VCCI: Còn bất cập trong kiểm tra chuyên ngành hàng xuất nhập khẩu

09:15' - 19/08/2018
BNEWS Những cải cách chung đối với tất cả các lĩnh vực sẽ giúp hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá xuất nhập khẩu vừa đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn). Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, để hoạt động kiểm tra chuyên ngành với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa vừa đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, rất cần có những cải cách chung đối với tất cả các lĩnh vực. 

Báo cáo về thực trạng kiểm tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, VCCI đánh giá, những hành động có ý nghĩa nhất trong thời gian qua mà các bộ, ngành đã và đang tiến hành là rà soát sửa đổi các văn bản về kiểm tra chuyên ngành.

Đồng thời, cắt giảm, đơn giản hóa, minh bạch mã HS của Danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; rà soát, loại bỏ quy định chồng chéo giữa các cơ quan trong kiểm tra chuyên ngành.

Cùng đó, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ kiểm tra chuyên ngành; chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành từ trước sang sau thông quan và hiện đại hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, kết quả thực tế của các hành động này có lẽ là vẫn chưa được như mong đợi.

Ông Lộc nêu ví dụ, về việc giảm số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, trên thực tế cho đến nay mới chỉ có khoảng 6% các mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra chuyên ngành.

Về việc làm rõ các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, trong số 164 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành có tới 63 danh mục chưa được các bộ quản lý chuyên ngành ban hành chính thức; chưa chỉ rõ mã HS từng mặt hàng, hoặc có mã HS chưa phù hợp (chiếm tới 36% số danh mục).

Về thời gian kiểm tra chuyên ngành, mặc dù đã có nhiều cải cách về thủ tục nhưng tới nay, thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ ba lần so với các nước ASEAN-4.

Kết quả rà soát sơ bộ vào tháng 6/2018 của VCCI đối với Danh mục hàng hóa, thủ tục hành chính về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đề nghị của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, còn nhiều bất cập lớn trong kiểm tra chuyên ngành.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, VCCI cho rằng, nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn chưa rõ ràng về các loại hàng hóa phải thực hiện kiểm tra. Điều này gây bất cập trong thực tế triển khai, khi các chủ thể áp dụng sẽ khó khăn trong việc nhận diện các loại hàng hóa phải bị kiểm soát. Một số biện pháp quản lý về an toàn thực phẩm còn chưa áp dụng theo cơ chế quản lý mới.

Ngoài ra, có sự chồng lấn và thiếu rõ ràng về cơ chế quản lý an toàn thực phẩm với hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật. Cùng với đó, chưa có sự đồng bộ trong quy trình vận hành giữa các hoạt động kiểm tra chuyên ngành (liên quan tới kiểm tra chất lượng hàng hóa).

Việc áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa được nhiều cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành áp dụng, dẫn đến tình trạng gần như tất cả các lô hàng đều bị kiểm tra, kể cả các trường hợp rủi ro vi phạm rất thấp.

Cuối cùng, việc xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành (giao cho các tổ chức chứng nhận sự phù hợp thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành về chuyên môn) cũng mới chỉ được một số bộ quản lý chuyên ngành triển khai gần đây, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế…

Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đại diện cho gần 300 doanh nghiệp thành viên cho hay, riêng trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, quan trọng nhất vẫn là thái độ cầu thị, hợp tác của cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan.

Doanh nghiệp ngành thủy sản đặc biệt quan tâm tới vấn đề cải cách kiểm tra chuyên ngành. Đây cũng là yếu tố có tác động tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo ông Nam, kiểm tra chuyên ngành bao hàm việc quản lý Nhà nước đối với mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cả với ngành hàng. Hiện nay, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng do thời gian kéo dài của các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Không chỉ là mất thời gian mà kể cả sự bức xúc dồn nén quá lâu cũng gây ức chế cho doanh nghiệp, làm ảnh hưởng và mất niềm tin nơi doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp mong mỏi, khi ban hành các văn bản có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; kể cả việc kiểm tra chuyên ngành thì các bộ, ngành nên có sự cầu thị, đối tác như cách làm của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan...

"Hãy coi doanh nghiệp là đối tác hơn là đối tượng để được tham gia ý kiến. Bất cứ khi nào có vấn đề, kiến nghị đề xuất đều có thể gửi đi bằng bất kỳ hình thức liên hệ nào thay vì phải công văn, dấu đỏ như một số nơi đang đề ra quy định.

Có như vậy thì những câu chuyện, những mục tiêu mà Chính phủ đề ra sẽ giải quyết được. Bởi doanh nghiệp luôn sẵn sàng chung tay.", ông Nam bày tỏ nguyện vọng

Xuất phát từ thực tế trên, để hoạt động kiểm tra chuyên ngành không chỉ đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước, mà còn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị, các bộ, ngành cần xây dựng các danh mục hàng hóa cụ thể thuộc diện phải kiểm soát ở từng lĩnh vực với nguyên tắc áp dụng theo kiểu loại trừ (hàng hóa chưa được nêu cụ thể trong danh mục nào phải được đương nhiên xuất-nhập khẩu mà không cần làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành).

Đối với việc kiểm soát về an toàn thực phẩm cần thiết kế lại toàn bộ theo quy trình mới tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm. Cụ thể, đối với việc kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật: cần thiết kế quy trình để đảm bảo doanh nghiệp chỉ cần thực hiện một thủ tục tại một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đối với việc kiểm tra chất lượng hàng hóa cần thống nhất chuyển về một quy trình thống nhất; trong đó, việc kiểm tra được thực hiện bởi các tổ chức chứng nhận sự phù hợp.

Theo đó, doanh nghiệp tự động thuê dịch vụ của tổ chức này, căn cứ vào loại hàng hóa cụ thể của mình và yêu cầu pháp luật về kiểm tra đối với loại hàng hóa tương ứng.

Đồng thời, không cần xin giấy tờ gì từ cơ quan quản lý chuyên ngành trước đó. Kết quả kiểm tra được doanh nghiệp xuất trình trực tiếp cho cơ quan hải quan (không cần sự can thiệp hay giấy tờ xác nhận kết quả kiểm tra nào của cơ quan quản lý chuyên ngành).

Bên cạnh đó, cần áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành; việc chuyên ngành chỉ thực hiện đối với các trường hợp có nguy cơ cao.

Ví dụ như, nhà nhập khẩu có lịch sử vi phạm pháp luật về xuất nhập khẩu hay có căn cứ cho thấy lô hàng nhập khẩu có dấu hiệu gian lận, vi phạm pháp luật, hoặc loại hàng hóa nhập khẩu là đối tượng bị gian lận, vi phạm pháp luật thường xuyên; loại hàng hóa hoặc nơi xuất xứ của hàng hóa đang là đối tượng, vùng có nguy cơ dịch bệnh cao…

Ngoài ra, cần phân loại hàng hóa để chuyển việc kiểm tra chuyên ngành một số loại hàng hóa từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Chẳng hạn, hàng hóa là máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải…. đã có chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật; hàng hóa là thực phẩm đóng hộp, thực phẩm khác đã có chứng nhận tiêu chuẩn vệ sinh của nước xuất khẩu…

Cùng với đó, cần giảm thiểu tình trạng trùng lặp về giấy tờ, hồ sơ trong kiểm tra chuyên ngành; loại bỏ những loại giấy tờ không chứa đựng thông tin về chất lượng hàng hoá như B/L, invoice, packing list… và đồng bộ hóa các thủ tục điện tử (không để tình trạng vừa quản lý điện tử, vừa quản lý thủ công).

Cùng đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, có thể chia sẻ thông tin giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cơ quan hải quan. Đồng thời, xóa bỏ tình trạng độc quyền trong hoạt động kiểm tra, đánh giá sự phù hợp.

Do đó, cần có cơ chế để tất cả các tổ chức chứng nhận sự phù hợp đáp ứng năng lực chuyên môn đều có thể tham gia vào hoạt động kiểm tra chứng nhận sự phù hợp của các sản phẩm hàng hóa. Từ đó, tránh tình trạng chuyển độc quyền kiểm tra chuyên ngành từ “một cơ quan quản lý chuyên ngành” sang “một hoặc một số tổ chức chứng nhận sự phù hợp”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục