỉ mong 81 o còn lại của Đại đội luôn khỏe mạnh và Nhà nước sớm giải quyết chế độ trợ cấp, giúp các o đỡ vất vả hơn".

Những món quà tri ân được trao tận tay các o với tấm lòng trân quý. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Điều đọng lại trong chúng tôi ngoài tình cảm chân thành, xúc động là tình yêu quê hương, đất nước vẫn vẹn nguyên trong các chị. Dù mái tóc đã điểm bạc, cuộc sống còn bộn bề những khó khăn, vất vả, nhưng những nữ dân quân năm xưa vẫn ngày đêm cùng gia đình bám biển, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Chính tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng của các nữ pháo binh Ngư Thủy trong những ngày chiến tranh khói lửa là những tấm gương kiên trung, bất khuất cho chúng tôi - những chiến sỹ trên mặt trận thông tin noi theo.

Phóng viên, Biên tập viên Ban Biên tập tin Kinh tế (BNEWS) - TTXVN chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ pháo binh Ngư Thủy. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Rời Ngư Thuỷ, tâm trạng mỗi người đan xen nhiều cảm xúc. Có sự tự hào, ngưỡng mộ, nhưng trong khóe mắt vẫn cay cay khi nghĩ đến câu nói của o Nguyễn Thị Thêm: "Với các o bây giờ được trợ cấp vài trăm ngàn đồng một tháng cũng vui lắm rồi, đỡ được đồng mắm, đồng muối, thuốc thang khi đau yếu, trái gió trở trời".

Biên tập viên trẻ Kim Dung không giấu được xúc động: "Lần đầu tiên em được gặp các cô ấy mà như thân quen tự bao giờ. Nghe các cô kể về chiến tranh, cuộc sống đời thường nơi đây em cảm thấy mình thật nhỏ bé và tự nhủ phải cố gắng, sẻ chia nhiều hơn nữa".

Những tâm sự ấy của Kim Dung cũng là suy nghĩ của cả Đoàn chúng tôi. Và hơn thế, niềm tự hào về một thời hào hùng thật khó có thể diễn tả hết bằng lời. Như cố Bộ trưởng Xuân Thủy từng viết về các chị: "Giặc Mỹ hay đâu cồn cát trắng. Anh hùng toàn những gái xuân xanh"./.

>> Xem thêm bài 3: Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục