Vai trò của đặc khu kinh tế trong chính sách “Make in India” của Ấn Độ (Phần 1)

05:30' - 14/06/2018
BNEWS Sáng kiến ''Make in India'' (tạm dịch: Hãy đến sản xuất tại Ấn Độ) đặt mục tiêu biến Ấn Độ trở thành một quốc gia thuận lợi cho kinh doanh và cạnh tranh với Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: THX/TTXVN 

Kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi công bố sáng kiến trên vào tháng 9/2014, đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận những thay đổi đáng kể trong vấn đề hoạch định chính sách, cải cách quy trình, thủ tục để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như thúc đẩy ngành sản xuất trong nước.
Mô hình đặc khu kinh tế (ĐKKT) được triển khai tại Ấn Độ từ khá sớm, song chúng chưa thực sự thể hiện được vai trò động lực trong những dự án thuộc ''Make in India”.
Trong thời gian tới, giới chức nước này đang xem xét việc lồng ghép các ĐKKT ven biển hiện nay vào một kế hoạch bao quát nhằm phát triển khu vực ven biển phía Đông nhằm đem lại sự thay đổi tích cực cho các ĐKKT này.

Điểm yếu trong mô hình ĐKKT của Ấn Độ
Trước năm 2000, Ấn Độ đã thành lập một số khu chế xuất, mặc dù có cấu trúc tương tự với ĐKKT hiện đại, song chúng không thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Ấn Độ. Đến tháng 4/2000, chính phủ nước này đã bắt đầu triển khai các ĐKKT, với mô hình khu kinh tế tự do dựa trên kinh nghiệm và sự thành công của Trung Quốc.

Các ĐKKT là những khu vực mà doanh nghiệp được đối xử ưu đãi hơn các vùng khác về tỷ suất thuế và phạm vi hoạt động, với mục tiêu kích thích cả đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu của Ấn Độ và tạo ra cơ hội việc làm mới.
Bộ luật về Khu vực kinh tế đặc biệt của Ấn Độ năm 2005 tiếp tục sửa đổi chính sách đầu tư nước ngoài của nước này và chuyển đổi các khu chế xuất thành các ĐKKT. Đến năm 2006, bộ các quy định về ĐKKT ra đời với những quy trình hoàn chỉnh, từ việc đề xuất và cấp phép thành lập ĐKKT đến thiết lập một đơn vị cơ sở trong ĐKKT. Tính đến tháng 9/2017, có 221 ĐKKT đang hoạt động tại Ấn Độ.
Theo nhà phân tích Amitendu Palit tại Viện nghiên cứu Nam Á (ISAS), Đại học Quốc gia Singapore (NUS), có nhiều nguyên nhân mà các ĐKKT ở Ấn Độ chưa đạt được nhiều thành quả như ở nhiều nền kinh tế châu Á khác.
Đề cập đến hình mẫu ĐKKT thành công vượt bậc trong khu vực không thể không nhắc tới Thâm Quyến ở Trung Quốc, Incheon ở Hàn Quốc, Khu vực kinh tế Bờ Đông ở Malaysia, hay Bintan và Batamin ở Indonesia.

Ngoài ra, các nước có ĐKKT  kém nổi tiếng hơn nhưng cũng có kết quả hoạt động đáng chú ý là Philippines, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), và gần Ấn Độ là Chittagong ở Bangladesh.

Các nước láng giềng ven biển của Ấn Độ như Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka và Myanmar đều đang tích cực triển khai các khu kinh tế tự do nhằm kiến tạo chúng trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển công nghiệp.
Tất nhiên, Ấn Độ không nhất thiết phải cạnh tranh với những gì các nước láng giềng đang làm. Dù vậy, sự thành công của Ấn Độ trong việc thúc đẩy những ngành công nghiệp thâm dụng lao động và định hướng xuất khẩu đã có thể lớn hơn nhiều nếu nước này có những ĐKKT mạnh mẽ.

Bằng chứng cho thấy các khu vực kinh tế này không chỉ đem lại lợi ích cho xuất khẩu, mà còn đóng góp tích cực cho phần còn lại của nền kinh tế như hỗ trợ kết nối đô thị và mở rộng bán lẻ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục