Về Cần Thơ trải nghiệm làm bánh dân gian

14:30' - 02/02/2019
BNEWS Mọi công đoạn làm bánh đều được thực hiện thủ công, giữ nguyên cách làm truyền thống nên đòi hỏi nhiều công sức, sự tỉ mỉ, đó cũng chính là điểm thu hút du khách khi đến đây.
Nghệ nhân biểu diễn làm bánh dân gian tại Chương trình “Sắc Xuân miệt vườn 2019. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN 

Được tự tay làm các loại bánh dân gian rồi thưởng thức buffet bánh tại chỗ với thực đơn lên tới gần 50 loại bánh là trải nghiệm khiến nhiều du khách thích thú khi đến nhà vườn Công Minh của bà Phan Kim Ngân - một trong những hộ làm du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ).

* Tự tay làm bánh tại nhà vườn

Trong chuyến du lịch mới đây, gia đình chị Liễu - anh Khang (ở Hải Phòng) đã có 3 ngày tham quan các điểm du lịch nổi tiếng ở Cần Thơ.

Với chị Liễu, được tự tay làm bánh tại nhà vườn Công Minh của bà Phan Kim Ngân (thường gọi là bà Bảy Muôn) khi đến Cồn Sơn, Cần Thơ, là một trải nghiệm thú vị.

Đến Cồn Sơn đúng lúc trời mưa nên chị Liễu không đi hết các điểm tham quan như dự định.

Tuy nhiên, được tự tay làm bánh, chị Liễu và anh Khang cảm thấy rất vui.Vợ chồng chị được tự tay đổ bột vào khuôn làm món bánh kẹp cuốn - món bánh đoạt Huy chương Bạc tại Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ V năm 2016 của bà Bảy Muôn.

Điểm đặc biệt, tại đây, mọi công đoạn làm bánh đều được thực hiện thủ công, giữ nguyên cách làm truyền thống nên đòi hỏi nhiều công sức, sự tỉ mỉ, đó cũng chính là điểm thu hút du khách khi đến đây.

Hiện nay, mỗi ngày, bà Bảy Muôn đón khoảng 80 lượt du khách trải nghiệm làm bánh dưới sự hướng dẫn của bà.

Căn nhà của bà Bảy Muôn luôn là điểm ưu tiên lựa chọn của nhiều gia đình khi đến Cồn Sơn. Chị Khánh Đan đến từ Cà Mau chia sẻ, chị muốn đưa con đến Cồn Sơn, cho trẻ hòa mình với thiên nhiên, làm bánh dân gian để trẻ có thêm trải nghiệm trong cuộc sống.

* Phát triển du lịch từ nghề làm bánh

Hơn 40 năm kinh nghiệm làm các loại bánh dân gian Nam bộ, bà Bảy Muôn luôn giữ món bánh quê đúng hương vị và cách chế biến truyền thống. Hiện nay, bà có thể làm khoảng 50 loại bánh phục vụ du khách.

Từ năm 2015, sau khi cùng 17 hộ dân ở Cồn Sơn kết hợp làm du lịch cộng đồng, những món bánh của bà đã có cơ hội đến với du khách trong và ngoài nước.

Sau hơn 2 năm làm du lịch, các món bánh dân gian đã giúp bà Bảy Muôn được nhiều người biết đến. Nhà vườn Công Minh là một trong những điểm du khách nhất định phải đến khi tới Cần Thơ nếu muốn có một trải nghiệm thú vị.

Dù cuộc sống kinh tế đã ổn định hơn trước, nhưng bà Bảy Muôn vẫn sống giản dị, mộc mạc. Vẫn chiếc áo bà ba, đầu quấn khăn rằn, bà Bảy Muôn luôn tận tình hướng dẫn du khách làm từng chiếc bánh, giảng giải về nguồn gốc mỗi loại bánh để du khách hiểu rõ hơn về món bánh dân gian của miền Tây sông nước.

Đến nay, thương hiệu bánh dân gian của bà đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách khi đến Cồn Sơn.

Bà Bảy Muôn hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau khu vực 1 phường Bùi Hữu Nghĩa, tập hợp các hộ làm du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn.

Thời gian tới, Câu lạc bộ này sẽ ra mắt mô hình không sử dụng túi nilon trong hoạt động du lịch nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

* Giữ bản sắc cộng đồng

Từ tháng 9/2015, mô hình du lịch cộng đồng Cồn Sơn được Phòng Văn hóa - Thông tin quận Bình Thủy đưa vào hoạt động theo phương châm các hộ làm du lịch tuyệt đối không cạnh tranh trong khai thác sản phẩm, mỗi hộ chỉ được “độc quyền” một sản phẩm.

Ví dụ hộ bà Phan Thị Kim Phước có món bánh in, bà Phan Kim Ngân với món bánh lọt, bà Nguyễn Thị Út có món bánh xèo…

Du khách tham quan Cồn Sơn, muốn ăn món nào chỉ cần báo trước các hộ sẽ chuẩn bị sẵn, đến giờ sẽ mang tới căn hộ du khách dừng chân.

Tại đây, khách còn được trải nghiệm cac hoạt động làm nông dân như tát ao cá, ngắm cá lóc bay, chèo thuyền trên những con rạch nhỏ len lỏi trong cồn, tham quan vườn mận, chôm chôm, bưởi, nhãn...

Đa số hướng dẫn viên tại đây là con em địa phương cùng với khoảng 10 người đã tốt nghiệp các ngành Ngoại ngữ, Du lịch, Ngữ văn, Việt Nam học của Trường Đại học Cần Thơ.

Du lịch Cồn Sơn đã trở thành thương hiệu của Cần Thơ, được du khách trong và ngoài nước biết đến. Khi mới thành lập, tổng doanh thu của Tổ hợp tác du lịch Cồn Sơn chỉ vài chục triệu đồng/tháng, đến nay đã lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng.

Bà Phan Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy chia sẻ: Quan điểm của quận là phát triển du lịch Cồn Sơn theo hướng cộng đồng, giữ được không gian tự nhiên, duy trì bản sắc văn hóa...

Thời gian tới, quận từng bước nghiên cứu, tìm cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, giúp bà con yên tâm phát triển du lịch.

Trước mắt, những cá nhân trong Tổ tư vấn du lịch đã gắn bó với Cồn Sơn từ khi mới thành hình và được bà con yêu quí, tin cậy, huyện tạo điều kiện để họ vừa làm vừa học chuyên ngành Du lịch…

Thừa nhận sản phẩm du lịch Cồn Sơn là kết quả của quá trình hợp tác, gắn bó trên tinh thần tình làng nghĩa xóm, các hộ dân cùng nhau gìn giữ giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa - văn minh miệt vườn sông nước, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, Cồn Sơn đã trở thành thương hiệu du lịch của Cần Thơ nên rất cần phát huy và nhân rộng.

Theo ông Lê Văn Tâm: Cộng đồng là của dân nên sự liên kết phải ở nhân dân. Chính quyền địa phương hay các cấp, ngành quản lý nhà nước về du lịch cần tôn trọng ý kiến nhân dân.

Trong quản lý nhà nước và chỉ đạo, cần luôn luôn và tuyệt đối minh bạch, công bằng, tạo sự đồng thuận của bà con.

Hiện mới chỉ có một số hộ dân tham gia làm du lịch, địa phương cần quan tâm đến chính sách, cơ chế hỗ trợ để thu hút nhiều hộ khác cùng tham gia.

Về quan điểm đầu tư, quy hoạch du lịch Cồn Sơn, theo ông Tâm không nên phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên, đồng thời khuyến khích phát triển và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng này...

Cồn Sơn là một cồn nhỏ nằm giữa sông Hậu, thuộc khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Cồn Sơn có diện tích 74 ha với 79 hộ dân sinh sống chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp và du lịch cộng đồng.

Đến Cồn Sơn, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, tham quan làng cá bè, xem cá lóc bay, vườn trái cây, vườn cò, trải nghiệm làm các loại bánh dân gian, chèo ghe, tát mương bắt cá, vào bếp cùng chủ nhà làm các món ăn dân dã miệt vườn như lẩu ốc, lẩu mắm, gà xé bưởi, bánh xèo.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục