Vấn đề Brexit: Những thách thức đang chờ đón nước Anh và Canada

16:47' - 11/04/2017
BNEWS Brexit, chỉ việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), không chỉ là vấn đề giữa “xứ sở sương mù” và mái nhà chung châu Âu mà còn liên lụy đến nhiều quốc gia khác, trong đó có Canada.
Brexit không chỉ là vấn đề giữa “xứ sở sương mù” và mái nhà chung châu Âu mà còn liên lụy đến nhiều quốc gia khác, trong đó có Canada. Ảnh: AFP/TTXVN

Những thách thức mà Brexit gây ra đang dần trở thành sự thật. Điều luật hợp pháp hóa Brexit ở Điều 50 của Hiệp ước về Liên minh châu Âu đã được Quốc hội Anh thông qua. Chính phủ Anh làm thế nào để bảo vệ lợi ích của họ trong EU - điều này phản ánh những lo ngại từ lâu của cử tri Đảng Bảo Thủ về “mối liên minh lớn hơn bao giờ hết” với “lục địa Già”. 

Tuy nhiên, tranh luận xung quanh việc thực thi Brexit không đơn thuần là vấn đề của Anh và châu Âu. Suy cho cùng, Anh là một đối tác thương mại quan trọng và là một cường quốc hạt nhân, giữ một vị trí cố định trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Bên cạnh đó, Anh là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác nhập khẩu lớn thứ hai (sau Đức) của Canada ở EU. Canada có quan hệ thương mại lâu năm với Anh, do đó tốt hơn hết họ nên điều chỉnh lại mối quan hệ này trước những dự đoán về Brexit.  

Những bộ luật quốc tế từng áp dụng cho Anh cần phải thay đổi. Anh không có thuế quan và họ cần đàm phán những vấn đề về thuế quan với EU cũng như các quốc gia khác trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Anh vẫn đang cân nhắc những lợi ích mà họ mong muốn và có thể nhận được từ những quốc gia khác. Riêng việc đàm phán đã là một thách thức lớn. Anh chắc chắn sẽ không được hưởng những lợi ích từ 60 hiệp định thương mại giữa EU và các quốc gia khác như Hiệp định thương mại tự do EU-Canada (CETA). Họ sẽ phải đàm phán các hiệp định thương mại mới. Điều này mất rất nhiều thời gian, công sức và có thể gây ra nhiều tranh cãi.

EU chịu trách nhiệm về các quy định trong khu vực liên quan đến hàng hóa và dịch vụ tài chính; bảo vệ môi trường và người tiêu dùng; vận chuyển hàng không, đường bộ và đường thủy; nông nghiệp; truyền thông và viễn thông…

Anh sẽ phải xây dựng một hệ thống các quy định riêng cho mình, trong khi vẫn duy trì những điều luật được công nhận là tương đương với các quy định của EU để tiếp cận thị trường châu Âu – chiếm 44% kim ngạch xuất khẩu của Anh. Đây sẽ là thành tựu không hề nhỏ, song là sứ mệnh không thể thực hiện được trong vòng 2 năm.

Ngoài ra, EU còn chịu trách nhiệm quan hệ quốc tế trong nhiều lĩnh vực như thương mại, thủy sản, vận chuyển hàng không và bảo vệ môi trường. Anh sẽ tham gia đàm phán các hiệp định mới với EU và các quốc gia khác nhằm thay thế các hiệp định của EU.

Trong hầu hết các trường hợp, việc thay thế các quy định theo kiểu dập khuôn đều không phải là đáp án đúng cho bài toán của nước Anh.

Lợi ích chính trị giữa Anh, EU và các quốc gia khác sẽ ảnh hưởng tới việc này. Ví dụ, Canada sẽ được hưởng quyền lợi gì trong ngành hàng không từ Anh sau Brexit khi mà họ không được quyền di chuyển tự do trong toàn bộ lãnh thổ EU?

Ngược lại, Canada sẽ đem đến cho Anh quyền lợi gì? Một trong những lợi ích lớn nhất mà Canada nhận được, với tư cách là nguồn cung cấp uranium, chính là Anh sẽ phản đối hiệp ước thành lập Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom).

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP/TTXVN

Thách thức phía trước không chỉ là của riêng Chính phủ Anh, mà còn là của cả cộng đồng quốc tế bao gồm Canada. Vậy, Canada sẽ phải đối mặt như thế nào? 

Với mối quan hệ thương mại lâu năm cùng Vương quốc Anh, Canada cần một hiệp định thương mại hàng hoá và cam kết thương mại dịch vụ. Canada cũng sẽ cần một thỏa thuận vận tải hàng không có hiệu lực ngay trong ngày đầu tiên Anh rời khỏi EU, bằng không ngành hàng không sẽ không thể cung cấp dịch vụ thương mại.

Bên cạnh đó, Canada cần một thỏa thuận đầu tư với Anh và có thể sẽ xem xét lại thỏa thuận đánh thuế hai lần.

Liệu Anh có tiếp tục hợp tác với Canada để giải quyết các vấn đề toàn cầu liên quan đến Israel và biến đổi khí hậu hay không? Trả lời câu hỏi này là điều không hề dễ dàng, song Canada sẽ có lợi thế hơn nếu cân nhắc và xác định rõ mối quan hệ thương mại với Anh trong tương lai.

Cách tốt nhất - đem lại lợi ích cho cả đôi bên - là bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm thành lập một Hiệp định Thương mại Tự do Đại Tây Dương (TAFTA). Canada và Anh có thể lợi dụng cuộc khủng hoảng Brexit để theo đuổi một thỏa thuận có sự tham gia của tất cả các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ. Hiệp định TAFTA sẽ có lợi cho tất cả các quốc gia có liên quan.

Có thể thấy rõ rằng, thỏa thuận tự do sẽ mang đến lợi ích lớn nhất cho những quốc gia láng giềng có hệ thống kinh tế và văn hóa tương đồng. Hiệp định TAFTA sẽ cho phép Anh gia nhập cùng các quốc gia khác, đồng thời tạo ra cơ hội cho các quốc gia phía Bắc Đại Tây Dương tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh.

“Hạt giống” của Hiệp định TAFTA đã được gieo bởi CETA cùng với các cuộc đàm phán thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ. Việc thiết lập Hiệp định TAFTA sẽ có nhiều khó khăn, nhưng điều này sẽ không thể ngăn Canada và Anh xây dựng kế hoạch cho tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục