VCCI: Nhiều kiến nghị doanh nghiệp chưa được giải quyết trong quý I

18:12' - 23/04/2018
BNEWS VCCI vừa có báo cáo tổng hợp về tình hình thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp...

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có báo cáo tổng hợp về tình hình thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quý 1 năm 2018. Theo đó, VCCI nhận được 45 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 3 công văn trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp về hướng dẫn điều kiện đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu; hướng dẫn quy định đầu tư theo hình thức đối tác công tư và quy định về nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.
Bộ Tài chính cũng có 3 văn bản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, hướng dẫn quy định về xác định nguồn vốn để có cơ sở thực hiện dự án đầu tư, xây dựng; việc xác định xi măng có phải sản phẩm tính thuế và chịu thuế xuất khẩu; việc giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp.

Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Pha Ta Co về thời hạn bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp; quy định về thời hạn cấp văn bằng bảo hộ; thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh công tác xử lý đơn.
Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam về việc phân cấp cấp phép xây dựng công trình quảng cáo; việc ban hành hướng dẫn thực hiện Quy chuẩn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) về xây dựng, lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời và cách giải quyết những công trình quảng cáo đã thực hiện theo Pháp lệnh Quảng cáo 2001.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có chỉ đạo giải quyết kiến nghị của Công ty cổ phần Ô tô khách Hà Tây...
Như vậy, hết ngày 31/3/2018, các kiến nghị VCCI đã gửi chưa nhận được văn bản trả lời gồm 29 kiến nghị tập hợp trong năm 2017 và 6 kiến nghị trong tháng 1 và tháng 2/2018.

Riêng tháng 3/2018, VCCI đã nhận được 5 văn bản trả lời cho 4 kiến nghị tổng hợp từ doanh nghiệp.
Ngoài ra, cũng trong quý 1/2018, VCCI nhận được 128 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Qua theo dõi, đến hết ngày 31/3, đã có 64 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương được trả lời chiếm 50%.

Còn 64 kiến nghị chưa được trả lời. Đa số các kiến nghị này đều đã quá hạn trả lời do Văn phòng Chính phủ quy định, nhiều kiến nghị doanh nghiệp đã gửi nhiều tháng trước đây nhưng các bộ, ngành, địa phương chưa trả lời nên Văn phòng chính phủ phải có công văn nhắc nhở, đôn đốc việc trả lời.
Qua tổng hợp ý kiến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về một số cải cách của Chính phủ, trong quý 1/2018, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao một số động thái cắt giảm rào cản, điều kiện kinh doanh, giấy phép con của Chính phủ và một số bộ, ngành như: Bộ Thông tin Truyền thông cắt giảm 11 điều kiện kinh doanh, 19 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin điện tử.
Bộ Công Thương dự kiến năm 2018 sẽ cắt giảm và đơn giản hóa 43 thủ tục hành chính trong tổng số 452 thủ tục hành chính hiện có; Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sửa đổi, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh trong các quy định hiện hành với mục tiêu cấp bách trong năm 2018 là cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các thủ tục liên quan đến xuất - nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của bộ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ vẫn chưa quyết liệt trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, như Bộ Y tế còn 802 mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, mới giảm được ở danh mục các sản phẩm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tức là vẫn còn hơn 400 mặt hàng nữa cần cắt giảm, nằm ở lĩnh vực thiết bị y tế, dược…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa xem xét với 128 mặt hàng cũng như 37 bộ thủ tục hành chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường có 132 mặt hàng mà đến nay chưa đề xuất cắt giảm kiểm tra chuyên ngành; chưa hoàn thành quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đúng thời hạn mà Thủ tướng giao; Bộ Giao thông Vận tải có 127 mặt hàng chưa đề xuất cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục