Ứng phó với sự cố tràn dầu-hóa chất: Bài 2- Chủ động quản lý, sẵn sàng ứng phó

14:00' - 23/11/2017
BNEWS Để tăng cường công tác quản lý, an toàn môi trường, trước hết cần đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn trong ứng phó sự cố tràn dầu - hóa chất.
Chủ động quản lý, sẵn sàng ứng phó với sự cố tràn dầu. Ảnh minh họa: TTXVN

* Nỗ lực ứng phó
Hơn 10 năm hoạt động, Công ty SOS Môi trường đã thiết lập một mạng lưới các trạm ứng phó sự cố môi trường do dầu - hóa chất tại nhiều điểm có nguy cơ cao xảy ra sự cố. Trên cơ sở áp dụng sáng tạo phương châm 4 tại chỗ: “trang bị tại chỗ, nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ” của Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Công ty SOS Môi trường đã xây dựng và hoàn thiện chiến lược ứng phó, bố trí nguồn lực căn cứ vào đặc thù của từng khu vực.

Hoạt động nghiên cứu sản xuất cải tiến trang bị chuyên dụng của công ty được đặc biệt quan tâm, giúp cho việc ứng phó các sự cố với quy mô khác nhau tại nhiều địa phương trên cả nước với chi phí thấp nhất.
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công ty SOS Môi trường cho biết, tính đến tháng 9/2017, Công ty đã trực tiếp tham gia, chỉ huy hiện trường ứng phó 67 sự cố tràn dầu tại nhiều địa phương trên toàn quốc, như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trung tâm Đào tạo nhân lực Ứng phó sự cố môi trường SOS (trực thuộc Công ty SOS Môi trường) luôn chú trọng việc trang bị kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực hành cho các học viên trong khóa huấn luyện.

Trung tâm đã tổ chức 118 khóa đào tạo huấn luyện kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu - hóa chất cho các địa phương và doanh nghiệp tại Việt Nam; trong đó 10 khóa phối hợp Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu quốc gia, 9 khóa phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, 1 khóa diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh (phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam), 44 khóa diễn tập với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, 47 khóa cho các cơ sở, doanh nghiệp trên cả nước, 5 khóa với sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường, khoa môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu.

* Siết công tác quản lý an toàn môi trường
Theo các chuyên gia Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, để tăng cường công tác quản lý, an toàn môi trường, trước hết cần đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn trong ứng phó sự cố tràn dầu - hóa chất.

Đối tượng là các thành viên thuộc Hội đồng thẩm định kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường; thành viên đoàn thanh, kiểm tra các doanh nghiệp; các cán bộ quản lý về an toàn môi trường tại các tập đoàn, nhà máy, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất có nguy cơ cao gây ra sự cố môi trường do dầu-hóa chất. Đồng thời, các đối tượng trên phải có chứng chỉ sau khi hoàn thành các khóa đào tạo huấn luyện khắt khe để trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Cần phát triển các trạm (đơn vị) ứng phó sự cố môi trường khẩn cấp, thường trực 24/24h để sẵn sàng ứng phó. Theo quy định, tất cả các doanh nghiệp có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải đảm bảo đủ nhân lực có kỹ năng và trang thiết bị vật tư ứng phó sự cố tại chỗ.

Nếu tuân thủ đúng các qui định hiện hành với đầu tư tốn kém thì các doanh nghiệp vô hình trung trở thành các trung tâm ứng phó sự cố môi trường chuyên nghiệp. Vì vậy hoạt động đảm bảo sẵn sàng ứng phó sự cố nên thông qua lực lượng chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ trả phí định kỳ cho đơn vị ứng phó chuyên nghiệp để được đảm bảo dịch vụ ứng phó sự cố, với chi phí tiết kiệm hơn nhiều so với việc doanh nghiệp tự đầu tư nguồn lực.
Vai trò của các đơn vị ứng phó sự cố chuyên nghiệp không chỉ ứng phó khi có sự cố xảy ra mà quan trọng hơn các đơn vị này có đủ kiến thức và năng lực kiểm tra kỹ thuật định kỳ về an toàn, phòng ngừa sự cố, kịp thời phát hiện các rủi ro tiềm ẩn có thể dẫn đến sự cố.

Đây cũng là lực lượng chính giúp cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm vững thông tin chính xác về công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường tại các khu công nghiệp, quận, huyện, tỉnh, thành phố thông qua các báo cáo được thực hiện một cách chuyên nghiệp, độc lập và định kỳ theo yêu cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục