Ứng dụng công nghệ cao trồng hoa và cây cảnh

09:06' - 06/04/2019
BNEWS Hải Phòng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa và cây cảnh nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Sản phẩm hoa, cây cảnh truyền thống của thành phố Hải Phòng không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

Những năm gần đây, nhờ giao thông kết nối đồng bộ, thuận tiện, thành phố này đã đón rất đông lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, do đó nhu cầu về hoa, cây cảnh tăng nhanh...

Chính vì vậy, để tiếp tục duy trì và phát triển thị trường này bền vững, Hải Phòng đang hướng tới ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa, cây cảnh.
* Hiệu quả từ trồng hoa truyền thống và hiện đại
Sản xuất hoa ở Hải Phòng đã có từ lâu đời. Các loài hoa và cây cảnh được trồng và bán ở Hải Phòng rất phong phú và đa dạng.

Ngoài các loại hoa và cây cảnh truyền thống như: đào cảnh, đào thế, quất, hải đường, hoa hồng, hoa cúc, hoa huệ, hoa loa kèn..., đã có nhiều nghiên cứu khoa học và đề tài ứng dụng các mô hình trình diễn các giống hoa, cây cảnh mới có giá trị và hiệu quả kinh tế cao được đưa vào sản xuất như: các loại hoa hồng cổ, hồng ngoại, phong lan, địa lan, loa kèn Đan Mạch, tulip, cúc Nhật... Mỗi giống có hàng chục loại khác nhau.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng Phạm Văn Lập, bằng kinh nghiệm truyền thống kết hợp với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống và thâm canh như: kỹ thuật thâm canh trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm tự động, sử dụng bón phân thế hệ mới trong chăm sóc, sản xuất trong nhà kính hiện đại, nhà lưới; kỹ thuật chiết, ghép, điều khiển ra hoa, tạo dáng, tạo thế cây, sử dụng giá thể, đang được ứng dụng tại các vùng trồng hoa đã giảm sâu bệnh, chủ động thời vụ, hạn chế ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bên ngoài nên năng suất, chất lượng hoa được nâng lên rõ rệt.
Đến nay, diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại Hải Phòng có 15.240 m2; trong đó, trồng trong nhà kính, nhà màng (13.000 m2 tại xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên; 1.000 m2 tại phường Lãm Hà, quận Kiến An; 1.240 m2 tại xã Hồng Thái, huyện An Dương); còn lại có khoảng 500 - 800 m2 được trồng trong nhà lưới đơn giản rải rác trên địa bàn thành phố, chủ yếu là hoa li-ly, hoa lan, đồng tiền...

Công nghệ áp dụng trong nhà kính, nhà màng được ứng dụng công nghệ 4.0. Hải Phòng hiện có 5 kho lạnh xử lý xuân hóa mầm hoa, chủ yếu xử lý củ hoa loa kèn, lay-ơn, công suất trung bình 30 m3/kho. Hải Phòng chưa có cơ sở chế biến hoa tươi.
Nghề trồng hoa, cây cảnh ở Hải Phòng đã trở thành nghề có thu nhập cao, ổn định. Giá trị thu nhập hoa trung bình cao gấp từ 3 - 20 lần trồng lúa (đạt từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm), như: mô hình trồng đào cảnh, đào thế, quất cảnh làng Minh Kha (xã Đồng Thái), làng Đồng Dụ (Đặng Cương).
Nhiều mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao, sử dụng giống mới chất lượng cao, trồng hoa chậu (hoa hồng, hoa lan...), hoa cắt cành (hoa hồng ngoại, loa kèn chịu nhiệt, lay-ơn...) đã có doanh thu cao từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm như: mô hình trồng hồng cổ Hải Phòng ở làng Kiền Trung xã Hồng Thái.

Thậm chí có mô hình ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập từ 3 - 4 tỷ đồng/ha/năm như: mô hình trồng lan hồ điệp công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần Nông nghiệp Châu Giang, huyện Thủy Nguyên...
* Nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững
Thực tế, nghề trồng hoa ở Hải Phòng đang đứng trước khó khăn do quá trình đô thị hoá đã chiếm dần mất đất canh tác, một số làng trồng hoa truyền thống có nguy cơ "xoá sổ", đất đai manh mún, hệ thống thủy lợi bị chia cắt nhiều, hệ thống tưới tiêu gặp nhiều khó khăn.

Đã có một số địa phương bỏ ruộng không canh tác, điều kiện thâm canh gặp khó khăn. Việc di chuyển làng hoa đòi hỏi thời gian dài, đặc biệt chất đất là yếu tố khó thay thế sẽ làm suy giảm năng suất chất lượng hoa...
Giải pháp tháo gỡ những khó khăn này, Hải Phòng đã ra Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐND về thực hiện tái cơ cấu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 14/2017/NQ- HĐND ngày 20/7/2017 về quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Lập cho biết, Hải Phòng sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước chuyên ngành, tham mưu các chính sách hỗ trợ quy hoạch lại đồng ruộng, công tác dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, hỗ trợ nâng cấp, cải tạo hạ tầng, hệ thống thủy lợi.

Xây dựng vùng sản xuất hoa cây cảnh tập trung, khu vùng ứng dụng công nghệ cao sản xuất các chủng loại hoa có giá trị kinh tế cao gắn với mô hình phát triển các tuyến du lịch, danh lam thắng cảnh của thành phố nhằm khôi phục, khai thác nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đặc trưng của Hải Phòng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu các chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị về sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao; sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm sản phẩm.

Đầu tư cho việc nghiên cứu, bảo tồn, phát triển một số giống hoa, cây cảnh quý hiếm, hoa đặc trưng mang thương hiệu Hải Phòng, có giá trị kinh tế cao như: hoa lay-ơn, hoa hồng cổ, hoa hải đường, hoa loa kèn, lan rừng.
Cùng đó, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ sau thu hoạch như: xây dựng cơ sở bảo quản hoa, nâng cấp chợ đầu mối, trung tâm thương mại giới thiệu, trưng bày các sản phẩm hoa cây cảnh của Hải Phòng.

Tăng cường xúc tiến, quảng bá thương mại các sản phẩm hoa cây cảnh của Hải Phòng, tiếp tục xây dựng thương hiệu, chứng nhận các sản phẩm làng nghề trồng hoa truyền thống; hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm đào tạo, tiếp thu quy trình công nghệ sản xuất hiện đại, ứng dụng tốt nhất các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu đến năm 2020, Hải Phòng dành diện tích 680 ha (trong đó 375 ha hoa, 305 ha cây cảnh), tập trung tại các huyện An Dương, Thuỷ Nguyên, Kiến Thụy, An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, quận Hải An và một số nơi khác.
Đến năm 2025, Hải Phòng đạt 1.000 ha canh tác, trong đó, diện tích hoa giá trị kinh tế cao khoảng 400 ha gồm: 200 ha hoa đào; 150 ha hoa lay-ơn, 70 ha hoa lan, hoa khác..., với sản lượng hoa đạt hơn 158 triệu bông, giá trị sản xuất 187,5 tỷ đồng; cây cảnh đạt gần 1,1 triệu cây, giá trị sản xuất khoảng 99 tỷ đồng.
Diện tích sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao 200 ha, giá trị sản xuất khoảng 150 tỷ đồng. Đến năm 2030, Hải Phòng sẽ có 1.500 ha canh tác, trong đó có 70% diện tích ứng dụng công nghệ cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục