Ưu tiên vốn cho các dự án điện trọng điểm, đồng bộ nguồn

07:02' - 07/01/2020
BNEWS Năm 2020, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) có kế hoạch đầu tư 5.996 tỷ đồng để khởi công 13 dự án và đóng điện 23 dự án.

Đồng thời thẩm tra và trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi 35 dự án; Thiết kế kỹ thuật –Tổng dự toán 14 dự án ; Lập quyết toán 13 dự án và phê duyệt 14 dự án.

Đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới do CPMB quản lý đầu tư. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB, để thực hiện được mục tiêu này, năm nay, Ban tập trung rà soát các tồn tại, khó khăn và vướng mắc của các năm qua, đặc biệt trong năm 2019 để khắc phục và tổ chức triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu của năm mới 2020.

Cụ thể, CPMB lập kế hoạch thực hiện, giải ngân vốn cho từng tháng để từ đó có cơ sở trình Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) kịp thời có kế hoạch thu xếp vốn đối với các dự án còn thiếu vốn trong năm, đặc biệt ưu tiên đối với các dự án trọng điểm, đồng bộ nguồn và trả nợ khối lượng.

Đồng thời, phối hợp với các Ban của Tổng Công ty để thu xếp vốn cho những dự án đã khởi công năm 2019 chưa thu xếp được và các dự án khởi công các năm 2020-2021.

Cùng với việc tham mưu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNNPT để báo cáo và trực tiếp làm việc với các Bộ ngành, Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan chế độ chính sách về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các thủ tục rừng, CPMB còn chủ động phối hợp chặt chẽ với các Tư vấn ngay từ khâu lập dự án, trong công tác thẩm tra thực địa tuyến, giám sát công tác khảo sát và thường xuyên trao đổi, đôn đốc để nâng cao chất lượng đề án, giao đề án đúng thời gian nhằm rút ngắn thời gian thẩm tra, phê duyệt.

Ban cũng tổ chức lập, phân công và thống nhất kế hoạch thực hiện đối với từng dự án sau khi Thiết kế kỹ thuật –Tổng dự toán được duyệt.

Đặc biệt quan tâm đến việc lập dự toán để chuẩn xác ngay từ đầu, tránh trường hợp một số gói thầu phải tổ chức lập lại dự toán, đấu thầu lại nhiều lần mới lựa chọn được nhà thầu. Song song với đó, tập trung nhân lực tổ chức xét thầu, trình duyệt và thương thảo ký kết hợp đồng.

Một nhiệm vụ quan trọng mà CPMB đang triển khai là chủ động tổ chức, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành bàn giao tuyến để triển khai đo vẽ giải thửa phần trạm biến áp (TBA), phần vị trí móng và hành lang tuyến đường dây đối với các khoảng néo đã chuẩn xác sau khi có phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Mở rộng ngăn lộ tại các TBA 500kV Quảng Ninh và Hiệp Hòa. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

CPMB cũng triển khai thành lập Hội đồng bồi thường nơi có công trình đi qua để thực hiện ngay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trong đó, tập trung nhân lực, chủ động phối hợp các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương các cấp để thực hiện các thủ tục về bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo thời gian khởi công, thi công dự án theo kế hoạch, đặc biệt ưu tiên đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng để thi công theo kế hoạch đối với các dự án cấp bách.

Mặt khác, CPMB còn theo dõi, kiểm soát để thực hiện nghiêm và kịp thời việc phê bình, cảnh báo và phạt hợp đồng theo đúng các điều khoản đã ký kết đối với các hợp đồng như : tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, xây lắp và mua sắm hàng hóa.

Ông Nguyễn Đức Tuyển  cho biết, đối với các dự án cấp bách như đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng-Quảng Trạch-Dốc Sỏi-Pleiku 2, đường dây 500 kV đấu nối Nhà máy điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện Quốc gia, TBA 220 kV Ninh Phước...,  Ban điều hành, Ban tiền phương và Lãnh đạo Ban thường xuyên có mặt trên công trường để phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện, bám sát tiến độ đề ra để hoàn thành dự án theo kế hoạch.  

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung  cũng đẩy mạnh công tác truyền thông về tầm quan trọng các dự án truyền tải điện, về chế độ chính sách để người dân, tổ chức và các lực lượng tham gia có sự đồng thuận và chia sẻ.

Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các đề tài nghiên cứu, các ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ đem lại hiệu quả trong quản lý, điều hành, tăng năng suất lao động, đảm bảo hoàn thành kế hoạch về tiến độ, khối lượng, chất lượng và giải ngân vốn; tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong đấu thầu và quyết toán đúng thời hạn.

Thi công đường dây 500 kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Riêng đối với công tác quản lý điều hành, theo ông Tuyển, Ban sẽ kiểm soát tiến độ xử lý công việc từ các cấp; Cập nhật tình hình xử lý công việc chi tiết hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng để có đề xuất chấn chỉnh thực hiện kịp thời; Theo dõi, đôn đốc thường xuyên các nhà thầu thực hiện theo đúng tiến độ hợp đồng đã ký kết, có văn bản nhắc nhở hoặc phạt đối với các nhà thầu chậm tiến độ. Cùng đó, chuẩn hóa các quy trình thực hiện từng công đoạn trong quản lý đầu tư, quy định cụ thể trách nhiệm từng cá nhân được giao nhiệm vụ.

Theo CPMB, năm 2019, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung đã hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư 5.373,87 tỷ đồng, tăng 17,77% so với kế hoạch; Giải ngân 5.309,89 tỷ đồng, tăng 14,39% so với kế hoạch. Đây là năm đầu tiên Ban thực hiện vượt kế hoạch đề ra cả về giá trị thực hiện và giải ngân.

Với số vốn đầu tư trên, trong năm qua, CPMB đã khởi công 9 dự án và đóng điện 16 dự án; trong đó có các dự án thu gom công suất nguồn như lắp máy biến áp 500/220 kV Lai Châu; các dự án đáp ứng nhu cầu phụ tải như nâng công suất TBA 500 kV Dốc Sỏi, nâng công suất TBA 220 kV Dung Quất; các dự án giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo như đường dây Bình Long-Tây Ninh và nâng công suất  TBA 220 kV Tháp Chàm; trong đó dự án nâng công suất TBA Tháp Chàm vượt kế hoạch giao 1 năm; các dự án nâng cao năng lực truyền tải như: Đường dây 220 kV Đồng Hới-Đông Hà, đường dây 220 kV Đông Hà-Huế.

Ngoài ra, trong năm, CPMB đã tổ chức đấu thầu thành công 216 gói thầu thuộc các dự án, với giá trị trúng thầu 8.460,18 tỷ đồng, không để xảy ra khiếu kiện, khiếu nại, sai sót, gây thất thoát và lãng phí./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục