VCCI thực sự là cầu nối xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước

20:32' - 13/05/2018
BNEWS Theo ông Karashima Hiroshi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, VCCI đã thực sự trở thành cầu nối xúc tiến thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp 2 nước là Việt Nam và Nhật Bản.

Trong nhiều năm qua, với sự trợ giúp của VCCI, Chính phủ cũng như các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư... đã thu thập được nhiều ý kiến từ doanh nghiệp để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh....

Thực tiễn cho thấy, VCCI đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng các chính sách, gỡ bỏ rào cản đầu tư cho doanh nghiệp thông qua nhiều bộ luật. Song, điều đáng ghi nhận nhất là VCCI đã hoạt động rất tích cực trong việc hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán của nhiều quốc gia nhằm tạo cầu nối, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID Việt Nam) đã có mối quan hệ đối tác với VCCI trong nhiều năm qua không chỉ với dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà còn trong nhiều dự án khác.

VCCI có thể vận động chính sách để cải thiện chất lượng điều hành cũng như năng lực của cán bộ các cấp để họ có thể tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam.

Nhận thấy tầm quan trọng của PCI, USAID đã và đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện báo cáo PCI thông qua hợp tác với VCCI trong nhiều năm. PCI có tác động to lớn đến công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Đặc biệt, từ năm 2014 khi Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành; trong đó yêu cầu chính quyền các tỉnh thành cần phải cải thiện điểm số PCI thì sự quan tâm ngày càng gia tăng, các tỉnh đã xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể và đưa ra nhiều ý tưởng mới nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo ông Karashima Hiroshi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), VCCI đã thực sự trở thành cầu nối xúc tiến thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp 2 nước là Việt Nam và Nhật Bản.

Với sự hỗ trợ của VCCI, Hiệp hội JCCI đã chính thức được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam và đến nay luôn nỗ lực hết mình để thúc đẩy thương mại và hợp tác kinh tế giữa 2 quốc gia.

Năm 2017, JCCI vinh dự trở thành đồng chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) và cùng với VCCI tổ chức thành công hội nghị diễn đàn này.

Hiện tại, ở Nhật Bản xu hướng mong muốn đầu tư vào Việt Nam đang tăng cao trong những năm gần đây. JCCI cho rằng, các hội thảo do VCCI tổ chức là những cơ hội hữu ích để có thể nắm bắt thông tin về thương mại Việt Nam. JCCI cũng cam kết sẽ luôn tích cực chia sẻ thông tin về các sự kiện của VCCI đến các doanh nghiệp hội viên.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà VCCI đang tập trung đẩy mạnh.

Trong những năm qua, VCCI đã có nhiều dự án hợp tác hiệu quả với Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) và các tổ chức khác thuộc Liên Hợp quốc như Tổ chức mạng lưới quốc gia Global Compact về các nguyên tắc bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, cải thiện điều kiện lao động, nhân quyền...

Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) cho biết, sẽ hợp tác chặt chẽ với VCCI trong thời gian tới trong lĩnh vực này. "Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững là một trong những trọng tâm của UNDP hiện nay.

Tương lai của các mục tiêu phát triển bền vững không thể đạt được nếu không có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Các mục tiêu này cũng không thể đạt được chỉ với doanh nghiệp FDI mà còn cần cả sự vươn lên của khu vực tư nhân như một phần của quá trình; trong đó, không thể thiếu những cầu nối cần thiết như 1 tổ chức, 1 đại diện của cộng đồng doanh nghiệp."

VCCI đã mất gần 3 năm để làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, các đối tác quốc tế để tạo ra chỉ số bền vững doanh nghiệp; trong đó, đặc biệt là với UNDP.

Những thông tin hướng dẫn để áp dụng bộ chỉ số này sẽ nhanh chóng được triển khai rộng rãi để không chỉ các tập đoàn lớn mà cả các doanh nghiệp địa phương trên 63 tỉnh thành ở Việt Nam đều có thể áp dụng./.

Xem thêm:

>>>VCCI triển khai nhiều nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP

>>>Còn không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc về chính sách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục