Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật thủy sản sửa đổi

12:35' - 21/03/2017
BNEWS Sáng 21/3, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật thủy sản (sửa đổi).
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

*Cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động thủy sản
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ sau 13 năm thi hành Luật thủy sản 2003 thực tế đang đặt ra các yêu cầu cần phải nghiên cứu, sửa đổi.

Luật hiện hành đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của ngành Thủy sản Việt Nam về quy định quy hoạch quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản; điều tra nghiên cứu nguồn lợi thủy sản; quản lý đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản không dùng vào mục đích làm thực phẩm; quản lý hoạt động thả phóng sinh, thả tái tạo nguồn lợi thủy sản; quản lý giấy phép khai thác thủy sản; đăng kiểm tàu cá; kiểm ngư...

Một số quy định mới của các điều ước quốc tế về thủy sản đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành cho phù hợp (như Hiệp định về các biện pháp của quốc gia có cảng; quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định)...
Việc xây dựng dự án Luật thủy sản để thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội đối với ngành Thủy sản là ngành kinh tế, xã hội, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động thủy sản nhằm thực hiện tái cơ cấu, phát triển sản phẩm giá trị tăng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển và phát triển thủy sản bền vững.

Dự án Luật thủy sản (sửa đổi) có 8 Chương, 100 Điều. Luật quy định về hoạt động thủy sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản, trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy sản được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản trong nội địa, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật thủy sản (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có quan điểm nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật, để góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của các chính sách và pháp luật thủy sản, đảm bảo phát triển ngành Thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, thủy sản không phải là một nguồn tài nguyên vô tận, cần phải được bảo vệ và có chiến lược phát triển bền vững, nhất là trong tình hình hiện nay khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng trên các thủy vực nội địa và vùng ven biển do tình trạng khai thác thủy sản quá giới hạn cho phép, sự suy giảm của hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường sống, biến đổi khí hậu...
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của Ban soạn thảo, dự thảo Luật đã thể chế hóa được các quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển ngành thủy sản phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020...

Dự thảo đã quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, khai thác thủy sản, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản..., tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thủy sản, đẩy mạnh phát triển thuỷ sản thành ngành kinh tế theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.
Một số ý kiến lưu ý trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản hiện nay ngày càng cạn kiệt, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản gần bờ gặp nhiều khó khăn, việc đề ra chính sách phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh quốc phòng là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đề ra các chính sách ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ trong chuỗi các hoạt động thủy sản. Mục đích của các chính sách này là nhằm phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững.
*Ý kiến khác nhau về tổ chức bộ máy lực lượng kiểm ngư
Chương VI. Lực lượng Kiểm ngư (03 Điều, từ Điều 90 đến Điều 92) là chương mới so với Luật Thủy sản 2003, quy định cụ thể về chức năng kiểm ngư; nhiệm vụ kiểm ngư; quyền hạn và trách nhiệm của kiểm ngư; phối hợp trong hoạt động của lượng kiểm ngư.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định bổ sung Chương Kiểm ngư vào dự thảo Luật là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Việc hình thành kiểm ngư cấp tỉnh về cơ bản sẽ không làm phát sinh thêm nhân lực và phương tiện để triển khai nhiệm vụ, chỉ phát sinh ngân sách nhà nước để chi chế độ phụ cấp cho đội ngũ này như Kiểm ngư hiện tại khoảng 9 tỷ đồng/năm.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cần có lực lượng kiểm ngư như việc tổ chức bộ máy như thế nào vẫn còn ý kiến khác nhau. Có ý kiến đồng tình với Tờ trình cần thiết thành lập lực lượng kiểm ngư cấp Trung ương và ở cấp tỉnh (28 tỉnh có biển), nhưng cũng có ý kiến đặt vấn đề có cần thiết thành lập ở tất cả 28 tỉnh có biển hay không; lực lượng kiểm ngư sẽ quan hệ như thế nào với thanh tra thủy sản ở các địa phương...
Nêu ý kiến cần thiết có lực lượng kiểm ngư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định tỏ quan điểm không đồng tình với cách thể hiện như dự thảo Luật. Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh hướng tới mục đích thành lập lực lượng kiểm ngư để tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lập trật tự kỷ cương trên biển... thì cách lý giải phải khác. Chủ nhiệm đề nghị Ban soạn thảo phải sửa lại cách thể hiện trong Tờ trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành thành lập hệ thống kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển. Trước ý kiến băn khoăn nếu thành lập kiểm ngư ở các tỉnh, chức năng thanh tra đang thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như hiện nay liệu lực lượng kiểm ngư có làm được hết các chức năng, nhiệm vụ theo luật chuyên ngành hay không, theo Phó Chủ tịch Quốc hội giao lực lượng kiểm ngư làm cả chức năng thanh tra và gắn với cấp ủy địa phương là hợp lý...
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án Luật nêu quan điểm báo cáo tổng kết 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản cơ bản chưa đánh giá về hoạt động và hiệu quả hoạt động của lực lượng này. Đồng thời qua khảo sát, không ít địa phương cho rằng, việc chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành tại chi cục thủy sản của 28 tỉnh sang kiểm ngư là không phù hợp, chỉ cần tăng cường nguồn lực phục vụ hoạt động thanh tra và có sự phối hợp tốt của Kiểm ngư vùng. Mặt khác, nếu chuyển thành lực lượng kiểm ngư thực hiện trên vùng biển sẽ không có lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành trên các vùng nội thủy (sông, hồ, đầm, phá)....
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ băn khoăn việc xây dựng thêm lực lượng kiểm ngư sẽ trái với tinh thần Nghị quyết 39/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích nếu như xây dựng luật có tính chất dài hơi thì đưa nội dung này vào dự Luật.

Tuy nhiên lực lượng kiểm ngư không phải là nội dung chính của dự thảo Luật thủy sản, chỉ là lực lượng chấp pháp. Nếu thành lập tại tất cả các tỉnh ven biển trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra sang, như thế là chưa phù hợp, nên nghiên cứu thêm vấn đề này - Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị.
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bế mạc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục