Về “cán cân lợi ích” của RCEP đối với Australia

06:20' - 13/11/2019
BNEWS Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lên tiếng ca ngợi những lợi ích của RCEP sau khi Australia đồng ý tham gia Hiệp định này cùng với 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác.
Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Morrison cho hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm cả Trung Quốc và Nhật Bản và chiếm gần 1/3 nền kinh tế thế giới, sẽ mở ra các cơ hội mới cho thương mại về dịch vụ tài chính và viễn thông, đồng thời đem lại những thay đổi trong thủ tục hải quan và tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh trong khu vực.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, theo bài viết đăng trên báo The Guardian của Australia ngày 5/11, việc đồng ý tham gia RCEP cho thấy mục đích của Chính phủ Australia là đang muốn cân bằng giữa lợi ích thương mại và chiến lược theo một cách nguy hiểm.

Bộ trưởng Thương mại Australia ông Simon Birmingham đã tới Trung Quốc vào ngày 5/11 cùng một phái đoàn đông đảo gồm 200 doanh nghiệp Australia với hy vọng giảm bớt thiệt hại gây ra do quan hệ căng thẳng giữa Australia với Trung Quốc, sau khi Canberra cấm công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng 5G của Australia và cáo buộc Trung Quốc đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng vào Tòa nhà Quốc hội.

Lịch trình của ông Birmingham tại Trung Quốc bao gồm việc tham dự một hội chợ nhập khẩu lớn tại Thượng Hải diễn ra trong tuần này.

Trong khuôn khổ chuyến thăm này, trong những phát biểu có ý nhằm vào các nước như Mỹ và Australia đã có lệnh cấm các công ty công nghệ Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc giục một thái độ cởi mở hơn đối với hợp tác công nghệ nhằm “khơi nguồn sáng”.

Ông Tập kêu gọi: “Chúng ta nên cùng nhau tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thay vì tham gia vào các cuộc phong tỏa tri thức, gây ra và thậm chí làm tăng sự chia rẽ trong công nghệ”.

Tuy nhiên, bên cạnh những lời lẽ ngợi ca, đã có không ít lo ngại cho rằng hiệp định RCEP sẽ siết chặt sự trói buộc của Trung Quốc đối với kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, sau khi Ấn Độ từ chối không tham gia RCEP để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước.

Ông Christopher Balding, Phó Giáo sư tại Đại học Fulbright Việt Nam và là chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, đã bày tỏ sự hoài nghi về những lợi ích của Hiệp định RCEP, nhất là khi những nội dung chi tiết của Hiệp định vẫn chưa được công bố.

Ông Balding nói ông hoài nghi sâu sắc về việc Trung Quốc muốn nới lỏng mọi rào cản thương mại, bất chấp những gì ông Tập nói. Chuyên gia này chỉ ra rằng xuất khẩu của Trung Quốc đang đi ngang trong khi nhập khẩu giảm 5%.

Do vậy, Trung Quốc sẽ không cắt giảm các rào cản thương mại và điều này đang làm chậm lại hệ thống thương mại thế giới. Ví dụ, Bắc Kinh đã điều chỉnh giảm nhập khẩu than và quặng sắt từ Australia, để hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước.

Ông Balding nêu câu hỏi liệu Australia có sẵn sàng trả giá cho việc tăng cường làm ăn kinh doanh với Bắc Kinh hay không? Theo ông, khi các quốc gia tham gia thỏa thuận thương mại với Mỹ, họ được quyền tự do chỉ trích hồ sơ nhân quyền của ông Trump hoặc Mỹ.

Tuy nhiên, khi có một thỏa thuận với Trung Quốc, họ sẽ không có quyền tự do đó. Vì vậy, cũng theo ông Balding, Australia sẽ phải đánh đổi khi tham gia thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Vấn đề tiếp theo liên quan đến việc Ấn Độ không tham gia vào RCEP. Theo một chuyên gia khác, khi quyết định tham gia RCEP, không có Mỹ hay Ấn Độ, Canberra cho thấy một “sự ngắt kết nối” với các mục tiêu chiến lược.

Ấn Độ, thường được coi là thị trường thay thế sẵn sàng cho hàng hóa Australia trong trường hợp quan hệ Trung Quốc trở nên xấu đi, đã từ chối không tham gia RCEP, vì lo ngại rằng điều này sẽ khiến các nông dân chăn nuôi bò sữa của mình sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất sữa ở Australia và New Zealand.

Trong khi đó, mặc dù đã có các thỏa thuận thương mại tự do với các nước tham gia RCEP khác, Australia lại chưa có thỏa thuận thương mại tự do nào với Ấn Độ.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách ở Canberra mơ ước sử dụng mối quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ và Mỹ để đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc ở châu Á, thực tế kinh tế lại là một cơn ác mộng đối với họ. Theo Giáo sư James Laurenceson, quyền Giám đốc Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc (ACRI) tại Đại học Công nghệ Sydney, Hiệp định RCEP “mâu thuẫn” với các xu hướng chiến lược trong khu vực.

Ông nói: “Chúng ta muốn tham gia nhiều hơn với Ấn Độ và Mỹ, nhưng trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta thấy ông Trump rút khỏi TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) và bây giờ Ấn Độ đã từ chối tham gia RCEP. Đó là một sự mất kết nối với những gì chúng ta mong muốn về mặt chiến lược”.

Giáo sư Laurenceson kết luận, thực tế là Australia không chia sẻ chung các giá trị với Ấn Độ và Mỹ, như trong trường hợp của TPP. Trong khi đó, bà Melissa Conley Tyler, Giám đốc Ngoại giao tại Trung tâm Asialink, Đại học Melbourne, cho rằng RCEP sẽ đem lại cho Australia ít lợi ích hơn so với một số quốc gia khác tham gia Hiệp định.

Đối với Australia, theo bà Tyler, RCEP chỉ mang ý nghĩa biểu tượng như là một tuyên bố thúc đẩy thương mại toàn cầu tại thời điểm mà chủ nghĩa bảo hộ đang lấn át./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục