Vạch trần đường dây sản xuất, buôn bán xăng dầu giả

11:21' - 06/06/2019
BNEWS Ngày 6/6, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức họp báo thông tin kết quả điều tra bước đầu vụ án “sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí. Ảnh: Ngọc Minh - TTXVN

Đây là vụ việc nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Theo đó, cuối năm 2018, đầu năm 2019, qua công tác trinh sát, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện một đường dây sản xuất, buôn bán xăng dầu giả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và một số tỉnh, thành trực thuộc trung ương.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 13/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 9 bị can và ra lệnh bắt tạm giam 8 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với một bị can để điều tra về hành vi “sản xuất, kinh doanh hàng giả” theo quy định tại Điều 192, Bộ luật Hình sự 2015. Các quyết định và lệnh của Công an tỉnh Đắk Nông đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Quá trình điều tra, cơ quan công an nhận thấy đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều tỉnh, thành với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Công an tỉnh Đắk Nông đã xin ý kiến của Bộ Công an và được chỉ đạo thành lập chuyên án.

Từ ngày 28/5 – 2/6/2019, Ban Chuyên án đã chỉ đạo tổ công tác phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an bắt quả tang các đối tượng đang thực hiện hành vi pha trộn dung môi với chất kích “RON”, bột tạo màu thành xăng giả. Khám xét 6 địa điểm là nơi các đối tượng pha trộn và cất giấu dung môi thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng.

Đến nay đã tạm giữ gần 3,3 triệu lít dung dịch các loại, trong đó có gần 2,2 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, hơn 430 nghìn lít dung môi chưa pha, 50 kg chất tạo màu và hàng chục tàu, xe, máy bơm, và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan.
Căn cứ các tài liệu thu thập được, ngày 5/6/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với 14 bị can, nâng tổng số bị can bị khởi tố lên 23 bị can.

Các quyết định và lệnh khởi tố của Công an tỉnh Đắk Nông đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Từ 1/1/2017 đến nay, các đối tượng đã chi hơn 3.000 tỷ đồng để mua dung môi và các nguyên liệu pha chế xăng giả. Mỗi tháng đưa ra thị trường tiêu thụ trên 6 triệu lít xăng giả.

Các chất để pha chế xăng giả trong vụ án. Ảnh: Ngọc Minh - TTXVN

Trao đổi tại buổi họp báo, Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông khẳng định dung môi được sử dụng để pha chế là thành phẩm trong quá trình chưng cất dầu mỏ. Đây là loại hợp chất thường được sử dụng trong công nghiệp, pha trộn sơn, tẩy rửa, sản xuất gỗ, thuộc da… Các đối tượng sử dụng dung môi, pha với xăng, chất tạo màu và một số “hương liệu” để phù phép thành xăng giả.

Kết quả kiểm nghiệm khẳng định xăng giả không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng xấu đến hiệu suất động cơ, thậm chí có thể làm hỏng động cơ. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy xe được xác định liên quan tới xăng giả và cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh, làm rõ. Thêm nữa, các khu vực, kho bãi thực hiện hành vi pha chế, pha trộn xăng giả đều được đối tượng canh gác rất cẩn mật. Thậm chí pha trộn trên tàu, trên biển nên công tác tiếp cận, bắt quả tang rất khó khăn.
Đến nay, Công an tỉnh Đắk Nông xác định 3 cửa hàng đã tiêu thụ xăng dầu giả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả này. Các cửa hàng này có địa chỉ tại huyện Đắk R’Lấp, thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk G’Long.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Cao Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định việc triệt phá đường dây sản xuất, mua bán xăng giả là một kết quả tích cực, nổi bật, góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm. UBND tỉnh Đắk Nông cũng quyết định thưởng nóng cho Ban Chuyên án.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ./.
>>> Phạt 77 triệu đồng điểm bán dầu trái phép tại Phú Yên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục