Ứng dụng theo dõi dữ liệu chăm sóc nuôi dưỡng trẻ từ 0-8 tuổi

17:51' - 14/12/2017
BNEWS Hệ thống cho phép thu thập dữ liệu, phân tích thông tin quan trọng của bà mẹ, trẻ em theo thời gian thực nhằm hỗ trợ toàn diện cho nhân viên y tế trong việc chủ động cung cấp các can thiệp hợp lý.
Ứng dụng cho phép thu thập thông tin của bà mẹ và trẻ em giúp nhân viên y tế có thể can thiệp hợp lý, kịp thời. Ảnh minh họa: TTXVN

Chiều 14/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Tham vấn quốc gia về ứng dụng công nghệ di động trong dự án Phát triển trẻ em toàn diện (MIECD)" với sự tham gia của 120 đại biểu đến từ các bộ, ngành liên quan, địa phương, tổ chức phi chính phủ và đối tác phát triển.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp một diễn đàn để các bên liên quan thảo luận và đối thoại về vai trò, trách nhiệm nhằm đảm bảo sự phối hợp liên tục và bền vững trong việc lập kế hoạch, triển khai sáng kiến ứng dụng công nghệ di động trong dự án Phát triển trẻ em toàn diện.

Nhân dịp này, Bộ Y tế công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo kỹ thuật quốc gia về ứng dụng công nghệ di động trong dự án Phát triển trẻ em toàn diện nhằm hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện...
Báo cáo tại hội thảo nêu rõ: Ứng dụng công nghệ di động trong dự án Phát triển trẻ em toàn diện là sáng kiến quan trọng của dự án Phát triển trẻ em toàn diện (PTTETD) - một dự án yêu cầu phương pháp tiếp cận đa ngành và liên bộ nhằm đảm bảo sự chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sớm như đã được đề cập trong Luật Trẻ em.

Đây là một hệ thống công nghệ di động được sử dụng để theo dõi dữ liệu chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong giai đoạn từ 0-8 tuổi.

Hệ thống cho phép thu thập dữ liệu, phân tích thông tin quan trọng của bà mẹ, trẻ em theo thời gian thực nhằm hỗ trợ toàn diện cho nhân viên y tế trong việc chủ động cung cấp các can thiệp hợp lý, đúng thời điểm để cứu sống bà mẹ và trẻ em.

Ngoài ra, những dữ liệu thu thập theo thời gian thực cho phép giám sát, đưa ra bằng chứng trong quá trình triển khai dự án Phát triển trẻ em toàn diện (PTTETD).
Bên cạnh đó, độ phủ sóng rộng của mạng điện thoại di động ở Việt Nam cho phép ứng dụng này vượt qua các rào cản về địa lý để tiếp cận nhóm phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương sinh sống ở các khu vực xa xôi, biệt lập, góp phần đáng kể giải quyết sự bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế giữa các nhóm dân cư, địa lý khác nhau ở Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ di động trong dự án Phát triển trẻ em toàn diện khi hoàn thiện sẽ bao gồm 8 mô-đun trong các lĩnh vực: thai sản, trẻ sơ sinh, dinh dưỡng, tương tác sớm, trẻ khuyết tật, nước sạch-vệ sinh-môi trường, dự án Phát triển trẻ em toàn diện và điều tra khảo sát.

Ứng dụng này sẽ được thí điểm tại 27 xã khó khăn của 9 huyện thuộc 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Điện Biên. Ước tính sẽ có khoảng 35.000 trẻ từ 0-8 tuổi, 25.000 phụ huynh và người chăm sóc được hưởng lợi từ sáng kiến này.

Trong giai đoạn triển khai ban đầu, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc sẽ phát triển hai mô-đun là: thai sản và dinh dưỡng với mục tiêu “Không bà mẹ nào phải tử vong do các nguyên nhân có thể phòng tránh được” và “Giảm suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em”. Các mô-đun về lĩnh vực khác sẽ sớm được tiến hành.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề như: Các gói dịch vụ của dự án Phát triển trẻ em toàn diện; phương pháp vận hành ứng dụng công nghệ di động trong dự án Phát triển trẻ em toàn diện.../.

>>> 90% trẻ em sẽ được tầm soát 5 bệnh phổ biến vào năm 2030

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục